10/04/2025 07:58 GMT+7

Gỡ điểm nghẽn tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ

Thúc đẩy các giải pháp mang tính đổi mới, đột phá về vốn và nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là những tiền đề quan trọng cho phát triển khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần các giải pháp mới về vốn và nguồn vốn nhằm giảm phụ thuộc vào tín dụng. Trong ảnh: công nhân làm việc tại nhà máy ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch FiinGroup, nhấn mạnh để thúc đẩy khối doanh nghiệp (DN) tư nhân và nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) phát triển cần các giải pháp mới về vốn và nguồn vốn cho DNVVN nhằm giảm phụ thuộc vào tín dụng. 

Ông Thuân nói: Việc cải cách thị trường vốn càng bức thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tới đây.

* Dù phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng, song các DNVVN lại thường xuyên kêu khó trong việc tiếp cận vốn. Theo ông, cần làm gì để tháo gỡ điểm nghẽn này?

- Đây là một vấn đề đã tồn tại nhiều năm tại Việt Nam. Dù nhiều ngân hàng đã chủ động có những chương trình tiếp cận và hỗ trợ DNVVN nhưng thực tế tín dụng cho khối DN này vẫn còn rất khiêm tốn và về cơ bản khó đáp ứng điều kiện tham gia tiếp cận từ các nguồn khác.

Trong khi đó, DN lớn thường có chất lượng quản trị tốt hơn cùng phương án tài sản đảm bảo dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn. Nhóm này cũng mới đủ điều kiện tham gia hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hoặc huy động vốn cổ phần từ các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân hoặc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tài chính quốc tế...

Kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt nhìn từ Trung Quốc, tín dụng cho DNVVN và siêu nhỏ chỉ có thể thay đổi cơ bản nếu như gắn với cơ sở dữ liệu giao dịch thương mại của DN.

* Thực tế chúng ta cũng đã xây dựng nhiều quỹ hỗ trợ vốn cho DN, quỹ tín dụng... nhưng vẫn "tắc" và chỉ nằm trên giấy. Vấn đề là ở đâu, thưa ông?

- Các quỹ hỗ trợ vốn cho DNVVN là cần thiết nhưng mô hình hoạt động chủ yếu là bởi các tổ chức có vốn và vận hành bởi Nhà nước.

Như đề cập ở trên, điều quan trọng là cần nghiên cứu triển khai cơ sở khung pháp lý và thúc đẩy các hình thức hoạt động dịch vụ của khu vực tư nhân, ngoài tổ chức tín dụng hoặc có sự tham gia liên kết với tổ chức tín dụng.

Cơ chế về bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn mà từ phía Nhà nước, hoạt động về cơ bản là kém hiệu quả, cầm chừng, bởi vì ai cũng sợ mất vốn, sợ rủi ro, quy trách nhiệm, rất khó để giải ngân.

* Cần thúc đẩy vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất kinh doanh, nhưng cũng cần giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng, đòi hỏi chúng ta phải đa dạng hóa nguồn vốn?

- Dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam vào khoảng 136% tính đến cuối năm 2024. Đây là mức rất cao so với các nước trong khu vực, đồng thời thể hiện sự lệ thuộc quá lớn. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, việc tiếp tục lệ thuộc vào kênh vốn tín dụng ngân hàng có thể tạo ra những thách thức và rủi ro cho hệ thống tài chính.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục cải cách thị trường vốn. Trước hết là cần phát triển thị trường TPDN để các DN quy mô lớn có thể đa dạng hóa nguồn vốn và có điều kiện kéo dài kỳ hạn nợ do các ngân hàng thương mại khó có điều kiện đáp ứng. Ngoài ra, cần mở rộng các kênh tiếp cận tài chính, hình thức hỗ trợ tài chính cho các DNVVN với những giải pháp đổi mới mang tính đột phá như chỉ ra ở trên.

* Như ông nói, cần phát triển TPDN để giảm phụ thuộc vốn tín dụng, nhưng thực tế cho thấy vẫn có sự e ngại?

- Có rất nhiều lý do khiến thị trường này chưa phát huy được vai trò như kỳ vọng. Các tổ chức tín dụng vẫn phát hành được vì có niềm tin từ công chúng, trong khi khối DN còn khó khăn.

Thực tế là trong gần 3 tháng đầu năm 2025 không có lô nào phát hành từ các DN phi tài chính. Điều này cho thấy không chỉ vấn đề từ phía cầu từ nhà đầu tư mà nhiều DN vẫn còn e ngại tận dụng kênh TPDN cho hoạt động huy động vốn trung và dài hạn.

* Với thị trường cổ phiếu, vài năm gần đây vắng bóng DN lên sàn và hàng hóa thị trường nghèo nàn. Theo ông, có giải pháp nào tháo gỡ?

- Giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa đã được ủy ban chứng khoán thúc đẩy gần đây và tôi kỳ vọng thị trường sẽ có thêm hàng hóa từ IPO và cả sự cải thiện minh bạch thông tin và nới room sở hữu nước ngoài.

Như chia sẻ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, việc chuẩn hóa và đơn giản thủ tục IPO và niêm yết cùng một lúc sẽ góp phần hỗ trợ các DN lên sàn nhanh hơn.

Với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân như hiện nay, thị trường cũng đang kỳ vọng những IPO của DN nhà nước như Mobifone, Agirbank... lên sàn sẽ tạo ra những hàng hóa mới có chất lượng.

Qua quá trình làm việc với nhiều DN tư nhân, việc thị trường chứng khoán lình xình mấy năm qua cũng là một trong các nguyên nhân khiến các DN lùi kế hoạch IPO. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng năm 2026 sẽ chứng kiến nhiều DN tư nhân có quy mô lớn IPO và niêm yết cùng với khả năng nâng hạng lên Mới nổi của thị trường chứng khoán Việt Nam.

* Có nhiều lo ngại đặt ra trong việc cấp tín dụng không lành mạnh cho các "sân sau" của ngân hàng. Thủ tướng cũng đã yêu cầu đẩy mạnh thanh tra các ngân hàng có sân sau, thưa ông?

- Thị trường nào cũng vậy, các ngân hàng hay định chế tài chính có các DN liên quan là việc rất bình thường, nhất là các mô hình tập đoàn tài chính. Vấn đề ở đây là minh bạch thông tin nên được cải thiện để thị trường có thể tự đánh giá hoặc xác định được mối quan hệ đó.

Điểm tích cực là Luật Tổ chức tín dụng vừa qua cũng đã đưa ra những quy định mới về việc công bố thông tin cũng như đưa ra hạn mức tín dụng cho các DN liên quan. Vấn đề theo tôi là việc triển khai và giám sát làm sao cho hiệu quả.

* Thực tế là đang hoạt động sản xuất, dịch vụ nhưng nhiều chủ DN vẫn đầu tư bất động sản?

- Ngành bất động sản mặc dù biến động và có độ rủi ro cao hơn nhưng mặt khác vẫn đem lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong đó có chủ doanh nghiệp, trong khi các ngành khác hầu hết có tỉ lệ lợi nhuận thấp hơn. Đó là tâm lý chung của nhiều chủ DN và có lẽ cũng là một trong các chiến lược "đa dạng hóa" trong việc phân bổ tài sản của họ.

Cần kết nối, chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp giữa hệ thống ngân hàng, thuế...

Gỡ điểm nghẽn tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ - Ảnh 2.

Cần nắn dòng vốn vào những lĩnh vực ít rủi ro như bất động sản - Ảnh: Q.Đ

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Việt Nam nên cân nhắc triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan đảm bảo thống nhất dữ liệu về báo cáo tài chính nhằm có cơ sở đánh giá sức khỏe tài chính, mức độ khả tín và tín nhiệm của DN.

Việt Nam đang có khoảng 120.000 DN tham gia xuất nhập khẩu trong hơn 800.000 DN đang hoạt động.

Việc hình thành các nền tảng hỗ trợ và chia sẻ dữ liệu với sự chấp thuận của DN và khuyến khích các DN tham gia chấm điểm tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch xuất nhập khẩu là giải pháp tốt để làm cơ sở phát triển các dịch vụ liên quan vốn, được các ngân hàng thương mại triển khai nhưng quy mô còn khiêm tốn như bao thanh toán, chiết khấu hóa đơn...

Ngoài ra cần cho phép thành lập mô hình bảo lãnh tín dụng DN tư nhân (Private Corporate Credit Guarantee) và mô hình quỹ bảo lãnh chung. Đến nay mới có khung pháp lý cho quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN do Nhà nước góp vốn và vận hành nhưng kết quả thực tế còn rất khiêm tốn.

Việc mở rộng cho phép các quỹ hoặc công ty bảo lãnh tín dụng tư nhân, ngoài tổ chức tín dụng, ra đời sẽ là cơ sở để góp phần tháo gỡ điểm nghẽn này.

Cuối cùng, cho phép triển khai mô hình cho vay bảo lãnh theo chuỗi cung ứng thông qua việc tạo cơ chế tài chính, thuế cho các bên tham gia đồng thời với việc chấm điểm tín dụng của DN thông qua việc sử dụng các nguồn dữ liệu thay thế.

Hạn chế tỉ lệ tín dụng phân bổ vào các lĩnh vực rủi ro

Dù kỳ vọng vốn tín dụng ngân hàng sẽ "bơm" 2,5 triệu tỉ đồng vào nền kinh tế trong năm 2025 nhưng theo ông Thuân, không phải toàn bộ số dư tăng trưởng này là nguồn tín dụng mới vào nền kinh tế. Bởi các ngân hàng sẽ phải tái cơ cấu nợ, một phần chi phí lãi vay được nhập gốc.

Điều quan trọng là việc số tiền đó được "nhân lên" ra sao qua việc phân bổ tín dụng vào nhóm ngành nào. Nếu tiếp tục duy trì tỉ lệ phân bổ cao và tăng trưởng tín dụng cao cho các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, đây sẽ là một yếu tố rủi ro mới nếu như triển vọng ngành bất động sản vẫn chưa thực sự hồi phục tương ứng.

Vì vậy rủi ro không chỉ nằm ở con số dư nợ tín dụng trên GDP quá cao, mà vấn đề còn ở hiệu quả phân bổ tín dụng. Dòng vốn phải được phân bổ vào sản xuất kinh doanh, chứ không chỉ vào bất động sản hay các kênh tài sản tài chính khác.

Gỡ điểm nghẽn tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ - Ảnh 3.Doanh nghiệp nhỏ không hề nhỏ, nếu…

Một buổi chiều muộn, trong căn phòng họp nhỏ của một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ ở TP.HCM, giám đốc công ty loay hoay với kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên