19/02/2024 11:00 GMT+7

Gỡ nút thắt, rộng đường cho làm ăn, phát triển

Muốn cho người ta dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, không chỉ dựa vào quyết tâm chính trị, tinh thần nhiệt tình hay năng lực chuyên môn mà trước hết phải giải quyết tốt hành lang pháp lý, những quy định chính sách rõ ràng và thông thoáng...

Các điểm nghẽn trong cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cần nhất quán nhằm tạo điều kiện  thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân làm ăn. Trong ảnh: công nhân đóng gói mít sấy xuất khẩu tại Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các điểm nghẽn trong cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cần nhất quán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân làm ăn. Trong ảnh: công nhân đóng gói mít sấy xuất khẩu tại Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

GS.TS TẠ NGỌC TẤN - phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về khát vọng đổi mới để tiếp tục xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, hạnh phúc.

GS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất cần có sự cố gắng chung của toàn Đảng, toàn dân quyết liệt, quyết tâm khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, xây dựng phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

* Trong năm 2024, những điều quan trọng nào cần làm để đạt được những mục tiêu về kinh tế - xã hội đã đặt ra, thưa ông?

GS.TS TẠ NGỌC TẤN

GS.TS TẠ NGỌC TẤN

- Theo tôi, điều đầu tiên có ý nghĩa như chìa khóa là phải giải quyết cho bằng được các nút thắt, hạn chế về thể chế, hình thành các hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển. Theo đó, cùng với luật phải đảm bảo các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư rõ ràng và nhất quán để giúp doanh nghiệp, người dân giải quyết thông thoáng các vấn đề về thủ tục đầu tư, vốn, tín dụng, nguyên - nhiên - vật liệu...

Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể với từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương. Việc này không chỉ là sự cố gắng, nỗ lực của từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đó cũng là yêu cầu sống còn để chúng ta khắc phục tình trạng đâu đó vẫn còn trì trệ, ngại trách nhiệm, làm chậm sự phát triển chung. Thực ra, muốn cho người ta dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì không chỉ dựa vào quyết tâm chính trị, tinh thần nhiệt tình hay năng lực chuyên môn mà trước hết phải giải quyết cho tốt hành lang pháp lý, những quy định chính sách rõ ràng và thông thoáng.

Phải làm sao để mỗi cán bộ hay người dân có thể tin rằng họ hành động, làm những công việc, đầu tư những công trình cụ thể đó là có lợi cho đất nước, cho gia đình và đồng thời an toàn cho cá nhân.

* Bên cạnh những mặt thành tựu, phát triển của đất nước, còn điều gì mà ông cảm thấy trăn trở trong thời gian qua?

- Có lẽ điều trăn trở nhất chính là về công tác cán bộ - tổ chức, trong đó làm sao có thể xây dựng được hệ thống chính trị thật hợp lý, chuẩn chỉnh, thuận lợi, phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó là con người, nguồn nhân lực vừa hồng vừa chuyên để sắp xếp vào các vị trí công tác trong hệ thống đó. Bởi ngay cả khi tổ chức hệ thống thuận lợi rồi nhưng cán bộ không hợp lý thì cũng không mang lại hiệu quả.

Nên các khâu, các công việc đào tạo, bồi dưỡng, chọn lọc, sử dụng, đãi ngộ cán bộ đều rất quan trọng. Muốn có người cán bộ tốt phải thực hiện đồng bộ tất cả các khâu chứ không phải ở một vài khâu mà được.

Ví dụ muốn có cán bộ tốt phải bắt đầu từ nhà trường phổ thông, phải thực sự đổi mới giáo dục - đào tạo, phải đặt dạy người, dạy kỹ năng sống, văn hóa, lối sống lên trước; phải chuẩn bị để giáo dục con em chúng ta làm người trung thực, yêu nước, nhân văn, tinh thần công bằng, bác ái, chất lý tưởng, tình yêu chế độ, con người...

Chính nền giáo dục ấy là cơ sở đầu tiên, quan trọng để chúng ta chọn lọc, đào tạo cán bộ. Tất nhiên, cùng với đó còn rất nhiều khâu mà chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện một cách đồng bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ tốt. Chỉ một hay vài khâu trong đó thực hiện không tốt, không chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến tất cả.

Chẳng hạn, với việc tuyển chọn, cất nhắc cán bộ. Nếu làm không chặt, để lọt lưới những cán bộ cơ hội, chạy chọt vào những vị trí có quyền lực quan trong sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì đã mang tiền đi chạy, họ sẽ phải tìm cách thu hồi lại và họ sẽ dùng đúng con đường đó để tuyển dụng cán bộ mới.

Nguy hiểm hơn nữa là họ tìm đến vị trí công tác không phải vì khát vọng phát triển, lý tưởng cống hiến mà vì muốn "thăng quan làm giàu". Như vậy, theo dây chuyền, cán bộ sẽ ngày càng tha hóa, tệ hại.

* Theo ông, làm thế nào để chọn đúng và trúng cán bộ vào những vị trí lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới?

- Theo tôi, yêu cầu sống còn là phải làm sao chọn được những con người trung thực, liêm chính. Những người đó có tài nhưng phải gắn với ý thức chính trị, ý thức công dân, có chất lý tưởng, có khát vọng phát triển đất nước.

Có tài rồi nhưng hơn hết phải có đức. Bác Hồ từng nhiều lần chỉ rõ vào Đảng không phải để thăng quan, phát tài mà vào Đảng để phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, mang lại độc lập tự do cho dân tộc, cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân.

Muốn có được những con người như vậy cần quá trình đánh giá, lựa chọn toàn diện, đặc biệt quan tâm đến ý kiến của người dân. Bởi cán bộ như thế nào thì sống với người dân họ đều biết rõ hết.

Trong công tác cán bộ, chúng ta đã có quy trình 5 bước rất chặt chẽ, nhưng vấn đề là làm thế nào để thực hiện một cách quang minh chính đại và khách quan.

5 bước này dù có quy định chặt chẽ nhưng cũng là do con người, do những cán bộ cụ thể thực hiện, nên nếu mỗi bước thực hiện không khách quan, không chặt chẽ, nghiêm minh, vẫn để các mối quan hệ cá nhân, vụ lợi xen vào, thậm chí quyết định thì rất nguy hiểm.

Thực tế thời gian qua dư luận cũng nói nhiều đến việc ta đã làm 5 khâu rất chặt chẽ mà sao vẫn lọt một số cán bộ không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất vào các cơ quan.

Vì thế, cần phải có sự kiểm soát sao cho việc thực hiện 5 bước này thực sự liêm chính, chí công, vô tư, khách quan.

Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm và quy định trách nhiệm người thực hiện quy trình chọn lựa cán bộ không chỉ hiện tại mà cả hậu quả về sau.

Tức là nếu anh chủ trì làm công tác lựa chọn cán bộ sai, không đủ tiêu chuẩn, cán bộ đó vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng thì anh cũng phải chịu trách nhiệm một phần.

* Thường trực Ban Bí thư - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai từng đặt câu hỏi vừa qua dù chống tham nhũng quyết liệt nhưng có phải cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy nên còn xảy ra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp? Phải chăng vẫn còn những kẽ hở để lọt các "con sâu" to như vừa qua?

- Nói như thường trực Ban Bí thư là có cơ sở thực tế. Bởi đâu đó trong cơ chế, chính sách, trong các biện pháp cụ thể hay trong bộ máy của ta vẫn còn có những khe hở, còn có những điều kiện để những "con sâu" có thể thực thi những hành vi vụ lợi, tiêu cực.

Nhưng cũng có một thực tế là những biện pháp quyết liệt mới được thực hiện gần đây, còn trên thực tế, nguyên nhân dẫn tới lòng tham hay những hành vi tham nhũng của một số cán bộ đã có từ trước đây.

Nói cách khác, chúng ta đang giải quyết phần ngọn, những lỗi, những "kết quả" của những chuyện tiêu cực vốn đã bắt đầu từ nhiều năm trước.

Do vậy, quan trọng hơn là việc xử lý các vụ việc vừa qua là tốt rồi nhưng cần phải tạo ra các bài học để làm gương, tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo ra môi trường làm việc trong sáng, chế độ đãi ngộ công bằng xứng đáng, tạo ra kỷ cương công tác nghiêm minh cho cán bộ bây giờ và cán bộ về sau thực sự trở thành những cán bộ cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.

Nhiều chính sách không nhất quán, hành lang pháp lý còn phức tạp

Qua khảo sát của chúng tôi cho thấy nhiều doanh nghiệp phản ánh một trong số những khó khăn chủ yếu là vấn đề thể chế, hành lang pháp lý.

Tại sao họ đóng cửa, không làm được? Vấn đề là hành lang pháp lý còn phức tạp, nhiều chính sách không nhất quán nên doanh nghiệp lo lắng khi làm có đảm bảo an toàn không, có duy trì được đồng vốn và sự phát triển bền vững không.

Do vậy, cần những biện pháp cụ thể, quyết liệt để giải quyết về hành lang pháp lý, hợp lý hóa và đồng bộ hóa các chính sách.

Phải tạo được cơ chế thông thoáng, môi trường thuận lợi; đừng gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ những thủ tục hành chính, những nhũng nhiễu, đòi hỏi "phong bì, phong bao" mỗi khi giải quyết công việc... Khi gỡ được những điều này, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất.

Đại biểu BÙI HOÀI SƠN (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục):

Công nghệ 4.0, công nghệ số là tiền đề quan trọng

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia sáng tạo, sử dụng hiệu quả nguồn lực, phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Vì vậy, công nghiệp 4.0 và công nghệ số sẽ được xem là tiền đề quan trọng, kích thích sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất.

Cùng với đó, việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân sẽ là một ưu tiên hàng đầu. Đảng và Nhà nước đã có những nỗ lực rất lớn trong việc tăng cường đầu tư vào giáo dục, y tế và hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng cao, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển đất nước.

Đại biểu NGUYỄN TUẤN THỊNH (Hà Nội):

Tháo gỡ các điểm nghẽn để thu hút đầu tư

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% như đã được đề ra, cần có sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp ngay từ đầu năm. Trong đó, cần đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng kỹ thuật số... Đặc biệt là khắc phục tình trạng "đầu năm đủng đỉnh" trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết các điểm nghẽn để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư xã hội, vốn FDI vào các lĩnh vực, dự án ưu tiên và tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế, có tiềm năng và còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Tập trung đầu tư chuyên sâu để làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động trong khu vực nông nghiệp và nông dân.

Thủ tướng đưa ra 5 quyết tâm cho phát triển kinh tế năm 2024Thủ tướng đưa ra 5 quyết tâm cho phát triển kinh tế năm 2024

Kết luận hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 5-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn, vì đất nước còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên