23/07/2024 09:21 GMT+7

Gỡ nút thắt để nâng hạng chứng khoán

Cần phải làm gì để nâng hạng, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm 25 tỉ USD đến năm 2030?

Hàng loạt điểm nghẽn đối với việc nâng hạng chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được gỡ bỏ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hàng loạt điểm nghẽn đối với việc nâng hạng chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được gỡ bỏ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán không cần ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch như quy định hiện hành. Nếu xuất hiện rủi ro không thanh toán, nghĩa vụ sẽ được chuyển cho công ty chứng khoán.

Đây là một trong nhiều nội dung được đưa ra tại dự thảo thông tư sửa đổi 4 thông tư về thị trường chứng khoán vừa được Ủy ban Chứng khoán nhà nước đăng tải hoàn thiện.

Gỡ nút thắt ký quỹ, công bố thông tin

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - trưởng phòng phân tích chiến lược Chứng khoán KIS Việt Nam - cho biết ngoài việc tháo điểm nghẽn trong quy định ký quỹ đối với nhà đầu tư (NĐT) tổ chức nước ngoài, dự thảo cũng quy định rõ công ty chứng khoán - nơi NĐT nước ngoài đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh - phải có nghĩa vụ thanh toán thay.

Công ty chứng khoán được phép bán thỏa thuận hoặc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống với số cổ phiếu đã về tài khoản trong trường hợp NĐT nước ngoài không thanh toán. "Công ty chứng khoán sẽ phải tự nhận diện rủi ro để quyết định có nên cho NĐT giao dịch không cần ký quỹ đủ tiền hay không. Nếu thấy rủi ro, có thể từ chối hoặc đáp ứng với mức phí cao hơn và ngược lại", ông Hiếu nói.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng cần đánh giá về tính thanh khoản cổ phiếu các NĐT nước ngoài đặt mua bởi nếu khách hàng không thanh toán, số cổ phiếu sẽ chuyển về tài khoản tự doanh công ty chứng khoán. Cũng theo dự thảo mới, thay vì phải chuyển tiền ngay trong ngày T+1, thời gian lùi sang 9h30 ngày T+2.

Theo nhiều chuyên gia, việc sửa đổi theo hướng kéo dài hơn thời gian thanh toán thể hiện sự cởi mở, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam. 

Ngoài ra, dự thảo lần này yêu cầu tổ chức niêm yết, công ty đại chúng và các cơ quan liên quan đều phải công bố thông tin bằng tiếng Anh. Các thông tin này phải thống nhất với nội dung công bố bằng tiếng Việt.

PGS.TS Trần Việt Dũng - viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng - cho biết theo quy định hiện hành, ngôn ngữ công bố thông tin chính thức là tiếng Việt, việc công bố bằng tiếng Anh chỉ bắt buộc đối với Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Các đối tượng khác được khuyến khích và chỉ dành cho mục đích tham khảo.

"Nghiên cứu thị trường của World Bank cho thấy chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và đa phần các công ty này có vốn hóa lớn", ông Dũng nói và cho rằng việc chuyển từ khuyến khích sang yêu cầu bắt buộc sẽ thúc đẩy quá trình này tốt hơn ở các doanh nghiệp nhỏ.

Công ty chứng khoán cần thêm vốn

Ông Nguyễn Khắc Hải - giám đốc khối phụ trách luật và kiểm soát tuân thủ Chứng khoán SSI - cho biết vướng mắc lớn nhất để FTSE Russell ra quyết định nâng hạng liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, việc chuyển giao đối ứng thanh toán và xử lý khi gặp các giao dịch thất bại.

Giải pháp cho các yêu cầu này là áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Tuy nhiên, để triển khai CCP sẽ mất thêm nhiều thời gian, bao gồm cả điều chỉnh quy định hoạt động của ngân hàng lưu ký. Việc các công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ thanh toán đối với các NĐT nước ngoài được xem như giải pháp.

Tuy nhiên, các công ty chứng khoán sẽ chịu rủi ro rất lớn nên cần bổ sung nguồn lực về vốn khi trách nhiệm thanh toán giao dịch thuộc NĐT về công ty chứng khoán. "Hệ thống quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán phải được nâng cấp để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động", ông Hải nói.

Theo ông Bùi Văn Huy - giám đốc Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM, khi áp dụng cơ chế mới, không phải giao dịch nào cũng thất bại. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư "bùng" thanh toán vẫn là khả năng cần tính đến và quy trình như thế nào để hạn chế rủi ro cho hệ thống thanh toán cần được chặt chẽ.

Ngay cả tỉ lệ rủi ro thấp, nhưng chỉ cần 1-2 vụ lớn cũng gây ra những "đổ vỡ" và ảnh hưởng chung thị trường. "Không phải công ty chứng khoán nào cũng đáp ứng được. Do đó, các công ty phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán", ông Huy nói.

Ông Bùi Hoàng Hải, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. Do vậy, Ủy ban Chứng khoán nhà nước kỳ vọng những quy định mới sẽ tác động tích cực đến việc xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

"Vẫn còn một số ý kiến nhưng về cơ bản nội dung chính đều có sự đồng thuận của các NĐT quốc tế. Trong kỳ "review" nâng hạng tháng 9 tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực", ông Hải nói.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức quốc tế là MSCI và FTSE Russell (tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán) xếp vào thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi với 7/9 tiêu chí đã đạt.

Trong khi đó, MSCI đánh giá Việt Nam có sự cải thiện. Tính toán của World Bank cho thấy việc nâng hạng có thể mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam tới 2030.

Chứng khoán ‘rơi tự do’ trong ngày đầu tuầnChứng khoán ‘rơi tự do’ trong ngày đầu tuần

Thị trường chứng khoán có phiên giao dịch đầy biến động ngay trong sáng đầu tuần mới: VN-Index rơi gần 16 điểm, hàng trăm cổ phiếu chìm trong sắc đỏ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên