Tuổi Trẻ có trao đổi với bà Vũ Thị Hương Giang, giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, về những vấn đề liên quan.
* Thưa bà, lượng khách đến Thảo cầm viên bình quân bao nhiêu? Và nếu tính đủ mức tiền thuê đất hơn 163 tỉ đồng/năm thì giá vé ra vào cổng có phải điều chỉnh nhiều không?
- Thật ra, khách đến Thảo cầm viên có nhưng chỉ rất đông như lễ, Tết, hè. Và cũng có những ngày rất vắng như sau hè, ngày mưa, ngày giữa tuần. Lễ 2-9 là ngày chúng tôi đón đông khách nhất trong năm 2024 là 25.000. Còn bình thường có những ngày chỉ có vài trăm người.
Chúng tôi có thử tính nếu trả đủ hơn 163 tỉ đồng tiền thuê đất mỗi năm, với lượng khách như hiện nay, tiền vé có thể phải nâng lên là 250.000 đồng cho người lớn và 200.000 đồng đối với trẻ em. Điều đó là chắc chắn sẽ rất khó bởi vì tăng giá vé sẽ vắng khách hơn.
* Với giá vé hiện tại, đơn vị sử dụng mấy phần để duy trì các hoạt động và mấy phần nộp về ngân sách?
- Giá vé hiện nay là 60.000 đồng đối với người lớn và 40.000 đồng với trẻ em trên 1,3m.
Thành phố cũng xác định Thảo cầm viên không phải là đơn vị hoạt động thu lợi nhuận.
Trước đây, ngân sách thành phố chi cho hoạt động của đơn vị. Từ 2015 đến nay, Thảo cầm viên đã tự chủ được tài chính dù còn gặp nhiều khó khăn.
Lợi nhuận đơn vị chủ yếu để trích quỹ phúc lợi cho người lao động, chăm sóc động thực vật và một khoảng nhỏ dành cho việc duy tu, sửa chữa đầu tư.
* Theo thông tin Thảo cầm viên chia sẻ, diện tích đất thành phố giao cho đơn vị khoảng 158.117m2 sử dụng vào mục đích công cộng, và có khoảng 5.600m2 đơn vị dùng để kinh doanh. Vậy kinh doanh ở đây là các hạng mục gì?
- Thảo cầm viên có dành ra một số vị trí để tổ chức hoạt động kinh doanh như căng tin, khu trò chơi cho thiếu nhi... Những địa điểm này đáp ứng các tiện ích cơ bản nhất của một khu vui chơi giải trí.
Khi khách tham quan vui chơi họ cũng cần nơi để dừng chân, ăn trưa và khu trò chơi cho trẻ em vui chơi.
Sử dụng đất của Nhà nước sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đóng tiền thuê đất. Nhưng nếu đóng tiền thuê đất cho cả diện tích tổng thể thì Thảo cầm viên không thể đóng nổi.
Đơn vị đã tự đo và xác định diện tích đất sử dụng làm kinh doanh để đóng tiền thuê đất theo đơn giá mà Chi cục Thuế quận 1 đang áp dụng cho toàn diện tích này.
Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị thành phố thêm về phần đất sử dụng bảo tồn, chăm sóc động thực vật để có điều chỉnh phù hợp.
Giai đoạn từ năm 2014 - 2020, do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chưa có đơn giá thuê đất nên đơn vị còn nợ tiền đất đó. Chứ không phải chúng tôi cố tình không nộp hay cơ quan thuế không thu để đến bây giờ mới thu.
* Vậy số tiền nợ khoảng 846 tỉ đồng là các khoản gì?
- Phần nợ thuê đất của giai đoạn từ năm 2014 - 2020 tính ra là 339,3 tỉ đồng.
Còn từ năm 2021 đến nay tính theo đơn giá Chi cục Thuế quận 1 là khoảng hơn 163 tỉ mỗi năm cho cả tổng thể diện tích. Riêng phần diện tích đất kinh doanh thì chúng tôi đã đóng đủ cho giai đoạn từ năm 2021 đến nay.
Nợ tiền thuê đất hiện nay của Thảo cầm viên là khoảng 846 tỉ đồng bao gồm tiền thuê đất còn lại cộng với tiền lãi chậm nộp.
* Bà có nói tới việc đơn vị có thể ngừng hoạt động, việc này là do nợ thuê đất bị cưỡng chế phải dừng hay là hệ lụy kéo theo từ việc nợ thuê đất?
- Dừng hoạt động ở đây là hệ lụy kéo theo. Về bản chất, Thảo cầm viên không dừng hoạt động vì nợ tiền thuê đất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay cơ quan thuế đang đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số, tự động hóa, đặc biệt nhấn mạnh thu nợ thuế.
Khi đó sẽ có các biện pháp thu nợ thuế bằng cưỡng chế theo quy định như cưỡng chế hóa đơn, tạm khóa tài khoản ngân hàng... Ví dụ tài khoản ngân hàng bị khóa sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán tiền thức ăn cho động vật, thanh toán chi phí để di tu bảo dưỡng cảnh quan, tiền thú y, tiền công nhân.
* Vậy đơn vị có phương án gì nếu thật sự phải đóng đủ số tiền thuê đất đang nợ?
- Đối với tiền nợ thuế đất đó, mấy năm nay Thảo cầm viên vẫn liên tục kiến nghị để thành phố xem xét. Số tiền này quá lớn so với lợi nhuận của đơn vị. Ngoài ra còn cộng thêm tiền lãi chậm nộp phát sinh càng ngày càng lớn hơn.
Hai ngày qua, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và người dân giúp chúng tôi thấy ấm lòng. Thảo cầm viên không chỉ là công viên bình thường mà là ký ức, tình cảm gắn bó, biểu tượng văn hóa của người dân thành phố.
Thời gian qua khi Thảo cầm viên kiến nghị thì lãnh đạo vẫn quan tâm, chỉ đạo các sở ngành phối hợp với nhau giải quyết. Và tôi tin là sẽ có hướng ra hợp lý cho câu chuyện này.
Thảo cầm viên xứng đáng được đầu tư nhiều hơn
Tôi lớn lên ở Bến Tre, nơi cách TP.HCM hơn 100km nhưng tôi vẫn nhớ rất nhiều về lần cùng thầy cô, bạn bè đi tham quan Thảo cầm viên năm 1984. Ký ức về những cây cổ thụ trăm tuổi, những chim thú quý hiếm ở nơi này không dễ phai nhòa.
Cùng với Bến Nhà Rồng, hội trường Thống Nhất, Thảo cầm viên luôn là nơi bà con quê tôi và bạn bè cùng trang lứa chúng tôi luôn mong được ghé đến khi nói về TP.HCM. Ai đã đến Thảo cầm viên một lần sẽ nhớ mãi.
Con tôi được sinh ra ở TP.HCM, được đến Thảo cầm viên khi 3-4 tuổi và ghé lại nhiều lần. Mỗi lần đến đây về, con lại "thu hoạch" được những kiến thức và cảm xúc mới. Ngày nhỏ con thích thú với chim muông, hà mã, cọp, voi, sư tử, hươu cao cổ.
Từ bao nhiêu thắc mắc về động vật rừng, con có thêm sự hiểu biết và tình yêu thiên nhiên. Khi học tiểu học, trung học, con được đi cùng thầy cô đến Thảo cầm viên và học thêm về những cái tên đặc tính sinh trưởng của rất nhiều cây cổ thụ ở đây.
Vào đại học, con tôi lại vào đây chụp ảnh ngày thường của chim thú. Có khi con vào để học với những bài vẽ chim, thú, cây xanh và vẽ cảnh sinh hoạt của khách tham quan. Thảo cầm viên đi vào biết bao bài văn tuổi học trò mấy thế hệ, không chỉ riêng với người dân ở TP.HCM. Một điểm đến trong ước mơ và thành kỷ niệm, kiến thức, tình cảm của hàng triệu người.
Bạn tôi là giáo viên, nhiều lần đưa học trò đến Thảo cầm viên và đọc những bài văn, bài thu hoạch các em viết, lần nào cũng thấy đầy ắp cảm xúc và ước mơ. Cây lá nơi này như thuốc bổ tinh thần của du khách ghé đến, đặc biệt ấn tượng với tuổi học trò.
Thảo cầm viên, cái tên cũng thể hiện nơi này là công viên với cây lá hoa và chim thú. Đến đây để ngắm, để học, để cảm nhận chứ không phải vì các dịch vụ giải trí vui chơi. Điều này rất khác với những nơi đến để vui chơi như Đầm Sen, Suối Tiên (TP.HCM).
Nay hay tin Thảo cầm viên trước nguy cơ bị cưỡng chế vì nợ thuế, bạn bè tôi cùng có cảm xúc khó tả. Trong suy nghĩ của chúng tôi, đây là không gian công cộng, là một "di sản" trong lòng những ai đã ghé đến.
Ai đã từng cho voi, hươu ăn hay ngắm các chú công nhân ở đây chăm sóc chim thú hẳn sẽ hiểu để duy trì hoạt động sinh trưởng của động vật quý hiếm ở đây phải thật chuyên nghiệp và cũng nhọc công. Ai đã từng vui với những thông tin cọp, khỉ ở đây sinh con (sau nhiều năm không sinh được) sẽ rất buồn khi biết tin nơi này nợ thuế hàng trăm tỉ vì... không đủ tiền đóng thuế.
Giải pháp sẽ là gì? Tôi nghe nói về giải pháp tăng giá vé vào cổng. Nhưng tăng quá thì phụ huynh muốn đưa con vào đây cũng ngại ngần cho túi tiền của mình. Tôi hiểu giá vé hiện nay không cao nếu so với vé tham quan nhiều nơi danh lam thắng cảnh, di tích cả nước (như ở Hà Nội chẳng hạn).
Nhưng tăng bao nhiêu cho hợp lý? Nếu tăng quá cao Thảo cầm viên có giữ được lượng khách như hiện tại? Như vậy, khó càng thêm khó!
Tôi mong cơ quan chức năng có giải pháp gỡ khó cho hoạt động của Thảo cầm viên. Nơi này cây xanh như lá phổi đô thị, chim thú quý hiếm cần được bảo vệ, thậm chí là nơi nghiên cứu khoa học.
Thế nên cần có cách để hoạt động nơi này "dễ thở" nhất, phát triển nhất. Nếu được, Thảo cầm viên cần được đầu tư nhiều hơn thay vì chật vật lo tiền đóng thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận