Người cung cấp thông tin để cơ quan thuế truy thu và phạt điện máy Nguyễn Kim 148 tỉ đồng được thưởng 3 triệu đồng, tương đương... 0,002% - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cục Thuế TP.HCM vừa trao quyết định khen thưởng cho ông N.D.T.C. - người cung cấp thông tin giúp truy thu và phạt hơn 148 tỉ đồng của Công ty CP thương mại Nguyễn Kim. Kèm theo quyết định là tiền thưởng 3 triệu đồng.
Ngoài ra, Cục Thuế TP cũng có thư cảm ơn ông N.D.T.C. (ngụ quận 10, TP.HCM) nhằm ghi nhận "sự quan tâm, có trách nhiệm với cộng đồng" của ông C., từ đó nhằm hạn chế những sai sót trong kê khai thuế của người nộp thuế.
Việc này cũng đảm bảo thực thi chính sách thuế đúng quy định và công bằng.
Tối đa 5 triệu đồng
Sau khi Cục Thuế TP.HCM trao thưởng cho ông C., đã có nhiều ý kiến khác nhau bàn về mức thưởng 3 triệu đồng. Đa số ý kiến đều cho rằng mức thưởng này quá thấp, chưa mang tính khuyến khích các cá nhân mạo hiểm tố giác các hành vi gian lận thuế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nam Bình, cục phó Cục Thuế TP, cho biết mức khen thưởng trên là đột xuất, căn cứ theo quy định và mang tính chất động viên tinh thần phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của ông C.. Trên thực tế không có nhiều cá nhân được nhận mức khen thưởng này.
Về câu hỏi vì sao mức thưởng là 3 triệu đồng mà không căn cứ trên phần trăm số tiền thu được, ông Bình cho biết theo quy định thì việc khen thưởng căn cứ theo vụ việc, chứ không căn cứ trên số tiền truy thu được.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, quyết định khen thưởng của Cục Thuế căn cứ vào Luật thi đua khen thưởng, căn cứ quyết định 108 của Bộ Tài chính và quyết định số 2512 của Tổng cục Thuế ngày 21-12-2016 về việc ban hành quy chế phối hợp, khen thưởng với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bên ngoài có liên quan đến công tác thuế.
Theo quyết định số 2512, các trường hợp cung cấp thông tin về các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về thuế nhằm mục đích trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, giúp cơ quan thuế truy thu hoặc thu hồi số tiền thuế đã bị chiếm đoạt hoặc ngăn chặn hành vi gian lận thuế thì sẽ được cơ quan thuế khen thưởng.
Mức khen thưởng tối đa của Cục Thuế TP đối với cá nhân là 3 triệu đồng/người/lần. Ở cấp Tổng cục Thuế thì mức khen thưởng tối đa là 5 triệu đồng/người/lần. Nếu ở cấp chi cục, mức khen thưởng thấp hơn, chỉ 2 triệu đồng/người/lần.
Điện máy Nguyễn Kim, nơi xảy ra vụ truy thu thuế và phạt 148 tỉ đồng - Ảnh: Q.Đ.
Nên thưởng theo tỉ lệ phần trăm
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, không phải là ít, từ việc bán hàng không xuất hóa đơn đến các thủ thuật kê khai nhằm làm giảm số thuế phải nộp.
Tuy nhiên, rất ít người dám tố giác. Nhân viên trong doanh nghiệp nếu đứng ra tố giác sẽ đối mặt nguy cơ bị mất việc, chưa kể còn nguy hiểm đến cả tính mạng.
Do vậy, theo ông Xoa, để khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thu ngân sách, không nên quy định mức thưởng quá cứng nhắc, mà nên quy định thưởng trên phần trăm số tiền thuế truy thu được.
Như vậy, nhiều người sẽ mạnh dạn tố giác các hành vi gian lận thuế, giúp cơ quan thuế truy thu được số tiền thuế rất lớn. Quan trọng hơn, việc này giúp đánh động đến các doanh nghiệp khác khiến họ không dám gian lận thuế nữa. Việc này cũng làm giảm sự móc ngoặc giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp.
"Với người dân, có thể mức 3 triệu đồng không đáng để họ phiêu lưu mà tố giác. Chưa kể khi tố giác họ cũng phải chịu cả trách nhiệm trước pháp luật về việc tố giác của mình" - ông Xoa nói.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn (TP.HCM) cũng cho rằng mức khen thưởng 3 triệu đồng cho hành vi tố giác giúp cơ quan thuế truy thu 148 tỉ đồng là quá bất hợp lý, không tương xứng với thành tích. Chưa kể việc khen thưởng cũng không kịp thời vì sự việc đối với điện máy Nguyễn Kim xảy ra đã cách đây mấy tháng, nhưng giờ mới khen thưởng.
Tổng giám đốc công ty tư vấn thuế có trụ sở tại quận Gò Vấp, TP.HCM cũng cho rằng mức thưởng cho người tố giác hành vi gian lận thuế đã quá lạc hậu. Lẽ ra với mức truy thu 148 tỉ đồng, mức thưởng ít nhất phải vài trăm triệu đồng.
"Song song đó, cơ quan thuế nói riêng và các cơ quan nhận tố cáo khác nói chung cũng phải có cơ chế bảo vệ, giữ bí mật thông tin cho người tố cáo" - ông này kiến nghị.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 9-11, ông N.D.T.C. cho biết việc tố giác của ông vì cộng đồng, liên quan đến tính công bằng trong doanh nghiệp. Nói về mức khen thưởng, ông C. nói "quyết định thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước". Điều ông quan tâm là giúp cơ quan thuế truy thu số tiền mà lẽ ra doanh nghiệp phải tự giác đóng thuế. Đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp khác có hành vi gian dối trong nộp thuế.
Cần nâng tiền thưởng cho người tố giác vi phạm về thuế
Doanh nghiệp và người dân luôn đòi hỏi công bằng trong nghĩa vụ thuế. Trong ảnh: làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thanh Tùng, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế), cho biết trong cơ chế quản lý tài chính cho ngành thuế có quy định nguồn kinh phí để chi khen thưởng cho người tố cáo vi phạm về thuế.
Có thể mức thưởng hiện hành chưa đủ khuyến khích người dân nên số lượng đơn, thư tố cáo, tố giác hành vi vi phạm về thuế còn rất khiêm tốn. Do đó, việc quy định mức thưởng cho người tố giác vi phạm về thuế cũng nên xem xét, nghiên cứu nhằm khuyến khích người dân báo tin, tố giác, tố cáo những hành vi nhằm trốn thuế.
Góp ý về mức thưởng cho cá nhân, tổ chức tố cáo vi phạm về thuế, một ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng ngành thuế cần phải chi thưởng xứng đáng. Cần xem mức thưởng cho việc tố giác vi phạm về thuế là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn hành vi trốn thuế, nhằm chống thất thu cho ngân sách, đồng thời nhằm góp phần nâng cao tính tuân thủ nghĩa vụ thuế của công dân.
Về mức thưởng, theo vị này kiến nghị, có thể thưởng bằng 1-5% số tiền thuế mà đối tượng vi phạm đã trốn. Ví dụ như ông A trốn thuế 100 triệu đồng và bị ông B tố cáo lên cơ quan thuế. Qua thông tin này, cơ quan thuế xác định ông A vi phạm thật và tiền thưởng cho ông B có thể là 5% số tiền thuế trốn, tương ứng 5 triệu đồng. Hoặc ngành thuế đưa ra khung mức tiền thưởng cho cá nhân đã dũng cảm tố cáo.
"Mức thưởng cụ thể bao nhiêu ngành thuế phải nghiên cứu, đề xuất và công khai để người dân được biết. Nhưng mức thưởng phải làm sao khuyến khích được người dân đóng góp, chứ không thể là tượng trưng, hình thức được. Phải thừa nhận có một số trường hợp, sau khi tố cáo cho cơ quan chức năng đối tượng có hành vi vi phạm thì người tố giác có thể bị rủi ro như đe dọa, khủng bố..." - vị này nói.
Có thể thưởng tối đa 10%
Theo luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM), những người tố cáo đúng sự thật, giúp Nhà nước xử lý những hành vi tham nhũng, sai trái theo quy định của pháp luật sẽ được khen thưởng bằng nhiều hình thức như: tặng huân chương, bằng khen, giấy khen. Ngoài việc khen thưởng bằng các hình thức này sẽ kèm theo giá trị vật chất theo quy định của Luật thi đua khen thưởng.
Mức khen thưởng hiện nay có quy định tại thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-TTCP-BNV của Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ về việc quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.
Cụ thể là Huân chương Dũng cảm sẽ được thêm 60 lần mức lương cơ sở; 40 lần mức lương cơ sở đối với bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc 20 lần lương cơ sở nếu được nhận bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Đặc biệt, nếu giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở, cá nhân sẽ được thưởng vượt mức quy định nêu trên, tối đa bằng 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không quá 3.000 lần mức lương cơ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận