Đây là một trong những điểm mới tại dự thảo thông tư sửa đổi một số thông tư liên quan đến thị trường chứng khoán, vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, nhằm tháo gỡ một số nút thắt quan trọng, đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của tổ chức xếp hạng. Trong đó có hai nhóm vấn đề chính là ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin bình đẳng, kịp thời của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không buộc phải ký quỹ 100%
Cụ thể, theo đề xuất sửa đổi thông tư 120, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch không ký quỹ 100% tiền. Thay vào đó, công ty chứng khoán đánh giá năng lực khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận... Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền thanh toán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Quốc Huỳnh - phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam - cho rằng nếu áp dụng chính sách này sẽ gỡ nút thắt lớn nhất trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi thay vì buộc các nhà đầu tư nước ngoài chuyển 100% tiền vào Việt Nam trước khi đặt lệnh mua chứng khoán như hiện nay, công ty chứng khoán có thể thỏa thuận, thống nhất với khách hàng mức ký quỹ phù hợp dựa trên cân đối rủi ro.
"Đây là giải pháp phù hợp thông lệ quốc tế, xử lý các nút thắt một cách quyết liệt. Nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền vào Việt Nam nhưng không mua được, vẫn mất phí và chịu chênh lệch tỉ giá", ông Huỳnh nói.
Tuy nhiên, vấn đề còn lại nằm ở quy trình mỗi công ty chứng khoán ra sao. "Các bên sẽ phải xây dựng quy trình tự chủ, quản trị rủi ro, thống nhất chạm ngưỡng nào thì có thể xử lý tài sản", theo ông Huỳnh.
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, trưởng phòng phân tích chiến lược Chứng khoán KIS Việt Nam, cũng cho biết còn rất ít thị trường chứng khoán sử dụng cơ chế ký quỹ trước giao dịch, trong đó có Việt Nam. Yêu cầu này bị phản ánh gây khó khăn vì chậm tốc độ quay vòng vốn, giảm chi phí cơ hội của nhà đầu tư. Trong khi đó, mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) sẽ là giải pháp cho cơ chế ký quỹ trước giao dịch.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, CCP đang được xây dựng gắn với KRX, trong khi hệ thống này vẫn chưa đi vào hoạt động. Cần sớm đưa vào hoạt động hệ thống này. "Cần đi từ vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là cơ chế quản trị rủi ro khi nhà đầu tư nước ngoài không cần ký quỹ. Nếu họ không thanh toán đủ thì sao? Cần có những quy định, chế tài đủ răn đe", ông Hiếu nói.
Nhằm đảm bảo tính khả thi và an toàn, tại dự thảo lần này cơ quan quản lý mới chỉ đề xuất đối tượng áp dụng với nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài. Việc chỉ áp dụng đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mà không áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước vẫn đảm bảo yếu tố công bằng, do chỉ có nhà đầu tư trong nước được sử dụng dịch vụ vay tiền mua chứng khoán (margin).
Doanh nghiệp phải công bố thông tin song ngữ Việt - Anh
Cũng tại dự thảo, Bộ Tài chính đặt mục tiêu từ 1-1-2025, các doanh nghiệp niêm yết cơ bản phải công bố thông tin song ngữ Việt - Anh. Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện rất tốt việc công bố song ngữ nhưng cũng có không ít công ty niêm yết không làm chẳng qua vì... chưa có quy định bắt buộc. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp "ngại" bị ràng buộc trách nhiệm khi phải đảm bảo tính chính xác của bản chuyển ngữ.
Khi có quy định bắt buộc, thay vì chỉ khuyến khích công bố bằng tiếng Anh, các doanh nghiệp sẽ dần thích ứng. "Việc các nhà đầu tư được tiếp cận thông tin công bằng như nhau rất quan trọng. Việc doanh nghiệp chỉ công bố bản tiếng Việt gây trở ngại tiếp cận cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài", ông Hiếu nói và cho rằng đi kèm với quy định rõ ràng, cần có các chế tài minh bạch để đảm bảo việc tuân thủ trong công bố thông tin.
PGS.TS Trần Việt Dũng - viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng - dẫn nghiên cứu thị trường của World Bank cho biết chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh. Đa số các công ty này là công ty vốn hóa lớn.
Trong khi đó, việc yêu cầu các công ty niêm yết báo cáo tài chính bằng tiếng Anh, theo ông Dũng, đã được đề cập tới từ năm 2015 khi Bộ Tài chính lấy ý kiến cho dự thảo quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. "Tuy nhiên thời điểm đó nhiều ý kiến e ngại việc bắt buộc công bố bằng tiếng Anh sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Do vậy đến nay việc công bố thông tin bằng tiếng Anh vẫn chỉ mang tính khuyến khích. Sau chín năm, theo ông Dũng, đã đến lúc việc công bố bằng tiếng Anh cần được phân lộ trình thích hợp theo từng nhóm đối tượng. Chẳng hạn, trong ngắn hạn (6 tháng đến 1 năm), yêu cầu các công ty thuộc VN30, các công ty có vốn hóa thị trường lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh với chất lượng và mức độ chi tiết cao.
Trên 12 tháng, các công ty niêm yết có vốn hóa nhỏ hơn phải công bố thông tin bằng tiếng Anh nhưng với yêu cầu đơn giản hơn nhằm tiết kiệm chi phí, sau đó dần tiến tới sự đồng nhất về quy định giữa các công ty. Ngoài ra, cần ban hành mẫu biểu thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, công khai trên cổng thông tin của sở giao dịch chứng khoán nhằm giúp chuẩn hóa thông tin niêm yết, giảm thiểu chi phí dịch thuật cho doanh nghiệp.
* Lộ trình công bố thông tin song ngữ Việt - Anh
Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh sẽ áp dụng trước cho các công ty đại chúng quy mô lớn đối với các thông tin công bố định kỳ. Các công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu dưới 120 tỉ đồng và việc công bố thông tin bất thường, theo yêu cầu sẽ thực hiện sau theo lộ trình.
Cụ thể, dự kiến công ty niêm yết quy mô lớn công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh kể từ ngày 1-1-2025 và thông tin bất thường, theo yêu cầu bằng tiếng Anh kể từ ngày 1-1-2026. Công ty đại chúng còn lại sẽ công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh kể từ ngày 1-1-2027 và thông tin bất thường theo yêu cầu bằng tiếng Anh kể từ ngày 1-1-2028.
Ngoài ra, các sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cũng phải công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
* Chứng khoán Việt Nam nằm trong danh sách chờ phân hạng
Tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế FTSE Russell mới đây đã công bố báo cáo phân hạng thị trường cổ phiếu kỳ tháng 3-2024. Theo đó, Việt Nam tiếp tục trong danh sách chờ xét phân hạng với khả năng tái phân hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi thứ cấp và sẽ được cập nhật trong kỳ tháng 9 tới đây.
Đáng chú ý, tổ chức này đã đánh giá cao quyết tâm nâng hạng lên thị trường mới nổi của Việt Nam qua những động thái cụ thể từ Chính phủ và cơ quan quản lý trong thời gian qua. Bao gồm việc lấy ý kiến sửa đổi quy định ký quỹ trước giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.
Cần thiết nhưng phải có giải pháp ngăn chặn trục lợi
Theo số liệu của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tính đến cuối tháng 3-2024 số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài là 45.895 tài khoản, trong đó tổ chức chiếm 4.552. Dù số lượng tài khoản chỉ chiếm 10% nhưng thống kê trên HoSE trong giai đoạn từ năm 2020 đến cuối 2023, giá trị giao dịch mua/bán của nhà đầu tư tổ chức luôn đạt trên 94% tổng giá trị giao dịch của toàn bộ khối ngoại. Như vậy, việc áp dụng với nhà đầu tư tổ chức sẽ giải quyết được việc tháo gỡ nút thắt cho đối tượng chính.
Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC - cho rằng việc cởi bỏ nút thắt pre-funding là cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn nâng hạng thị trường. Tuy nhiên cũng cần tính đến rủi ro lớn nhất là không đủ tiền thanh toán. Dự thảo đề xuất công ty chứng khoán quyền tự quyết mức ký quỹ. Để hạn chế rủi ro, ông Huy cho rằng cần có khung pháp lý hoàn thiện, trong đó quy định về danh mục ký quỹ như thế nào, cổ phiếu nào được phép, đến ngưỡng nào sẽ xử lý tài sản...
"Giải pháp này cần thiết nhưng thiết kế chính sách và cách thức triển khai như thế nào rất quan trọng để hạn chế rủi ro, tránh khoảng hở để bị trục lợi", ông Huy góp ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận