Trong bài viết này Tịt Tuốt tôi xin được kể hầu các bạn một hội chứng đang phát triển với tốc độ phi thường ở thời hiện đại. Đó là “Hội chứng chuyển hoá - Metabolic syndrome”.
Bệnh 'đẻ' bệnh
Trong khoảng 10 năm trở lại đây bà con mình thường nghe các “nhà” y khoa đọc xét nghiệm và thông báo: Bác bị tăng cholesterol, chị bị tăng triglycerid, ông bị giảm HDL (là loại cholesterol “tốt” cho tim), bà bị tăng LDL...
Những xét nghiệm này cho thấy chúng ta đang bị rối loạn chuyển hoá mỡ (lipid) hay bà con mình gọi là “mỡ máu cao”.
Có người khi xét nghiệm còn được thông báo “tăng đường huyết”. Hai “anh bạn” mỡ và đường cứ “dính” nhau, khi nào anh đường mà cao thì đám họ mỡ cũng cùng nhau “đại nhảy vọt”. Chỉ có bi nhiêu thôi mà cả cơ thể rúng động và sinh ra vô số bệnh, người trần mắt thịt dòm một phát là thấy ngay, đó là ….cái bụng hình trái táo ở nam giới hay trái lê ở nữ giới. Những tưởng “phát tướng phát tài” nhưng tiền chưa kịp vô thì bệnh đã đùng đùng kéo tới.
Đám mỡ bám vào nội tạng được “che chở” bởi bọn mỡ áp sát da tha hồ hoành hành. Chúng làm cho mọi thứ rối tung lên và “chèn ép” hay “chặn lối đi” của một em có cái tên gọi rất dễ thương là insulin. Em này giống như xe tải suốt ngày làm nhiệm vụ “chở” đường (gluco) vào trong tế bào. Bị đám nhà mỡ ngăn cản nên insulin lình xình trong máu giống như nạn kẹt xe. Các bác xét nghiệm thấy cả đường và insulin cứ kẹt trong máu, không vào tế bào được. Tế bào thiếu đường giống như đứa trẻ khát sữa lại gào thét làm bao tử cồn cào, đầu quanh quẩn nghĩ đến mỗi động từ”ăn”. Thế là quả bóng “bụng” vốn đã to cứ mỗi ngày một căng khiến cơ hoành chẳng còn cơ hội mà “thăng, giáng”. Ngồi bên “ông Địa hoặc bà Địa” bạn sẽ thấy họ thở nhanh mà nông. Nằm bên họ còn khiếp hơn vì tiếng “đàn đêm” mang âm thanh của tiếng rít thuốc lào cứ khộc khộc.
Đám mỡ cao còn nhảy vào lòng mạch máu gây hiện tượng “xơ mỡ động mạch”. Máu đang di chuyển lại bị vướng mãng mỡ chẹn đường nên tốc độ chậm dần, các yếu tố gây đông máu chỉ chờ có thế là hình thành nên một cục vón lại mà các bác sĩ gọi là huyết khối. Cục máu di chuyển trong động mạch vành rồi dừng lại thì sinh ra nhồi máu cơ tim. Cục máu di chuyển và dừng lại ở mạch não thì gây ra đột qụỵ.
Một cái bụng “quả táo” lại kèm theo mức đường >110 mg/dl thì nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ tăng gấp từ 2,5 đến 3 lần. Đám mỡ bụng còn làm tăng angiotensinII gây co mạch và tăng huyết áp mà bà con mình gọi là lên tăng- xông. Thứ bệnh mà cái này là hệ quả của cái kia ấy mãi đến năm 1997 Tổ chức y tế Thế giới mới chính thức đặt cho chúng một cái tên gọi là hội chứng chuyển hoá - Metabolic syndrom. Tại sao gọi như thế bởi bệnh này do rối loạn chuyển hóa vật chất gây nên, còn vì sao gọi là “hội chứng” vì chúng “đẻ” ra cả đống bệnh trầm kha như thế nên phải gom chúng vào một “hội” mà “đánh” kẻ cầm đầu mới mong giải thoát được.
Các yếu tố gia nhập 'hội'
Tại sao “hội chứng chuyển hóa” xảy ra ở người này mà không xảy ra ở người khác, cũng như cùng "dzô dzô" hàng đêm mà ông bụng to, ông bụng vừa vừa, có ông bụng lép kẹp?
Các nhà di truyền học cho rằng: chúng nằm trong gien di truyền, nếu ba mẹ bạn ngoài 30 tuổi bắt đầu có cái bụng dạng “bầu” thì bạn cũng dễ được họ nhà mỡ ưu ái đến nơi đây cư ngụ. Nguyên nhân thứ hai là do hormon, đặc biệt là hormon giới tính đã điều khiển đám mỡ di cư vào vùng bụng theo hình trái táo hay trái lê. Nhiều người thắc mắc: vậy ôm trái táo tốt hay ôm trái lê ngon hơn? Các nghiên cứu đều thống nhất rằng khối mỡ hình trái táo sẽ dẫn bạn đến với nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường và nhồi máu cơ tim nhanh hơn và nhiều hơn.
Thực tế cho thấy phụ nữ mãn kinh estrogene giảm xuống thì “anh” testosteron phát huy tác dụng và bà già cũng “vác” theo cái bụng trái táo. Yếu tố thứ ba là tác dụng của hệ thần kinh kiểm soát chuyển hóa. Nhiều người lo nghĩ, buồn rầu, chịu nhiều stress, mất cảm giác ngon miệng nhưng họ ăn như một sự giải sầu, nuốt hận để rồi vòng 2 cứ lớn dần lên sánh vai cùng vòng 3 và vòng 1.
Tham gia vào hội chứng chuyển hoá còn có cả các yếu tố miễn dịch vì chúng có quan hệ với cả hệ thần kinh và hệ nội tiết. Đó là một mạng lưới chằng chịt như dây điện thoại của thành phố ta gỡ được còn khó hơn cả mấy ông chủ của VFF kiếm huấn luyện viên cho đội tuyển.
Vậy có những tiêu chuẩn gì để “gia nhập” hội chứng chuyển hóa? Vòng eo >90 cm ở nam và > 80 cm ở nữ gọi là béo bụng là mà cũng là tiêu chuẩn đầu tiên. Triglycerid >150mg/ dl, HDL giảm <35 mg/dl, đường huyết lúc đói ≥ 110 mg/dl và huyết áp ≥140/90 mmHg là những tiêu chuẩn nối đuôi theo hình thành “hội chứng” với những nguy cơ trầm trọng cho sức khoẻ, đặc biệt là bệnh tim mạch và đột qụy. Phụ nữ đừng dại dột chọn anh nào “phát tướng” hay chính xác hơn là “phát bụng” bởi nó mang theo hàng tá bệnh và niềm vui chăn gối luôn ở trong trạng thái phập phù như… ngọn đèn trước gió.
Ăn hợp lý, tập thường xuyên = sống khỏe
Các thống kê của Hội tim mạch Hoa Kỳ cho thấy Hội chứng chuyển hóa ở người trưởng thành chiếm 22%, trong đó 6,7% ở độ 20-29 tuổi, những người trên 50 tuổi chiếm 43,5%. Ở Mỹ có 50 triệu người bị Hội chứng chuyển hóa, quả là con số không nhỏ. Hàng năm họ đi cấp cứu vì đột quỵ , nhồi máu cơ tim và những biến chứng của tiểu đường type II. Nếu không được cứu chữa kịp thời thì hoặc là tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, hoặc là tử vong vì cả một nhóm bệnh trong “hội” này.
Chỉ có ăn uống hợp lý như giảm lượng đường trong khẩu phần ăn, không ăn mỡ, không dùng những thực phẩm chứa acid béo dạng trans, ăn dầu thực vật. Ráng ăn nhiều rau các loại, chất xơ vốn là thứ ít năng lượng lại giống như một tấm thảm hút bớt chất béo mà bạn “lỡ măm” vào ruột và tập thể dục thường xuyên, theo S.A, Anderson (Mỹ )- là hai vấn đề cơ bản nhất để giải quyết “hội chứng chuyển hóa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận