Cây cổ thụ có đường kính lên cả mét ở rừng phòng hộ Sông Kôn bị đốn hạ trong tháng 3-2018 -Ảnh: TẤN LỰC
Ngày 30-3, ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, huyện Đông Giang.
Khu vực rừng bị tàn phá cách tuyến đường liên xã Jơ Ngây - Zà Hung chừng một giờ đi bộ. Tại hiện trường, hơn 30 cây gỗ lớn bị đốn hạ.
Ngoài số lượng lớn gỗ đã bị xẻ và chuyển ra khỏi rừng, tại đây vẫn còn nhiều lóng gỗ tròn và phách gỗ xẻ nằm ngổn ngang.
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn hơn 1m với dấu vết cưa xẻ còn rất mới. Đây là những loại gỗ từ nhóm III đến nhóm VII như chò, xoan đào, trám. Ước tính có khoảng 70m3 gỗ bị triệt hạ.
Còn tại khu rừng phòng hộ Nam Sông Bung, huyện Nam Giang, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, có hơn 33 cây lim xanh cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, đường kính 0,5-1m bị hạ. Nhiều cây gỗ bị chặt nhưng lâm tặc chưa kịp đưa ra khỏi rừng, nằm ngổn ngang.
Theo kiểm đếm của lực lượng kiểm lâm, ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 235m3.
Ngoài vụ phá rừng này, đầu tháng 3-2018, Công an huyện Nam Giang cũng triệt phá một đường dây phá rừng lim xanh, dổi tại khu rừng phòng hộ đầu nguồn ở khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, với khối lượng gỗ bị triệt hạ khoảng 30m3 và bắt 7 người tham gia đường dây này.
Cây cổ thụ ở rừng phòng hộ Sông Kôn (Đông Giang) bị chặt hạ - Ảnh: T.LỰC
Sau khi kiểm tra hiện trường, ông Lê Trí Thanh đã làm việc với chính quyền hai huyện Đông Giang, Nam Giang và nhiều cơ quan liên quan hai vụ phá rừng trên.
Ông Hồ Văn Minh - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn - thừa nhận trách nhiệm và sự yếu kém trong công tác quản lý địa bàn để xảy ra tình trạng lâm tặc tàn phá rừng.
Ông Đinh Văn Hươm - chủ tịch UBND huyện Đông Giang - cho biết trước mắt sẽ kiểm điểm tập thể và lãnh đạo các xã trong việc buông lỏng quản lý bảo vệ rừng.
Ngoài ra, ông Hươm đề nghị kiểm điểm tập thể ban quản lý, hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Kôn do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý bảo vệ rừng trong lâm phận được giao.
Khi ông Lê Trí Thanh hỏi vì sao liên tiếp hai vụ phá rừng lim xanh trên địa bàn mà Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung không nắm được thì vị trưởng ban này nói:
"Ra tết, lực lượng hạt mỏng, anh em chủ yếu đi tuyên truyền nên không nắm hết tình hình. Bản thân tôi mới về nhận công tác được mấy tháng, chưa nghe anh em báo cáo!".
Bà Phạm Thị Như - phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang - cho biết khu rừng lim xanh ở địa phương này bị chặt hạ đều có chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung và các tổ nhóm bảo vệ rừng, vì vậy phải quy trách nhiệm cho rõ.
Ông Thanh yêu cầu Chi cục Kiểm lâm và Sở NN&PTNT Quảng Nam có báo cáo nhận trách nhiệm về các vụ phá rừng. Qua điều tra, nếu xác định có dấu hiệu buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng thì kiên quyết xử lý hình sự.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trí Thanh cho biết: "Hiện nay, tỉnh đang có những biện pháp giữ rừng mang tính khoa học hơn, nhất là việc triển khai đề án giám sát diễn biến rừng bằng công nghệ cao.
Ngoài ra, tổ chức lại lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, thay đổi phương pháp tuần tra bảo vệ rừng, thay đổi cách thức hợp đồng với các nhóm hộ. Như vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới".
Ông Thanh cũng kêu gọi người dân tố giác hành vi xâm hại rừng cũng như hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng qua địa chỉ email cá nhân của ông là: [email protected].
Rừng bị phá, người bị kỷ luật
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, từ đầu năm 2018 đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức gần 210 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản.
Qua đó phát hiện 242 vụ vi phạm, tạm giữ 306m3 gỗ các loại, khởi tố 6 vụ án hủy hoại rừng.
Trước đó, tỉnh đã kỷ luật 4 lãnh đạo, cán bộ ngành kiểm lâm liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước.
Ông Phan Tuấn - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - bị kỷ luật khiển trách cả về mặt Đảng và chính quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận