Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ từ Việt Nam sang Úc tăng 11%
Trong buổi tọa đàm tối đa hóa cơ hội xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc ngày 6-9, các quan chức Bộ Công Thương lưu ý với sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại tự do (FTA), Úc là thị trường có nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cả hai nước hiện là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Úc/New Zealand (AANZFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo Phó vụ trưởng Tô Ngọc Sơn của Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc tăng trung bình 14%/năm trong giai đoạn 2010-2022.
Ông Sơn cũng lưu ý gỗ và các sản phẩm từ gỗ, giày dép và dệt may là những lĩnh vực còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Úc.
Năm 2022, Úc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đang là đối tác thương mại đứng thứ 10 của Úc.
Úc là nước nhập khẩu đồ gỗ nội thất lớn thứ 9 thế giới trong năm 2022 và đang gia tăng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á. Trong đó, ông Sơn chỉ ra Việt Nam, Malaysia và Indonesia là các nước đang đứng đầu.
Cụ thể, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Úc tăng 11% trong năm 2022, đạt 187,9 triệu USD.
Ngoài ra, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang Úc cũng đạt 438,6 triệu USD, tăng 41,6% trong năm 2022. Xuất khẩu dệt may đến Úc cũng tăng 27,4% trong năm ngoái, đạt 449,7 triệu USD.
Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu bông của Úc rất lớn
Căn cứ vào các hiệp định thương mại tự do mà cả Úc và Việt Nam đều là thành viên, ông Sơn tự tin mặt hàng dệt may và giày dép của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm ưu thế tại thị trường Úc.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cũng đề xuất một hướng tiếp cận khả thi để doanh nghiệp Úc có thể tiếp cận thị trường Việt Nam.
Theo ông Khanh, nhu cầu nhập khẩu bông từ Úc của Việt Nam vẫn rất lớn để phục vụ sản xuất may mặc nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính. Điển hình, Mỹ đặc biệt quan tâm tới vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức trong sản xuất bông sợi.
“Việt Nam đã và đang mua bông từ Úc, nhưng vẫn còn có thể mua nhiều hơn nữa khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng rất lớn”, ông Khanh nói.
"Chúng ta là hai nền kinh tế tương hỗ lẫn nhau. Chúng ta là đối tác nhiều hơn là đối thủ cạnh tranh. Các chuỗi sản xuất của hai bên đang ngày càng gắn chặt. Cùng nhau, chúng ta xuất khẩu ra các thị trường trên toàn thế giới", Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM Sarah Hooper khẳng định.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong quý 1-2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Liên minh châu Âu (EU) ước đạt 133,2 triệu USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, từ cuối tháng 7, truyền thông trong nước dẫn nguồn Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất áp dụng chương trình trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng bắt buộc (EPR) với doanh nghiệp sản xuất dệt may.
EPR buộc nhà sản xuất đảm nhận trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may, đồng thời hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may khắp châu Âu (EU).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận