Phóng to |
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh |
Và vì hai con mắt nằm ở phía trước nên chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một nửa cuộc sống, nếu như cuộc sống là một góc ba trăm sáu mươi độ, thì mỗi người chỉ nhìn thấy một trăm tám mươi độ của nó. Thật vậy, góc họp bởi mắt và mặt phẳng chứa những vật mà ta nhìn thấy, bạn cứ thử tính mà xem, một trăm tám mươi độ!
Thử tưởng tượng đôi mắt như cái máy quét, nó quét đến đâu, thế giới lọt vào trong mắt bạn đến đó, nhưng tuyệt nhiên không lớn hơn một trăm tám mươi độ, trừ phi bạn có mắt ở phía sau lưng. Vậy là, một người (bình thường) có một trăm tám mươi độ để bao quát thế giới, để nhìn, để thấy, để cảm và để yêu.
Nhưng thế giới của tôi chỉ có một trăm năm mươi độ. Ba mươi độ còn lại, tôi để dành để nhìn lén anh. Kể cả khi tôi giả vờ trừng trừng nhìn thẳng về phía trước, thì đâu đó nơi khóe mắt vẫn có một góc rất nhỏ, cỡ khoảng ba mươi độ, giúp tôi thực thi nhiệm vụ chụp lại những hành động, cử chỉ, nét mặt của anh. Góc này, những kẻ đang yêu gọi là góc “liếc trộm”, “nhìn lén”. Nhưng tôi, tôi gọi nó bằng một cái tên mỹ miều hơn: “góc tình yêu”!
Anh ngự ở trong “góc tình yêu” của tôi cũng khá lâu rồi, từ ngày tôi còn chân ướt chân ráo bước vào câu lạc bộ mỹ thuật. Đó là một căn phòng nhỏ nằm ở sâu hành lang của trường đại học, nép dưới bóng của cây bàng già cỗi, nơi lui tới của những sinh viên có niềm đam mê đối với hội họa. Anh là chủ nhiệm của câu lạc bộ, học trên tôi một khóa. Ngày đầu tiên gia nhập vào câu lạc bộ, tôi bị anh mắng vì đến trễ.
- Là thành viên mới, lẽ ra em phải tuân thủ nghiêm ngặt nội quy của câu lạc bộ. Tôi hẹn em hai giờ, mà bây giờ đã là ba giờ kém! Hay là tất cả các sinh viên khóa mới đều vô kỷ luật giống như em?
Vô cùng xấu hổ, tôi khẽ liếc xuống dưới. Các sinh viên cùng khóa với tôi đều ngồi im thin thít không dám nhúc nhích.
- Tại em bị kẹt xe! - Tôi gân cổ cãi lại. Nhưng thật ra là do tôi ngủ quên. Thói quen ngủ như chết vào buổi trưa tôi vẫn chưa bỏ được.
- À, kẹt xe - Anh cười - Theo anh được biết thì trưa nay đường phố rất thông thoáng, những người ngồi ở đây không có ai bị kẹt xe cả. Hóa ra những chiếc xe trong thành phố này cứ canh đến giờ em xuất phát là lại đổ ra đường.
Tôi đứng im, cứng họng, nhìn anh bằng hai con mắt vừa tóe lửa vừa ngân ngấn nước, trong bụng rủa thầm con trai gì đâu mà nhỏ nhen, không chịu nhường nhịn phái yếu gì cả. Bên dưới, vẳng lên mấy tiếng cười rúc rích của đám sinh viên khóa mới.
- Thôi, em vào đi! Lần sau nhớ đừng có dùng cách này để gây chú ý nữa đấy!
Anh nở một nụ cười giảng hòa. Tôi huy động cả một trăm tám mươi độ của mắt mình để lườm anh một phát, rồi lò dò bước vào tìm chỗ ngồi, lòng thầm nghĩ, chỉ là một câu lạc bộ bé cỏn con, có cần phải quá nghiêm khắc như vậy không? Suốt cả buổi hôm đó, tôi lén liếc anh rồi vẽ vào tờ giấy A4 một bức chân dung biếm họa, bên dưới đề dòng chữ “H. chết tiệt”. Khả năng vẽ tranh biếm họa của tôi từ hồi phổ thông đã được bạn bè biết đến và ngưỡng mộ. Bất cứ ai làm cho tôi ghét đều có thể trở thành đối tượng trong tranh của tôi. Loáng một cái, bức tranh vẽ anh đã hoàn thành. Tôi thích chí nhìn vào “tác phẩm” của mình. Bức tranh vẽ anh rất nguệch ngoạc, cái đầu to, mắt lồi, miệng được phóng đại ra rộng đến mang tai, đầu loe ngoe vài sợi tóc, trông chẳng khác gì một nhân vật ngốc nghếch trong các bộ phim hoạt hình. Lúc sắp ra về, tôi vò tờ giấy A4 vứt vào trong ngăn bàn, chẳng ngờ lúc đó anh tiến xuống chỗ tôi lôi ngay tờ giấy ra. Anh bảo: Không được vứt rác vào trong ngăn bàn, các sinh viên khóa mới đều không biết giữ gìn vệ sinh chung như em à?”. Tôi nín thở nhìn anh mở tờ giấy ra. Mắt anh lướt trên bức chân dung, rồi lướt xuống dòng chữ “H. chết tiệt” (H. là tên anh). Tôi mím môi, thầm nghĩ “thôi tiêu rồi!”. Không ngờ lúc đó anh mỉm cười bảo “Vẽ anh à? Vẽ khá đấy. Thì ra sinh viên khóa mới cũng không đến nỗi nào!”. Nói xong anh liền gấp tờ giấy lại cho vào túi áo: “Anh giữ nó nhé!”. Tôi bối rối đáp “Tùy anh”. Đáp xong tôi liền đi thẳng ra cửa, mắt hiên ngang nhìn thẳng về phía trước. Nhưng thật ra tôi chỉ dùng có một trăm năm mươi độ để nhìn đường đi (tỉ dụ như lúc đó có cái ổ gà ở trước mặt chắc tôi cũng không kịp tránh), ba mươi độ còn lại tôi kín đáo liếc về phía anh xem anh phản ứng thế nào. Và cái góc nhỏ bí mật nằm trong khóe mắt tôi đã kịp thu về nụ cười đẹp như nắng sớm của anh chủ nhiệm câu lạc bộ.
Nụ cười đó làm tôi điêu đứng suốt ba năm trời. Nó ở yên trong góc ba mươi độ của tôi mãi không chịu rời đi. Nó khiến tôi cảm thấy một trăm năm mươi độ còn lại dù rộng gấp năm lần chẳng qua cũng chỉ là một thế giới vô nghĩa và trống rỗng nếu như không có cái góc ba mươi độ kia. Ngày qua ngày, tôi dùng cái góc ba mươi độ ấy để quan sát anh, để vẽ. Nhưng khi anh bước lại gần chỗ tôi hỏi “Lại vẽ gì đấy hả sinh viên khóa mới?”, tôi liền giấu bức tranh vẽ anh ra sau lưng rồi ngó nghiêng lên trời “Có vẽ gì đâu!”.
Hay như khi lớp tôi đá bóng với lớp anh, tôi ngồi trên khán đài, một trăm năm mươi độ giả vờ nhìn bọn con trai lớp mình đang thi đấu, ba mươi độ còn lại tôi dùng để liếc trộm anh. Tôi thu vào khóe mắt mình từng bước di chuyển, từng đường bóng, từng nét mặt của anh. Và khi anh ghi bàn vào lưới của lớp tôi, anh cởi phăng chiếc áo thun ra chạy một vòng quanh sân để ăn mừng, thì tôi là đứa đầu tiên đứng dậy hò hét cổ vũ cho anh. Mấy đứa con gái trong lớp nhìn tôi như “kẻ phản quốc”!
Những bức tranh vẽ anh theo tháng ngày rồi cũng đầy hết ngăn tủ của tôi. Không phải là tranh biếm họa nữa mà là tranh chân dung chính thống. Những bức tranh được tôi vẽ từ một góc ba mươi độ nhỏ xíu nằm nơi khóe mắt. Cái góc ấy chỉ chực chờ khi anh quay mặt đi chỗ khác là nó sẽ quét một lượt lên gương mặt anh, chụp lại rồi đưa vào bộ não, bộ não mã hóa những hình ảnh ấy rồi truyền tín hiệu xuống ngón tay, ngón tay tái hiện lại đúng gương mặt ấy lên trang giấy. Quả là một cơ chế diệu kỳ. Ba năm rồi, tôi chưa bao giờ nhìn thẳng anh bằng một góc rộng một trăm tám mươi độ. Khi đi ngang qua anh, tôi cố ý lướt qua thật nhanh, mặt hất lên trời, tay chân vung vẩy, mắt nhìn ở tận đẩu đâu. Anh thường bảo tôi sao “chảnh” quá. Vì anh không biết rằng tôi có một góc ba mươi độ dành riêng cho anh.
Ngăn tủ đầy ắp những bức tranh, nhưng chưa bao giờ tôi đủ dũng khí để tặng chúng cho anh…
Cho đến một ngày, anh nói anh không thể làm chủ nhiệm câu lạc bộ mỹ thuật được nữa. Anh đã là sinh viên năm cuối, sắp phải về miền Tây thực tập. Buổi ấy chúng tôi đứng đối diện nhau ngoài hành lang lộng gió, xào xạc lá bàng rơi. Anh bảo “Em thay anh làm chủ nhiệm câu lạc bộ được không?”. Tôi lạc giọng “Em ư?”. “Phải. Anh cảm thấy em rất có năng khiếu. Nếu em đồng ý, anh sẽ đề cử em với ban điều hành, dĩ nhiên là còn phụ thuộc vào ý kiến của các bạn khác nữa. Nhưng anh muốn hỏi em trước đã”. Mắt tôi lại giả vờ nhìn ở tận đẩu đâu “Nhưng thực tập xong anh vẫn có thể làm chủ nhiệm tiếp mà!”. “Khờ quá. Anh sắp ra trường rồi, còn phải đi làm, lấy đâu ra thời gian mà làm chủ nhiệm. Người này đi thì người khác lên thay, quy luật tự nhiên thôi mà!”. Ừ, phải, quy luật tự nhiên… nhưng sao tôi cứ thấy lòng trống trải lạ kỳ. Bỗng nhiên anh hỏi “Mấy bức tranh em vẽ đâu rồi, sao không đưa ra cho anh xem với!”. Tôi đỏ bừng cả mặt “Anh nói tranh nào cơ?”. “Lần nào sinh hoạt anh cũng thấy em vẽ cái gì đó, nhưng khi anh đến gần thì em giấu nhẹm đi không cho anh xem”. Tôi nói lí nhí “Vẽ một người mà em rất yêu quý!”. Nói xong, tôi ù té chạy trên hành lang lộng gió, xào xạc lá bàng rơi.
- Hãy vẽ một người mà các bạn yêu quý!
Ngày cuối cùng ở câu lạc bộ, anh đưa ra yêu cầu như vậy. “Vẽ một người mà các bạn yêu quý, rồi giữ bức tranh ấy cho thật kỹ, như nâng niu tình cảm mà chúng ta dành cho chính người trong tranh vậy”. Mỗi chúng tôi bắt đầu tản ra tìm một góc riêng để vẽ. Có người vẽ ông, bà, cha, mẹ, thầy, cô… Có đứa vẽ mối tình đầu hay sao ấy (vì nó che chắn bức tranh rất kỹ lưỡng không cho ai xem). Anh ngồi ở phía bên trên đối diện với chúng tôi và cũng vẽ. Thật kỳ lạ, anh vừa vẽ vừa nhìn xuống chỗ tôi, rồi lại cúi xuống vẽ, cứ như thể tôi là người mẫu trong tranh của anh. Mặt tôi lại nóng ran lên. Tay tôi lóng ngóng. Những nét cọ trở nên vụng về.
Kết thúc buổi sinh hoạt, anh cầm bức tranh đi nhanh ra cổng trường. Tôi vội vã chạy theo anh, vội đến mức tông phải anh làm bức tranh trên tay anh rơi xuống. Mắt tôi dán vào cô gái trong tranh. Cô gái thắt tóc bím, đôi mắt đẹp giấu đằng sau cặp kính cận suy tư. Cô ấy ngồi ở ngay sau lưng tôi trong câu lạc bộ mỹ thuật. Lúng túng nhặt bức tranh lên, anh nói “Em đừng cho ai biết những gì em nhìn thấy hôm nay nhé!”. Tôi gật đầu. “À, mà em tìm anh có việc gì không?”. Giờ thì tôi lại lắc đầu nguầy nguậy “Không, không có gì”, rồi lại ù chạy thật nhanh.
Gần một năm trôi qua, bây giờ tôi cũng gần ra trường rồi. Những bức chân dung anh vẫn nằm im trong ngăn tủ của tôi. Tôi cất chúng như cất giữ những kỷ niệm của mình. Giờ thì tôi biết rằng có lẽ mỗi người đều có một góc ba mươi độ của riêng họ để yêu để thương, để giấu những bí mật nho nhỏ, cũng như tôi có một góc ba mươi độ dành cho anh, còn anh thì có một góc ba mươi độ khác hơi chếch qua chỗ tôi một tí, chiếu thẳng vào cô gái ngồi sau lưng tôi. Bất cứ người nào cũng có thể lọt vào góc ba mươi độ của một người khác, được họ âm thầm yêu thương và dõi theo. Thầy dạy toán của tôi nói đúng, chúng ta không có đôi mắt ở phía sau là để không hoài niệm mãi chuyện cũ. Nên bây giờ tôi đợi để một ngày đẹp trời nào đó, tôi sẽ để lọt vào góc nhìn ba mươi độ của mình một người con trai khác.
Áo Trắng số 13 ra ngày 15/07/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận