Giảng viên ngành Thiết kế (Thiết kế ứng dụng sáng tạo) cô Michal Teague (bên trái) và giảng viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) Tiến sĩ Emma Duester trình bày góc nhìn mới về lưu trữ và quảng bá văn hoá, nghệ thuật, sáng tạo và thiết kế Việt trên Wikipedia
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021, mong muốn truyền cảm hứng cho giới sáng tạo trong nước, đồng thời tiếp thêm động lực cho những người làm công tác sáng tạo và thiết kế bằng cách cho họ thấy nét văn hóa của mình sẽ hiện diện trên không gian số như thế nào.
Cô Michal Teague, giảng viên ngành Thiết kế (Thiết kế ứng dụng sáng tạo) và là một trong hai diễn giả của WAVE, cho biết các nghệ sĩ nổi tiếng, bảo tàng, không gian nghệ thuật, hoặc các loại hình nghệ thuật như nhiếp ảnh Việt, của dân tộc thiểu số ít khi có trang Wikipedia và nếu có thì cũng không được đầy đủ và chi tiết.
"Điều này ảnh hưởng mọi thứ từ sự công nhận ở tầm quốc gia cũng như trên trường quốc tế, đến thu nhập và phát triển mảng văn hóa ở Việt Nam", cô nói.
Bằng cách cải thiện nội dung văn hóa nghệ thuật Việt trên Wikipedia, mà theo quan sát của cô Teague là nguồn thông tin đầu tiên thường xuất hiện khi mọi người tìm kiếm thông tin trực tuyến, "chúng tôi hy vọng thay đổi được thái độ của cộng đồng về những những lĩnh vực này, đồng thời tái định vị sáng tạo ở Việt Nam. Nhờ đó, có thể đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội quốc gia".
Tại hội thảo đầu tiên được tổ chức vào ngày 14-11, người tham dự được hướng dẫn cách tổ chức một "editathon" (sự kiện trong đó cộng đồng sẽ cùng biên tập và cải thiện nội dung trên các trang dữ liệu mở như Wikipedia) và các chủ đề có liên quan khác.
Cô Teague cho biết thành phần tham dự hội thảo đa dạng, "từ công chúng nói chung, đến sinh viên, những người làm công tác giáo dục, các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, người làm công tác thiết kế, giám tuyển nghệ thuật và sản xuất văn hoá, cũng như các chuyên gia thuộc các cơ sở GLAM (phòng trưng bày, thư viện, viện lưu trữ và bảo tàng)".
Để tạo một trang Wikipedia, diễn giả và giảng viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) Tiến sĩ Emma Duester đề xuất người tham dự hãy tạo phần dẫn nhập tóm lược ai/điều gì trên trang tin và tại sao người này/điều này quan trọng, phần lược sử, phần tham chiếu và một tấm hình từ Wikimedia.
Nghệ sĩ đương đại Việt Nam Richard Streitmatter-Tran có tác phẩm trưng bày trong Bộ sưu tập Nghệ thuật đương đại RMIT Việt Nam, nhưng không có trang Wikipedia nào
"Trong những tuần lễ sau hội thảo, người tham dự có thể cập nhật, bổ sung hoặc tạo mới nội dung trên Wikipedia về các đơn vị văn hóa nghệ thuật Việt theo thời gian biểu của họ", cô Duester chia sẻ.
Cô Teague đã dùng một trong những nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày trong Bộ sưu tập Nghệ thuật đương đại RMIT Việt Nam - nghệ sĩ đương đại Việt Nam Richard Streitmatter-Tran làm ví dụ.
"Bạn có thể tìm ra ông khi tìm kiếm về nhiếp ảnh Việt nhưng không có trang nào trên Wikipedia về các tác phẩm sáng tạo hay đóng góp văn hóa thông qua Địa Projects của ông", cô cho biết.
Cô Teague bổ sung thêm rằng hơn 50 tác phẩm của Bộ sưu tập Nghệ thuật đương đại RMIT Việt Nam cũng có thể được thể hiện tốt hơn trên các trang Wikipedia của trường.
"Đây là một trong những bộ sưu tập danh giá nhất dạng này trên toàn thế giới, tập trung vào các tác phẩm Việt Nam đương đại và những nghệ sĩ đang làm việc và sinh sống tại đây, từ những nghệ sĩ mới nổi sinh vào thập niên 90 cho đến những nghệ sĩ tên tuổi hiện đã ở tuổi 70, với các tác phẩm hội họa, điêu khắc và các phương tiện truyền thông mới".
Trong buổi hội thảo WAVE thứ hai tổ chức vào ngày 21-11, người tham dự sẽ có cơ hội chia sẻ những gì họ tạo được và thảo luận các thách thức đã gặp để có thể làm tốt hơn trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận