Trước đây, những trường hợp như ông Tíu khi chết do vết thương tái phát sẽ được Nhà nước có chính sách suy tôn là liệt sĩ.
Tuy nhiên dù đã qua đời bốn tháng nay, hồ sơ công nhận liệt sĩ của ông Tíu vẫn đang bị bỏ ngỏ. Nhiều thương binh và người thân cùng cảnh ngộ cũng đang trăn trở.
Hồ sơ bỏ ngỏ
Đến thôn Đồng (thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội), ai cũng biết ông Tíu suốt cuộc đời gắn chặt trên chiếc xe lăn, an dưỡng ở "trại thương binh". Khi đang được điều trị ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rồi trở nặng, gia đình xin cho ông được về nhà bên con cháu.
Thế nhưng, chuyến đi về nhà cuối cùng đó lại khiến cho Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) cũng như gia đình ông Tíu gặp khó khi vẫn chưa làm được hồ sơ suy tôn liệt sĩ sau bốn tháng qua.
Nhập ngũ năm 1970, ông Tíu bị thương nặng do lựu đạn trong Chiến thắng đường 9 - Nam Lào. Sức ép của quả nổ khiến người chiến sĩ này ngất lịm, đồng đội phải đưa về trạm xá cấp cứu trước khi về dưới trung tâm thương binh an dưỡng.
"Ông Tíu kể lại khi lựu đạn nổ, các mảnh đạn găm vào tủy sống, máu chảy ướt đẫm người nhưng không còn cảm giác đau vì liệt. Khi ấy, hai chân không cử động được, muốn ngồi dậy thì phải có người nâng lên" - bác sĩ Ngô Huy Phô, trưởng phòng y tế phục hồi chức năng Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, cho hay.
Cũng chính chấn thương do quả đạn kia khiến ông Tíu phải nằm một chỗ trên giường bệnh. Lâu dần, vết thương cũ loét ra, nhiễm trùng, kéo theo các bệnh như viêm đường tiết niệu, sỏi thận...
"Trước khi mất vài năm, ông Tíu phải cắt đi một chân, nó xuất phát từ vết thương cột sống năm xưa", bác sĩ Phô nói thêm.
Khi về an dưỡng ở trung tâm điều dưỡng thương binh, ông Tíu được xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể 100% với các vết thương cột sống đứt tủy, liệt hai chi dưới, loét vùng cùng cụt...
Thế là cả cuộc đời ông Tíu gắn chặt với chiếc xe lăn tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, ngay cả vệ sinh cá nhân cũng không thể tự chủ được. Có khi bản thân đau đớn vì trái gió trở trời, các vết thương từ vụ nổ năm xưa lại giằng xé cơ thể người thương binh già, kéo theo sức khỏe giảm sút.
"Không chỉ bác Tíu, hầu hết các bác thương bệnh binh rất nặng, có người đã nằm liệt giường gần chục năm. Có người đã gắn bó với trung tâm này suốt mấy chục năm trời, không có gia đình, không vợ con nên chúng tôi coi các bác thương bệnh binh như người thân của mình" - chị Hương, điều dưỡng Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tâm sự.
Ông Nghị, em ông Tíu, giãi bày đến ngày sức khỏe ông Tíu yếu dần, tiên lượng xấu, gia đình xin các bác sĩ cho người thương binh già về gần con cháu để anh em họ hàng đến chia sẻ những ngày cuối đời nên giờ thành không đúng quy định.
"Nguyện vọng của gia đình là làm được hồ sơ liệt sĩ cho anh nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu vì có vướng mắc. Không tránh khỏi có những trường hợp luồn lách để làm hồ sơ suy tôn liệt sĩ, nhưng với những thương binh đặc biệt, là "liệt sĩ sống" như anh tôi, gia đình mong được xem xét, có chính sách phù hợp" - ông Nghị bày tỏ.
Vướng mắc theo quy định mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ về trăn trở của gia đình ông Tíu, bác sĩ Nguyễn Văn Hương - giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành - lý giải theo quy định cũ, với thương binh an dưỡng ở trung tâm (tỉ lệ tổn thương cơ thể trên 81%) chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế, đơn vị sẽ lập hồ sơ và gửi lên Cục Người có công xử lý, chuyển Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, trình Chính phủ cấp bằng "Tổ quốc ghi công".
Tuy nhiên với quy định mới, trung tâm gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ cho thương binh theo quy định tại điểm l, khoản 1, điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định thương binh chết "do vết thương tái phát là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong", "có bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong" mới được xem xét là liệt sĩ.
Tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành hiện có 97 thương binh tỉ lệ tổn thương cơ thể trên 81% đang an dưỡng.
Theo hồ sơ của trung tâm, từ ngày 1-7-2021 khi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020 có hiệu lực đến nay, có bốn trường hợp thương binh qua đời nhưng chưa hoàn tất hồ sơ suy tôn liệt sĩ do vướng phải quy định mới. Trong đó, trường hợp của ông Tíu đã gắn bó với trung tâm suốt 44 năm đằng đẵng.
"Nhiều trường hợp được bệnh viện kết luận chết do bệnh tật sẽ không được công nhận liệt sĩ vì không phải chết do "vết thương tái phát".
Trường hợp thương binh muốn xin về để mất ở gia đình theo phong tục người Việt Nam cũng khó để làm hồ sơ công nhận vì không có tóm tắt hồ sơ bệnh án, không có biên bản kiểm thảo tử vong" - ông Hương bày tỏ.
Thương binh trăn trở
Trên chiếc xe lăn, ông Lê Đức Luân (70 tuổi, an dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành) trăn trở về trường hợp của ông Tíu cùng những người đồng chí, đồng đội vẫn đang bị bỏ ngỏ hồ sơ công nhận liệt sĩ.
Gần 50 năm sống với vết thương chiến trường để lại, ông Luân trăn trở từ khi thay đổi quy định, đến thương binh thương tật 100% vẫn không được suy tôn liệt sĩ, cấp bằng "Tổ quốc ghi công" nếu thiếu các điều kiện như đã nêu.
Ông chia sẻ ở trung tâm có những trường hợp thương binh không có gia đình hoặc cha mẹ đã qua đời, con cái đã lớn tuổi, do đó việc làm hồ sơ cũng gặp rất nhiều khó khăn nếu phải theo quy định mới.
Theo một cán bộ của Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), quy định "phải có bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong" khiến các thương binh điều trị ở bệnh viện nhưng gia đình có nguyện vọng đưa về nhà, mất tại nhà rất khó khăn trong quá trình làm hồ sơ suy tôn liệt sĩ.
"Theo quy định phải có xác nhận vết thương tái phát của bác sĩ cấp huyện nên thiệt thòi cho các bác thương binh" - người này nói. Cán bộ này cũng cho rằng nếu bệnh nhân mất trên đường đi cấp cứu hoặc mất tại trung tâm điều dưỡng cũng rất khó để xác nhận nguyên nhân "chết do vết thương tái phát".
Ông Phạm Hồng Tư - trưởng ban hội đồng thương binh, Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành - cũng cho rằng quy định "vết thương tái phát" phải do bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế hoặc tương đương trở lên xác nhận khiến nhiều hồ sơ đang bị "treo".
"Số lượng thương binh nặng trong cả nước hiện còn lại không nhiều, nếu quy định "cứng" như vậy sẽ thiệt thòi cho nhiều thương binh, trước mắt là những đồng chí đồng đội sắp ra đi" - ông Tư nói. Ông cũng bày tỏ mong muốn những trăn trở này sớm được lắng nghe và giải quyết.
* Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG (phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):
Chưa dự liệu hết thực tiễn
Quy định đưa ra trong Pháp lệnh 2020 nhằm đảm bảo thẩm quyền, chuyên môn để hạn chế những vấn đề tiêu cực.
Tuy nhiên, việc quy định như vậy chưa dự liệu được hết trong thực tiễn khi một số trường hợp thương binh nặng có thể mất ở nhà hoặc trên đường đi cấp cứu...
Hiện Ban Dân nguyện chưa nhận được kiến nghị nào của cử tri về vấn đề này song khi thấy có vướng mắc, các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh, các gia đình có thể có văn bản kiến nghị nội dung cụ thể gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội địa phương hoặc Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét cụ thể.
* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật):
Xem xét kỹ từng trường hợp
Thời gian vừa qua có một số trường hợp thương binh không đủ điều kiện, mất do bệnh này hay bệnh khác chứ không phải do vết thương tái phát nhưng vẫn làm hồ sơ và lấy xác nhận của cơ sở y tế nhằm trục lợi các chính sách liên quan công nhận liệt sĩ.
Tuy vậy, các trường hợp thương binh ở mức thương tật trên 81% hiện nay đều là rất nặng, gần như không thể đi lại được, phải có người chăm sóc.
Số lượng này không phải nhiều và họ đều đã có cống hiến hết sức lực, xương máu cho Tổ quốc. Thêm vào đó, các trường hợp này đều được chăm sóc, theo dõi sức khỏe thường xuyên, có bệnh án kiểm tra định kỳ của cơ sở y tế.
Do đó, trong trường hợp thương binh nặng trên 81% có mất tại nhà hay trên đường đi cấp cứu cần xem xét đây là những trường hợp cá biệt. Phía cơ quan y tế cần xem xét từng trường hợp cụ thể, căn cứ trên các hồ sơ theo dõi sức khỏe thường xuyên để xác nhận, nhằm giải quyết chính sách cho các thương binh và gia đình của họ.
Ở đây, bắt buộc cần cơ quan y tế xác nhận để đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan nhưng việc xác nhận không nên quá máy móc, rập khuôn, nhất là với các trường hợp thương binh nặng, thương binh đặc biệt.
Bộ LĐ-TB&XH, các cơ quan chức năng nên kiểm tra, rà soát cụ thể xem có vướng mắc ở đâu, như thế nào để đề xuất biện pháp, phương hướng, xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các thương binh và chống gian lận, trục lợi.
Không quên tính nhân văn
Ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XII, XIII và XIV - cho rằng thương binh tổn thương cơ thể trên 81% "coi như mất sức cơ bản".
Dù chết vì bệnh tật nhưng nguyên nhân sâu xa cũng do vết thương tái phát khiến sức khỏe yếu, tác động không nhỏ đến bệnh tật.
Do đó, nếu suy tôn liệt sĩ cho trường hợp thương binh đặc biệt thì không cần giám định y khoa do vết thương tái phát.
Điều này thể hiện sự quan tâm, tri ân đặc biệt với người có công, phát huy được truyền thống dân tộc và cũng thể hiện tính nhân văn trong chính sách.
Đồng thời giải quyết tâm lý, khích lệ cho thương binh đang an dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng cũng như gia đình của họ.
Truyền thống của dân tộc và tâm lý của người Việt ai cũng muốn người thân của mình được trút hơi thở cuối cùng tại nơi "chôn nhau cắt rốn", gia đình các thương binh nặng cũng thế.
Vì vậy, với quy định chết do vết thương tái phát, có xác nhận của bệnh viện tuyến huyện có thể khiến thương binh chịu thiệt thòi. Ai đi làm lại hồ sơ hoặc không đúng hồ sơ lại nảy sinh tiêu cực. Từ đó lại có trường hợp tương đồng nhưng không được xác nhận có thể dẫn tới bất bình đẳng trong xã hội.
Chính phủ có thể lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, tập trung vào các đối tượng trực tiếp như thương binh hạng 1/4 và các đối tượng thương binh; người đang chăm sóc thương binh và các trung tâm nuôi dưỡng người có công; chính quyền các cấp và ngành LĐ-TB&XH và ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể nghiên cứu, sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 với quy định về thương binh tổn thương cơ thể trên 81% khi qua đời sẽ được suy tôn là liệt sĩ mà không cần phải qua thủ tục xác nhận vết thương tái phát và tiếp theo là sửa nội dung nghị định 131.
Theo quy định thì cần chẩn đoán sớm cho thương binh
Y sĩ Lê Quang Đoan (Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) cho hay đa phần thương binh ở trung tâm bị mắc bệnh tâm thần mãn tính do bom đạn, sức ép, áp lực ở chiến trường, vết thương tái phát nên mong cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định để phù hợp hơn với thực tiễn này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn - giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng - chia sẻ hiện nay nghị định 131 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đang được thực hiện nên các vướng mắc phát sinh cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh.
Quy định mới đã "gộp chung" đối tượng thương binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết do vết thương tái phát phải có xác nhận của bệnh viện tuyến huyện trở lên.
Quy định này cũng đúng bởi tuyến cơ sở không thể chẩn đoán được cận lâm sàng, không chuyên sâu được như tuyến trên. Do đó, giải pháp lâu dài là chẩn đoán sớm và chuyển các thương binh nặng lên tuyến bệnh viện huyện gần nhất.
* Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam:
Hội sẽ đồng hành
Hiện hội chưa nhận được phản ảnh của các đơn vị, hội viên về vấn đề vướng mắc này nhưng với thực tế thương binh khi mất muốn ở nhà, việc xin được các giấy tờ trên ở cơ sở y tế tuyến huyện trở lên không đơn giản.
Thêm vào đó, hiện nay số lượng thương binh có tỉ lệ thương tật đặc biệt còn sống không phải nhiều.
Vì vậy, hội đề nghị các trung tâm điều dưỡng thương binh và đơn vị ở cơ sở có thể làm văn bản nêu rõ các vướng mắc cụ thể liên quan vấn đề này gửi về trung ương hội để hội làm việc với các cơ quan khác một cách chính xác, khách quan nhằm đảm bảo quyền lợi, suy tôn đối với các thương binh nặng đã có nhiều cống hiến cho Tổ quốc.
Tuổi Trẻ đã liên hệ với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, một vị lãnh đạo ủy ban cho hay sẽ tìm hiểu và đề nghị Bộ LĐ-TB&XH báo cáo nếu cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận