22/10/2018 08:00 GMT+7

Góc khuất nghề vũ công - Đoản thọ tuổi nghề

TIẾN VŨ
TIẾN VŨ

TTO - Cùng thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu với các ca sĩ nhưng những người vũ công lại mang một câu chuyện hoàn toàn khác.

Góc khuất nghề vũ công - Đoản thọ tuổi nghề - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ đến với nghề vũ công bằng niềm đam mê to lớn, tuy nhiên để có thể trụ lại lâu dài thì đó là cả một câu chuyện không thể nói hết bằng lời.

Là một nghệ sĩ trẻ thường xuyên được khán giả khen ngợi có khả năng trình diễn tốt, luôn ý thức rõ tầm quan trọng của các vũ công trên sân khấu:

"Khi theo dõi bất kỳ màn biểu diễn nào, chúng ta cũng thấy sự quan trọng của các vũ công bởi họ là những người hỗ trợ rất tốt cho phần biểu diễn của ca sĩ. Sẽ thật trơ trọi nếu chỉ có một mình đứng trên sân khấu rộng mênh mông và chắn chắn hiệu ứng của phần trình diễn sẽ không tốt. Do đó các vũ công đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với người nghệ sĩ", Erik khẳng định.

Góc khuất nghề vũ công - Đoản thọ tuổi nghề - Ảnh 2.

Giọng ca Chạm đáy nỗi đau cũng chia sẻ thêm rằng bản thân rất khâm phục sự đam mê và nỗ lực của các vũ công mà nam ca sĩ từng hợp tác: "Sự đam mê là điều không thể bàn cãi khi làm việc với các vũ công. Dù mức thu nhập của các bạn cũng không quá cao so với những gì các bạn đã bỏ ra nhưng các bạn vẫn rất nhiệt tình hỗ trợ ca sĩ".

"Tôi nhớ có một lần tôi chạy show từ White Palace tới một sự kiện ở quận 4, thời gian giữa hai show khá sát nhau trong khi quãng đường rất xa và nằm trong giờ cao điểm kẹt xe. Thế là khi vừa xong show thứ nhất, cả ca sĩ lẫn vũ công phải đi xe ôm cho kịp giờ. Tôi may mắn đến trước, còn các bạn bị kẹt xe cách chỗ diễn khoảng một cây số, họ phải xuống xe, chạy bộ trên lề đường.

Vừa đến nơi, dù còn rất mệt những tất cả đã lập tức leo lên sân khấu để nhảy cho kịp mà không được nghỉ ngơi một phút giây nào cả. Tôi tin nếu không phải là những người trẻ yêu nghề và có trách nhiệm, họ đã không thể làm thế", Erik nhớ lại.

Đến vì đam mê, ở lại vẫn là đam mê

Mình cũng không biết tụi mình có gì để mất không nữa. Không nhảy, tụi mình không biết làm gì cả. Nhảy vì đam mê, nhảy vì gia đình và nhảy vì cuộc sống

Anh Mỹ - Thủ lĩnh nhóm nhảy S4

Nếu nói nghề vũ công cần nhất là đam mê, đó là nói thừa. Sẽ có người bảo nghề nào chả cần đam mê, đặc biệt lại là nghề liên quan đến nghệ thuật.

Tuy nhiên, phải trò chuyện và chứng kiến các bạn vũ công tập luyện, bạn mới thấy rõ được phải là một đam mê to lớn thế nào mới đủ sức giữ chân họ lại với con đường vốn lắm chông gai này.

Góc khuất nghề vũ công - Đoản thọ tuổi nghề - Ảnh 4.

Nhóm nhảy S4 - Ảnh: NVCC

Anh Mỹ, người sáng lập nhóm nhảy S4 chia sẻ: "Đối với mình thì nghề vũ công là những nghề tuyệt vời nhất. Chúng mình tập luyện từng ngày, từng giờ để cống hiến cho khán giả những màn trình diễn đẹp mắt và cảm xúc.

Nghề nào cũng có khó khăn, nhưng nếu tình yêu đủ lớn để dám mạo hiểm lựa chọn, kiên trì đi theo thì bạn sẽ vượt qua tất cả một cách dễ dàng. Mà bạn biết đó, đa phần các vũ công theo đuổi nhảy múa vì đam mê. Và một khi bạn làm vì đam mê thì bạn sẽ không thấy nó mệt mỏi hay khó khăn gì cả".

Nhảy múa là điều duy nhất gắn kết hàng trăm con người không cùng một đất nước, không cùng một văn hoá sát lại gần nhau và thấu hiểu nhau. Để đơn giản thì bạn nghĩ như thế này: để 100 con người không nói chung 1 ngôn ngữ với nhau tại 1 căn phòng thì họ sẽ làm được gì? Mình không biết, nhưng nếu bạn để 100 vũ công lại một căn phòng, họ sẽ làm ra những điều phi thường"

Ngọc Ánh - Á quân So you think you can dance

Góc khuất nghề vũ công - Đoản thọ tuổi nghề - Ảnh 6.

Lê Hiếu dự thi vòng loại Olympic Trẻ tại Đài Loan hồi tháng 5-2018 - Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Lê Hiếu - chàng trai sinh năm 2000 vừa đạt Huy chương Vàng bộ môn B-Boy (Breaking Boy) tại Youth Olympic Games 2018 tổ chức ở Argentina cho biết:

"Tôi không muốn bị đánh đồng rằng vũ công luôn luôn là người nhảy sau ca sĩ với những động tác khua tay múa chân cho bắt mắt. Tôi muốn mọi người có cách nhìn khác về nghề này, rằng họ là những nghệ sĩ độc lập và làm được rất nhiều thứ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Góc khuất nghề vũ công - Đoản thọ tuổi nghề - Ảnh 7.

Khoảnh khắc Lê Hiếu (áo đen ở giữa) nhận giải tại Youth Olympic Games 2018 tại Argentina - Ảnh: NVCC

Tuy tuổi đời lẫn cả tuổi nghề còn nhỏ nhưng Lê Hiếu đã đạt được những thành tích khủng mà bất kì vũ công trẻ tuổi nào cũng mong muốn có. Thậm chí, trong khi bạn bè đồng trang lứa còn đang lứa tuổi đi học thì Hiếu đã trở thành trợ giảng của một trường quốc tế về nhảy ở Việt Nam và có nguồn thu nhập "khủng" hàng tháng.


Trước Lê Hiếu, Việt Nam từng có Nguyễn Vũ Minh Tuấn (MT Pop) vũ công Popping đã và đang dẫn đầu trên khắp các sàn đấu quốc tế hay Lê Hữu Phước (BBoy Lee) - gương mặt đại diện Việt Nam giới thiệu đến thế giới về B-Boy tại nước nhà. Các bạn không chỉ giới hạn mình trong những thể loại sở trường mà còn luôn trau dồi, học hỏi thêm về các thể loại nhảy múa khác.

Lê Hiếu tên đầy đủ là Lê Minh Hiếu, sinh ngày 30-6-2000 tại TP.HCM. Sau khi học xong cấp 3, Hiếu quyết định không thi đại học mà đi theo con đường trở thành vũ công chuyên nghiệp. Lê Hiếu đạt Á quân chương trình So you think you can dance mùa 5 khi chỉ mới 16 tuổi.

Hiện tại, Hiếu là một trong những thành viên cốt cán của Urban Dance Group. Bên cạnh đó, Hiếu cũng là trợ giảng tại một trường nhảy quốc tế ở Việt Nam.

Đầu tháng 10 vừa qua, Lê Hiếu xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ để mang về tấm huy chương Vàng bộ môn Breaking (B-Boy) lần đầu tiên được tổ chức tại Youth Olympic Games 2018.

Trước khi cùng đoàn thể thao Việt Nam tham gia chung kết mùa giải tại Argentina, Lê Hiếu phải tự chuẩn bị kinh phí để tham dự vòng loại ở Nhật Bản và Đài Loan. Toàn bộ số tiền đó đều do các thầy cô, anh chị trong cộng đồng vũ công đóng góp, hỗ trợ.


Nghề vũ công ở Việt Nam cần có một cuộc cách mạng?

Tài năng, đam mê là vậy nhưng "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân". Thực tế mà nói tuổi nghề của vũ công khá thấp. Tuy nhiên, nếu không nhận show đi diễn, các vũ công vẫn có thể học hỏi và trau dồi thêm về tư duy biên đạo, đạo diễn sân khấu hay trở thành giáo viên dạy nhảy múa. Nhu cầu về những công việc này luôn tăng mạnh trong những năm gần đây.

Nhưng thay vì phát triển để đi đường dài, nhiều bạn vũ công lại lao đầu vào việc chạy show để kiếm tiền mặc cho chất lượng tiết mục ngày càng đi xuống. Ngay cả những nhóm nhảy chuyên nghiệp như ABC, Hoàng Thông, Bước Nhảy, The Girls… thời gian gần đây cũng không tránh khỏi việc gây nhàm chán cho người xem mỗi khi họ xuất hiện và trình diễn bên cạnh các nghệ sĩ nổi tiếng.

Góc khuất nghề vũ công - Đoản thọ tuổi nghề - Ảnh 9.
Hồ Ngọc Hà trình diễn cùng vũ đoàn Hoàng Thông tại chung kết HHVN 2018 - Ảnh: GIA TIẾN

Điều này xuất phát từ một thói quen được dân trong nghề nói với nhau là tư duy "xào nấu" những động tác có sẵn rồi đem đi diễn, thay vì đề cao tính sáng tạo riêng biệt. Chính tư duy này đang khiến nghệ thuật nhảy múa chuyên nghiệp ngày càng trở nên nhạt nhẽo trong mắt công chúng.

Giải thích cho điều này, một số vũ công cho biết cát-xê không đủ để trang trải chi phí tập luyện, đời sống lại ngày càng khó khăn nên chẳng còn mấy người quan tâm đến chuyện đầu tư phát triển nghề, rèn luyện vũ đạo tốt...

Vậy nên để giúp nghề vũ công xây dựng được một hình ảnh trong sạch, xứng đáng với những công sức tập luyện mà họ đã bỏ ra thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, đạo đức làm nghề của từng cá nhân trong nội bộ cộng đồng vũ công:

"Bất kì nghề nào cũng vậy, luôn luôn có người xấu, người tốt. Nếu như trong âm nhạc, chuyện đạo nhái thời gian gần đây được khán giả quan tâm và phê phán nghiêm khắc thì trong vũ đạo, việc phê phán lại chưa xảy ra.

Vậy nên nhiều người vẫn mặc nhiên "xào nấu" động tác và cho rằng khán giả sẽ không để ý đến, hoặc dù có bị phát hiện thì cũng sẽ chẳng có hình phạt nào được đưa ra. Nếu như chúng ta thiết lập một nguyên tắc bản quyền chặt chẽ hơn, tôi nghĩ sẽ ngăn chặn được thực trạng này", Quang Đăng cho biết.

Góc khuất nghề vũ công - Đoản thọ tuổi nghề - Ảnh 10.

John Huy Trần và nhóm nhảy UDG trong chương trình Chuyện tối nay cùng Thành - Ảnh: NVCC

Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi với John Huy Trần, người được xem là có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng vũ công Việt Nam hiện tại về vấn đề làm thế nào để có thể xây dựng được một cộng đồng dancer vững mạnh ở Việt Nam và thay đổi định kiến của dư luận về nghề.

John Huy Trần cho biết: "Khán giả có thể chán ngán về các bài biểu diễn nhảy múa vì hiện tại đa phần chỉ xem nhảy múa trên truyền hình, trên các gameshow. Mà truyền hình hay gameshow chỉ phản ánh một phần rất rất nhỏ về nền nhảy múa ở Việt Nam hiện tại, còn khá nhiều những chương trình nghệ thuật về nhảy múa chất lượng bên ngoài mà khán giả chưa có cơ hội tiếp cận đến và cũng chưa thật sự tìm hiểu đến".

Tiết mục nhảy Hold on - UDG VietNam

Vũ công John Huy Trần sinh ngày 30-2-1985 tại thành phố Montreal, Canada. Là một vũ công được đào tào bài bản ở Canada, John Huy Trần đã quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp và gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Anh thường xuyên xuất hiện với vai trò là nhà sản xuất, giám khảo, nhà biên đạo và cố vấn biểu diễn cho các chương trình nổi tiếng như Thử thách cùng bước nhảy, Bước nhảy ngàn cân, Vietnam idol, Bước nhảy xì tin, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Got talent, Tôi là người chiến thắng và nhiều chương trình khác.

John Huy Trần cũng là người đồng sáng lập Urban Dance Group, một nhóm nhảy hội tụ nhiều bạn vũ công với các nền tảng khác nhau. Đây là một nhóm nhảy chuyên nghiệp tại Việt Nam và thường xuyên có thành viên tham gia các cuộc thi quốc tế về nhảy múa.

Năm 2014, John Huy Trần công khai giới tính thật của mình khi tham gia chương trình Nghìn lẻ một đêm. Tháng 4-2018 vừa qua, anh đã tổ chức đám cưới với người bạn đời Huỳnh Nhiệm sau 9 năm yêu đương và tìm hiểu. Trước đó, cặp đôi đã hoàn thành thủ tục kết hôn tại Canada vào cuối năm 2017.

John Huy Trần cũng khẳng định lớp vũ công trẻ ở Việt Nam hiện nay rất tài năng, các bạn bắt đầu không còn giới hạn ở phạm vi trong nước mà bắt đầu đi ra thế giới. Các bạn đủ sức tạo nên một cuộc cách mạng lớn để xây dựng cộng đồng nhảy vững mạnh và thay đổi cái nhìn tiêu cực của xã hội về nghề.

"Những bạn trẻ như Lê Hiếu, Nguyễn Vũ Minh Tuấn, Lê Hữu Phước... đã nói lên sự tài năng của thế hệ vũ công trẻ ở Việt Nam, là minh chứng cho thấy sự mạnh mẽ của cộng đồng nhảy múa trong nước dù các chương trình thực tế về lĩnh vực này có ít đi.

Còn rất nhiều những cái tên tài năng khác đang chờ đợi để toả sáng. Hơn bao giờ hết, các bạn ấy cần sự hỗ trợ từ gia đình bởi đó luôn là nguồn động lực tốt nhất. Gia đình cần tin tưởng vào con đường nhảy múa mà các bạn đã chọn"- John Huy Trần khẳng định với Tuổi Trẻ Online.

B-Boy hay B-Girl là danh từ người ta dùng để chỉ những chàng trai, cô gái nhảy Breakdance - điệu nhảy đường phố thuộc thể loại hiphop, ra đời tại thành phố New York và Los Angeles vào những năm 1970. Breakdance cũng chính là dòng nhảy được nhiều người biết đến nhất của Hiphop.

Phong cách thời trang của B-Boy và B-Girl khá độc đáo và khác biệt. Họ thường mặc những bộ quần áo rộng, nhiều màu sắc và sử dụng phụ kiện lạ mắt. Nhiều bạn trẻ yêu thích và chọn lựa phong cách này dù không phải là một dancer chính hiệu.

John Huy Trần và các học trò lần đầu cùng múa

TTO - Between Us của nhóm bạn trẻ đam mê múa thuộc Urban Dance Group (do biên đạo múa John Huy Trần sáng lập) đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.

TIẾN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên