07/07/2016 15:04 GMT+7

Giúp trẻ vượt qua cơn hen

NGUYỄN QUANG
NGUYỄN QUANG

TTO - Bác sĩ chỉ là người nắm tay phụ huynh và bé đi qua chiếc cầu gập ghềnh lúc trẻ lên cơn hen cấp. Chính cha mẹ giữ vai trò quan trọng nhất trong điều trị hen cho bé.

Nhân viên y tế đo hô hấp ký để kiểm tra chức năng phổi cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Bác sĩ CK2 nhi hô hấp Đặng Thị Kim Huyên, khoa thăm dò chức năng - miễn dịch - dị ứng lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết như vậy tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Ba mẹ cùng con trong cơn hen cấp” gần đây do Bệnh viện Đại học Y Dược TP tổ chức với sự hỗ trợ của VPĐD GlaxoSmithKline Pte tại TP.HCM.

Dấu hiệu trẻ hen

Theo bác sĩ Kim Huyên, hen là viêm mãn tính của đường thở (phế quản) trong phổi, gây phù nề và co thắt phế quản. Khi bị hen, bệnh nhân nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích và làm xuất hiện những đợt ho, khò khè, khó thở và nặng ngực lặp đi lặp lại.

Để nhận biết trẻ bị hen hay không, nhất là với trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) có thể dựa vào các yếu tố bệnh sử: trẻ ho, khò khè, khó thở, mệt, nặng ngực, đàm, từng đợt, từng cơn tái đi tái lại thường xuyên và thường xảy ra khi trẻ vận động, về đêm hoặc khi tiếp xúc với dị nguyên (hít phải mùi nước thơm xịt phòng, nước hoa, khói thuốc lá…); tiền sử: ho, khò khè từ hai lần trở lên trong một năm gần đây hoặc ho dài ngày điều trị thuốc không hết, nếu là trẻ nhũ nhi thì từ ba lần trở lên/năm; yếu tố di truyền và bản thân đứa trẻ: gia đình có người thân bị hen, trẻ sinh có cơ địa dị ứng.

Ngoài ra, trẻ lớn (trên 24 tháng) sẽ được chỉ định thăm dò chức năng bằng hô hấp ký hoặc dao động xung ký không xâm lấn để đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở.

Tuy nhiên, khò khè không luôn là hen và có khi hen hiện diện nhưng trẻ không khò khè, khó thở, nặng ngực mà chỉ ho rất nhiều. Chỉ khi cho trẻ dùng thuốc trị hen bệnh mới cải thiện, giảm hẳn ho, bác sĩ mới chẩn đoán được trẻ bị hen dạng ho, một thể hen “giấu mặt”.

Chậm phát triển thể chất, trí tuệ

Nếu không chữa trị lâu dài và đúng cách, bệnh sẽ gây tắc nghẽn đường dẫn khí cố định (phế quản không thể giãn ra nữa), làm giảm khả năng hoạt động do trẻ bị khó thở kinh niên. Việc không được chữa trị, cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ tử vong khi lên cơn hen cấp.

Hen có tác động xấu về thể chất và tinh thần của trẻ. Trẻ sẽ chậm phát triển thể chất do bệnh làm trẻ mệt khi vận động nên trẻ ít vận động, ăn, ngủ kém. Hen còn làm trẻ chậm phát triển trí tuệ, khiến trẻ buồn ngủ ngày, kém tập trung, thường xuyên phải nghỉ học. Không chỉ trẻ bị ảnh hưởng mà gia đình, nhất là cha mẹ luôn cảm thấy bị stress, sống trong tâm lý lo âu khi nghĩ đến bệnh của con.

Theo bác sĩ Kim Huyên, để kiểm soát được hen, trẻ cần được điều trị đúng bằng thuốc dự phòng xịt trực tiếp vào đường thở, ngừa cơn hen đều đặn mỗi ngày. Thuốc có tác dụng chống viêm, hiệu quả và an toàn do liều sử dụng rất thấp (tính bằng đơn vị microgram). Ngoài ra, cha mẹ và trẻ lớn luôn mang bên mình thuốc xịt cắt cơn hen, kể cả khi ra khỏi nhà.

Chăm sóc trẻ hen

Để ngừa cho trẻ không lên cơn hen, bác sĩ Kim Huyên khuyên trẻ cần tránh các yếu tố có thể khởi phát cơn hen: thay đổi thời tiết, nhiễm trùng hô hấp, cảm cúm, xúc động, hoạt động gắng sức.

“Tuy hen không chữa khỏi nhưng nếu điều trị đúng sẽ kiểm soát được hen, trẻ sẽ có cuộc sống khỏe mạnh, vận động, sinh hoạt, học tập như trẻ bình thường. Thực tế nhiều vận động viên, kiện tướng thể thao là bệnh nhân hen và họ vẫn có thể tham gia các hoạt động thể thao như bơi lội, đá banh vì họ kiểm soát được hen”

Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên

Tránh các yếu tố dị nguyên tác động qua đường thở như khói: thuốc lá, bếp, nhang, nhà máy; bụi: nhà, bụi đường, vải, phấn; phấn hoa; các loại mùi: mùi nồng, mùi nước hoa, mùi các loại thuốc xịt, hóa chất; nấm mốc; thú nuôi có lông: chó, mèo; thú nhồi bông…; gián và các chất tiết của gián; con mạt nhà trên giường gối.

Cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, lau chùi nhà một lần/ngày. Mùng, mền, chiếu giặt nước sôi hoặc phơi nắng một tuần/lần. Khi quét dọn, sơn, xịt thuốc diệt côn trùng, nấu ăn… không nên có mặt trẻ.

Về dinh dưỡng, cần cho trẻ uống đủ sữa, mật ong (trừ trẻ dưới 1 tuổi), nước cam, chanh, ăn quýt, bưởi; tập thể dục, phơi nắng sáng; hạn chế ăn một số thức ăn gây dị ứng như: đồ biển, bò, gà, thức ăn lên men như mắm, chao; thức ăn lạnh… và một số thuốc aspirin, giảm đau, kháng viêm; tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, cho trẻ tái khám định kỳ, không tự cho trẻ ngưng thuốc dự phòng hoặc bỏ điều trị.

Ngoài ra, cha mẹ trẻ cần chú ý và nhận biết dấu hiệu trẻ sắp lên cơn hen. Trường hợp trẻ lên cơn hen, cha mẹ cần đưa trẻ tránh ngay yếu tố khởi phát (khói thuốc lá, mùi nước hoa, hoa chất tẩy rửa…) và dùng thuốc cắt cơn salbutamol xịt ngay cho trẻ 2-4 nhát tùy mức độ nặng của cơn hen có thể lặp lại sau 20 phút nếu triệu chứng không cải thiện.

Nếu sức khỏe trẻ xấu hơn cần tham vấn bác sĩ và đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi cơn hen không cải thiện hoặc xuất hiện trở lại, trẻ phập phồng cánh mũi, thở rút lõm lồng ngực, khó thở khi di lại, ngón tay, môi tím lại, nói ngắt quãng, quấy khóc.

10% trẻ em VN bị hen

Theo PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, một khảo sát của Bộ Y tế năm 2010 cho thấy khoảng 10% trẻ em VN bị hen. Riêng TP.HCM, một nghiên cứu cho thấy có đến 29,1% trẻ em 12-13 tuổi bị khò khè và TP.HCM được coi là “thủ đô hen suyễn” của châu Á [1].

Hiện nay, Hội Hen dị ứng miễn dịch lâm sàng TP.HCM và VPĐD GlaxoSmithKline tại TP.HCM phối hợp thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về bệnh hen đến người dân.

NGUYỄN QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên