Phóng to |
Bàn tay đầy sẹo của một lao động Myanmar bị cưỡng bức làm việc trên tàu cá Thái - Ảnh: EJF |
Quỹ Công lý môi trường (EJF) của Anh mới đây đã công bố báo cáo điều tra với tựa “Nô lệ trên biển”, khẳng định ngành ngư nghiệp thịnh vượng của Thái Lan thật ra là “ổ” buôn người, bóc lột sức lao động với sự tiếp tay của các chủ tàu, doanh nghiệp và các quan chức hủ hóa ở địa phương.
Trang tin IB Times trích lời giám đốc EJF Steve Trent: “Nhiều người trong số các lao động nhập cư trong ngành đánh bắt ở Thái Lan bị buôn người trái phép, đang chịu đựng ngược đãi khủng khiếp và thường xuyên bị từ chối các quyền cơ bản nhất của con người. Những người này là nô lệ hải sản của Thái Lan”.
Bị ném xuống biển
"Vấn đề thật sự nằm ở nhiều người đang vận hành các cơ sở kinh doanh ở địa phương, những người độc ác và hủ hóa. Dường như sức ép về chính trị và thị trường là cách duy nhất để ngành này phải có sự thay đổi" Ông Steve Trent(giám đốc EJF) |
Khi rời Myanmar một năm về trước, chàng thanh niên 21 tuổi Tay (không phải tên thật) vẫn nghĩ sẽ có được cuộc sống tươi đẹp hơn ở Thái Lan. Theo CNN, Tay bị những kẻ môi giới lao động đưa lậu qua biên giới với lời hứa về một công việc an toàn, ổn định. Tay chuẩn bị sẵn sàng để làm việc ở một nhà máy chế biến dứa (thơm), nơi có thể giúp anh dành dụm tiền và trả cho người đàn ông đã giúp anh sang biên giới. Thay vào đó, Tay và 12 người khác đã bị bán cho các tàu cá với giá khoảng 430 USD/người. Cảnh địa ngục bắt đầu từ đây.
“Tôi bị đánh vì không biết làm việc sao cho đúng” - Tay nói và kể thêm rằng những cô gái đi theo nhóm của anh được vào các nhà máy chế biến thủy sản, trong khi những cô xinh hơn bị đưa vào nhà chứa. Sau chín tháng, Tay có cơ hội trốn thoát khi giả vờ bệnh và được đưa vào bờ. Anh liền chạy đến một ngôi chùa ở Pattaya xin trú ẩn.
Trường hợp của Tay không phải là cá biệt. Chàng trai 21 tuổi Sai Ko Ko người Myanmar đã đổ bệnh sau hai năm làm việc cực khổ trên một tàu cá Thái Lan mà không được trả đồng nào. “Thuyền trưởng chửi bới tôi nhưng tôi thật sự bị bệnh. Tôi không thể làm việc - Sai Ko Ko nhớ lại - Ông ta đánh tôi gục xuống, kéo tôi đi và ném tôi xuống biển”. Theo báo Time, Sai Ko Ko may mắn được một tàu cá khác cứu và đưa vào một trung tâm di trú ở Indonesia.
Tuy nhiên, không phải lao động nhập cư bất hợp pháp nào cũng may mắn như Sai Ko Ko. Thậm chí nhiều trẻ em cũng bị ép làm việc trong các điều kiện như nô lệ. Một nhóm 14 người Myanmar được cứu từ các tàu cá hồi năm ngoái đã nói với EJF rằng họ phải làm việc 20 giờ mỗi ngày mà không được trả tiền hoặc trả rất ít. Họ còn bị các thuyền viên người Thái đánh đập. Một số còn chứng kiến cả những cảnh giết người và thi thể của nạn nhân thì bị vứt xuống biển.
Đến lúc phải thay đổi
Ông Trent nói hầu hết nạn nhân cảm thấy bị vỡ mộng và chỉ muốn quay về quê hương thay vì đi tìm công lý cho mình. “Nếu họ nói bỏ cuộc và chỉ muốn về nhà, các vụ việc bóc lột coi như sụp đổ và sẽ không có thêm bất kỳ hành động nào” - ông Trent nói.
Theo EJF, sự gia tăng lao động cưỡng bức trên các tàu cá Thái Lan gắn liền với sự tăng trưởng nhu cầu trên thế giới về hải sản giá rẻ và nguồn thủy sản bị ít đi vì đánh bắt quá mức. Các tàu cá thường đi các chuyến dài hơn nhưng đánh bắt được ít hơn. Báo Time dẫn báo cáo của Tổ chức Greenpeace nói vào năm 1961, ngư dân ở vịnh Thái Lan đánh bắt được 300kg hải sản một giờ thì con số này hiện nay chỉ khoảng 25kg.
Chính vì vậy, như CNN cho biết, ngành đánh bắt thủy sản ở Thái Lan đã khó khăn nay càng khó khăn hơn và ít thu hút được lao động trong nước cũng như đe dọa lợi nhuận của ngành này. Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho hay năm ngoái ngành cá Thái Lan thiếu hụt khoảng 50.000 lao động.
Thái Lan là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới với giá trị 7,3 tỉ USD vào năm 2011. Khoảng 1/5 số hải sản đánh bắt được xuất hiện trên các bàn ăn ở Mỹ, đặc biệt là cá ngừ, cá mòi, tôm và mực. Tuy nhiên, như Time cho biết, ngành này dựa nhiều vào các lao động nhập cư lậu và lao động cưỡng bức trên các tàu cá không đăng ký. Các nạn nhân chủ yếu đến từ Campuchia, Lào và đông nhất là Myanmar.
CNN cho biết Thái Lan hiện đang bị xếp hạng 2 trong danh sách các nước có trong báo cáo về buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ và sẽ bị tụt xuống hạng 3 nếu tình hình không được cải thiện. Kết quả tồi tệ này có thể kéo theo việc viện trợ quốc tế bị rút lại cũng như các giới hạn về nhập khẩu thủy sản.
Lập kế hoạch ngăn chặn Năm ngoái, theo CNN, Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố phát động một kế hoạch hành động ngăn chặn buôn người và hỗ trợ các nạn nhân. Cùng với các hiệp hội nghề cá quốc gia và các nhóm hành động dân sự, Bộ Lao động Thái Lan đã hỗ trợ ILO hoàn thành báo cáo năm 2013 về buôn người trong ngành đánh bắt thủy sản. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết năm 2012, Cục Hàng hải Thái và hải quân đã kiểm tra 608 tàu cá và không phát hiện tàu nào có lao động nhập cư trái phép. CNN trích lời nạn nhân Tay nói cậu đã chứng kiến cảnh sát nhận tiền hối lộ từ các chủ tàu có lao động không giấy tờ. Ông Trent thì tin rằng sự móc ngoặc giữa chính quyền địa phương, các chủ tàu cá và những kẻ buôn người còn kinh khủng hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận