18/11/2024 10:42 GMT+7

Gỡ điểm nghẽn của ngành tôm

Ngành tôm Việt năm nay có thể đạt mốc xuất khẩu tới 4 tỉ USD. Tôm Việt cũng có cơ hội tăng xuất khẩu vào Mỹ.

Gỡ 'điểm nghẽn' của ngành tôm - Ảnh 1.

Tại một nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng - Ảnh: H.PHÚC

Tuy nhiên ngành tôm Việt còn nhiều "điểm nghẽn" cần gỡ.

Chờ quyết định ngày 5-12

Toàn ngành đang phấn khởi khi kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng qua liên tục tăng trưởng, đang chuẩn bị cho những đơn hàng mới. Năm nay ngành tôm Việt có thể đạt khoảng 4 tỉ USD. Tính đến cuối tháng 10-2024 đã đạt hơn 3,2 tỉ USD.

Cơ hội cho ngành tôm Việt vươn tầm là không nhỏ, không chỉ ở Mỹ. Đó là lợi thế từ nhiều FTA Chính phủ đã ký kết, kết hợp với đẳng cấp, trình độ chế biến sâu. Tôm Việt đã thâm nhập các hệ thống phân phối tiêu thụ cao cấp, lớn ở các thị trường trọng điểm thế giới.

Một tin vui khác là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) cho tôm nhập khẩu từ các nước. Mức thuế suất con tôm của chúng ta vào thị trường này là 2,84% - thấp hơn con số 5,77% của Ấn Độ hay 3,78% từ Ecuador.

Nói về tác động chung cả ngành tôm mang tính thời sự lúc này sẽ là chính sách của tân tổng thống Mỹ về thuế nhập khẩu, nhất là các nước có xuất siêu vào đây.

Cần lưu ý, chính sách này trước mắt có thể ảnh hưởng tới quyết định ngày 5-12-2024 của Ủy ban Quốc tế thương mại Mỹ (ITC) về thuế CVD với tôm Việt. Tôm Việt sẽ còn thuận lợi bán vào thị trường này với mức thuế hiện nay là 2,84%.

Quyết định ngày 5-12 tới của ITC sẽ được thực hiện từ giữa tháng 12 và quan trọng với ngành tôm Việt. Tuy nhiên bản thân ngành tôm Việt Nam cũng có những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ.

Thách thức tôm chết, thiếu nguyên liệu

Thách thức lớn với ngành tôm là con giống nhiễm khuẩn và nguồn nước nuôi ngày càng bất lợi nên tôm chết nhiều. Không ai nhận là lỗi của mình. Ông bán giống nói giống tôi tốt. Người nuôi thì nói tốt gì, mới thả xuống cỡ tháng, bệnh chết hết trơn. Rồi cãi qua cãi lại.

Thực ra vấn đề vẫn tách ra được. Ví dụ, người ta ước tính nếu do ao nuôi, xử lý nước không tốt thì cỡ tháng rưỡi trở lên sau khi thả con giống mới bị thiệt hại, còn trước một tháng mà bị là con giống đã nhiễm bệnh trước rồi. Hiện giờ một số diện tích nuôi tôm bị thiệt hại sau khi thả khoảng một tháng.

Nhưng giờ không ai tự nhận cái sai của mình. Các bên bàn qua bàn lại không có số chính xác, chỉ nói là giờ riêng con giống nhiễm bệnh khá phổ biến, ít ra 30 - 40%, nghĩa là tầm 100 ao thì có 30 - 40 ao bị chuyện con giống.

Hồi giai đoạn 2010 - 2015, người nuôi có mua bảo hiểm mà sau đó trúng đợt tôm bị hoại tử gan tụy cấp tính, chết hoài rồi bảo hiểm không bán nữa.

Cái nọ kéo theo cái kia. Tình hình này nên đợt vừa rồi tôm thương phẩm ít đi, giá rất cao. Tính tương đối thì giá thành tôm nuôi của ta còn cao hơn so với tôm Ấn Độ và Ecuador là gần 1 và 1,5 USD/kg. Trong khi diện tích tôm nuôi đạt chuẩn ASC và có đánh mã số cơ sở nuôi toàn hệ thống ở ta còn rất thấp, dưới 10%, trong khi tôm có chuẩn ASC từ Ecuador trên 30%.

Cần chính sách cởi mở

Chúng ta có lợi thế so với nhiều nước về thuế quan khi tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Nhưng nên nhớ các yếu tố này còn phụ thuộc vào sự biến động của chính trị, ngoại giao, kinh tế.

Cũng không phải dễ để tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các FTA. Ví dụ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã ký kết nhưng tôm nguyên liệu nuôi phải theo chuẩn phía EU.

Nhưng không phải là không có giải pháp để giải quyết.

Một là cần hình thành các tổ hợp tác nuôi tôm quy mô khoảng 100ha. Hai là cần chính sách khuyến khích đầu tư lĩnh vực nông nghiệp nói chung, tôm nói riêng; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai hình thành các trại nuôi mới, theo chuẩn quy định và các yêu cầu khác. Ba là triển khai chương trình "Xanh hóa ngành tôm", nhằm đáp ứng sớm nhất xu thế thế giới.

Yếu tố quan trọng nhất để cải thiện nút thắt cổ chai hiện nay là có chính sách cởi mở, khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ tập trung đất đai, thu hút nhà đầu tư tham gia lĩnh vực nuôi tôm, hình thành các trang trại nuôi lớn như đối thủ cạnh tranh Ecuador.

Giá thành cao, khó đánh mã số cơ sở nuôi

Giá thành nuôi tôm cao do nhiều yếu tố, chủ yếu do nuôi nhỏ lẻ, không đầu tư khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Từ năm 1975 đến nay, nghề nuôi tôm đã trải qua hai thế hệ. Đất đai ĐBSCL - vùng nuôi tôm trọng điểm - đã chia cho thế hệ con cháu nên phần đất sử dụng của từng hộ nuôi ngày càng nhỏ. Theo thống kê, diện tích hộ nuôi phổ biến dưới 2ha.

Nuôi nhỏ lẻ nên không đủ điều kiện để nuôi theo tiêu chuẩn, khó cho việc đánh mã số cơ sở nuôi. Doanh nghiệp tôm hiện nay báo cáo truy xuất tôm với khách hàng phải theo dạng... mô tả, khai báo địa điểm bởi đa phần các hộ nuôi nhỏ lẻ chưa có mã số chuẩn quốc gia.

Gỡ 'điểm nghẽn' của ngành tôm - Ảnh 2.Cà Mau đầu tư 20.000 tỉ phát triển ngành hàng tôm đến năm 2030

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định phê duyệt phương án phát triển ngành hàng tôm Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Dự kiến 20.000 tỉ đồng được đầu tư cho phát triển ngành hàng tôm Cà Mau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên