Nhận định được TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đưa ra tại hội thảo về bất động sản: Gỡ vướng địa ốc, thúc đẩy tăng trưởng, do báo Đầu Tư tổ chức ngày 19-4.
Ba vấn đề của thị trường bất động sản
Theo ông Nghĩa, mỗi khi thị trường bất động sản lao dốc thì chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng giảm sút và rơi vào cảnh khó khăn. Vụ SCB là một ví dụ, nếu chúng ta không đủ năng lực tài chính để xử lý thì có thể sẽ lan sang nhiều ngân hàng khác. Nó cho thấy bất động sản là ngành có thể tạo "ngòi nổ" cho các cuộc khủng hoảng kinh tế.
"Hệ thống ngân hàng rất khổ sở sau sự cố SCB, giờ thêm vài ngân hàng nữa thì rất nguy hiểm", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cho rằng cần tranh thủ thời gian, làm thật nhanh tất cả những chính sách đã ban hành, nếu không sẽ không kịp. Bởi vấn đề với thị trường bất động sản hiện nay không đơn giản là gỡ vướng.
Hai vấn đề còn lại với thị trường bất động sản hiện nay theo chuyên gia này là cấu trúc của doanh nghiệp bất động sản. Những doanh nghiệp đang điêu đứng hiện nay là những doanh nghiệp không nắm trong tay ngân hàng. Chúng ta có hàng ngàn doanh nghiệp bất động sản nhưng chỉ có dăm doanh nghiệp nắm trong tay ngân hàng là tương đối ổn. Họ có ngân hàng trong tay nên có thể tái cấu trúc nợ xấu, có thể cho vay mới, đảo nợ. Còn những doanh nghiệp không có ngân hàng trong tay không làm được nên chính sách gỡ vướng cũng cần tập trung vào những doanh nghiệp không nắm ngân hàng, chứ không nên tháo gỡ chung chung.
Và vấn đề những nhà đầu tư vay tiền ngân hàng mua nhà, giờ giá cả tài sản thế chấp xuống rất thấp, nợ ngân hàng rất lớn, họ có khả năng trả nợ ngân hàng hay không?
Ông Nghĩa khẳng định tác động của thị trường bất động sản sẽ đánh thẳng vào chất lượng tài sản ngân hàng. Nên giải quyết khó khăn của hệ thống ngân hàng hiện nay phải làm thật nhanh nếu không phanh không kịp.
Để tháo gỡ cho thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - đề xuất các bộ, ngành cần xử lý chính sách nhanh hơn, chi tiết hơn, đặc biệt với nhà ở xã hội. Đây là sản phẩm này sẽ kích hoạt giao dịch trên thị trường, có sản phẩm phù hợp thì chỉ số giao dịch sẽ tăng lên, các guồng quay được kích hoạt, ổn định trở lại.
Cũng theo ông Đính, việc xây dựng và sớm ban hành các quy định, quy trình xử lý hồ sơ thủ tục cho các nhà đầu tư, trong đó có các khâu chuyển nhượng dự án, đấu thầu đấu giá, phê duyệt giá đất, lựa chọn chủ đầu tư sẽ tháo những nút thắt pháp lý trên thị trường.
Không chỉ bất động sản, doanh nghiệp top 10 ngành xây dựng cũng nguy cơ phá sản
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, thời gian qua có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản, nhưng chưa ai nói gì tới ngành xây dựng, trong khi sự liên thông giữa bất động sản và xây dựng rất chặt chẽ.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý 1-2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong quý 1-2023 đa số các doanh nghiệp xây dựng chỉ đạt 8% kế hoạch cả năm.
Ông Hiệp cho hay vừa qua VACC định tổ chức cuộc họp ở miền Trung, nhưng chi nhánh hiệp hội ở miền Trung cho biết giờ không ai dám đi họp vì hơn 40 doanh nghiệp thuộc hiệp hội ở miền Trung không có việc làm.
Tương tự, ở phía Nam, 21 doanh nghiệp xây dựng đã gửi "kêu cứu" tới Thủ tướng vì tình trạng tài chính khủng hoảng, việc làm khó khăn.
Ở miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công, đa phần các nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa không có việc làm.
"Chưa năm nào khốc liệt như năm nay, một số doanh nghiệp trong top 10 ngành xây dựng đang ở trạng thái báo động tài chính, không có tiền trả cho thầu phụ, trả nhân công nên khả năng phá sản...", ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cảnh báo nếu không có cơ chế bảo vệ nhà thầu xây dựng Việt Nam thì 5 năm nữa không doanh nghiệp xây dựng nào dám nhận thầu xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận