Cần tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ thuế cho hộ kinh doanh. Trong ảnh: Tư vấn cho người dân tại Cục thuế TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
Phản hồi loạt bài “Hộ kinh doanh ngán lên doanh nghiệp”, nhiều ý kiến khẳng định sở dĩ các hộ kinh doanh “ngán” vì ngại thủ tục chuyển đổi loại hình kinh doanh phức tạp, Nhà nước nên hỗ trợ và tư vấn nhiều hơn.
Ai cũng hiểu, có làm hay không thôi
Như trong bài “Mệt mỏi vì thanh kiểm tra”, bạn đọc Vu@minh... nêu có vô vàn các ví dụ về làm nghiêm chỉnh vẫn bị bắt bẻ. Như các quy tắc một chiều trong An toàn vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe cho nhân viên tiếp xúc thực phẩm...
Bạn đọc Phong Trang cho rằng cả 2 phía trong cuộc đều hiểu tại sao lại thanh tra và kiểm tra nhiều như thế, muốn thay đổi phải thay đổi cái gì. Vấn đề chính là bao giờ thì mới đổi mới tư duy.
Dưới góc nhìn của ông Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong một nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh doanh càng đảm bảo được tính minh bạch, một doanh nghiệp được thành lập với đầy đủ các luật định đi kèm bao giờ cũng tốt cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, các hộ kinh doanh cá thể có quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh. Ở các nước, đặc biệt là khu vực châu Á, hình thức kinh doanh có tính gia đình có thể xem là đặc trưng khá lớn. Kinh doanh kiểu gia đình, dù dưới hình thức nào, cũng có những lợi ích nhất định.
Nhưng kinh doanh kiểu gia đình cũng có những điểm chưa thuận lợi, thua thiệt. Theo ông Thành, đơn cử như tính minh bạch, tính đại chúng, huy động vốn để phát triển của hộ kinh doanh, kèm theo đó là những vấn đề liên quan đến các biện pháp chế tài, thực thi, bảo vệ lợi ích hợp pháp khi có sự cố… đều không thể thuận lợi so với pháp nhân là doanh nghiệp.
Đừng để hộ kinh doanh bị níu chân
“Ở một góc độ nào đó, tôi hiểu rằng, việc các hộ kinh doanh chưa muốn “lớn lên” thành doanh nghiệp, cũng đều có lý do. Có vấn đề về sở hữu, cạnh tranh, méo mó thị trường từ chi phí giao dịch... Tất cả các vấn đề nói trên, rõ ràng, để doanh nghiệp được mang tính chính thức, buộc họ sẽ phải tăng rất nhiều chi phí”, ông Võ Trí Thành nhận định.
Chính vì vậy, ông Thành cho rằng, để giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng khiến các hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa vượt được ra khỏi mình, chưa mạnh dạn lớn lên, thì “Nhà nước, các cơ quan hữu trách liên quan, cần xây dựng các kế hoạch, hành động hết sức thiết thực để tháo gỡ từng nút thắt mà thực tế đang phô diễn, đang níu chân hộ kinh doanh cá thể vẫn muốn duy trì mô hình này”.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng cần chứng minh lợi ích cụ thể hộ kinh doanh cá thể có được khi chuyển lên doanh nghiệp thì các hộ kinh doanh cá thể mới chịu “chạy”.
Ông Hưng cũng lưu ý, nếu hộ kinh doanh muốn lên doanh nghiệp, cần thiết nhất Nhà nước phải có nguồn kinh phí để hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục pháp lý cho công tác chuyển đổi này dưới hình thức “một cửa, một dấu”, từ khâu thủ tục đăng ký chuyển đổi mô hình hoạt động cho đến đăng ký thuế, ra được tên doanh nghiệp cuối cùng.
Xa hơn, cần có các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ phục vụ cho kỹ năng quản trị công ty, quản trị doanh nghiệp đảm đương ở các vị trí mới như giám đốc, CEO…
Mặt khác, các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tiếp cận vốn, hoạch định chiến lược kinh doanh…phải được mở ra miễn phí để cho các giám đốc mới “cắp cặp đi học”.
“Nhưng quan trọng hơn cả, Nhà nước làm sao hãy tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp thật sự, mà ở đó, các hộ kinh doanh cá thể họ có thể tìm thấy một môi trường háo hức làm ăn, làm giàu, sẵn sàng mở rộng kinh doanh để họ được “lớn lên”, mới là điều cần suy nghĩ cho các giải pháp thiết thực được triển khai sắp tới”, ông Hưng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận