TTCT - Văn hóa đọc từ đâu mà có nếu không từ thói quen và kỹ năng đọc sách của từng cá nhân được xây dựng từ thuở niên thiếu? TTCT trao đổi với thạc sĩ thông tin thư viện NGUYỄN TẤN THANH TRÚC. Ảnh: D.T.Bảng phân loại sách theo trình độ đọcBà Trúc cho biết: Tại những quốc gia có nền giáo dục phát triển, hoạt động thư viện rất được xem trọng. Học sinh tiểu học hằng tuần đều có giờ đến thư viện nghe cô đọc sách, kể chuyện từ sách, tham gia các trò chơi, đóng kịch sắm vai liên quan đến sách…Học sinh trung học đọc sách theo yêu cầu và phải trả lời các bảng câu hỏi đánh giá những gì các em thu nhận được từ sách. Người ta còn kiểm tra trình độ đọc của các em vào đầu năm, tổ chức cho các em đọc sách theo trình độ đọc, hướng dẫn và giao sách để cha mẹ cùng đọc cho con tại nhà (mỗi tuần hai cuốn) có ghi chép theo dõi đầy đủ bằng nhật ký đọc sách.Nguyễn Tấn Thanh Trúc, nguyên cán bộ Thư viện Tổng hợp TP.HCM, tốt nghiệp thạc sĩ thông tin thư viện (chuyên ngành thư viện thiếu nhi) của Đại học Simmons (Hoa Kỳ). Hiện bà đang là quản lý thư viện của Trường Quốc tế Anh - Việt, nơi có trên 12.000 đầu sách bằng tiếng Việt và tiếng Anh.* Điều quan trọng nhất là gì khi đọc sách cho con, đọc sách cùng con?- Trước hết phải biết chọn sách cho con đọc. Nhiều phụ huynh đưa con đến nhà sách ít khi chịu khó tìm hiểu thật kỹ các tựa sách, đa số dừng lại ở những quầy sách quen thuộc và chọn sách theo suy nghĩ chủ quan, sở thích của người lớn. Để cho trẻ tự do chọn sách theo ý thích cũng khó lòng giúp trẻ phát triển. Hoặc cùng một tựa sách, có đến bốn ấn phẩm của các nhà xuất bản khác nhau.* Vậy ta nên chọn cuốn nào?- Điều quan trọng nhất là phải chọn được sách phù hợp với trình độ đọc của mỗi trẻ. Cần nhớ rằng không phải trẻ cùng độ tuổi, cùng lớp học là có trình độ đọc như nhau. Trình độ đọc là khả năng đọc hiểu với số lượng từ nhất định trong một câu, số câu trong một trang, độ phức tạp của từ và câu, tỉ lệ hình ảnh minh họa trên một trang sách. Nhiều nhà xuất bản trên thế giới đã nghiên cứu rất kỹ và họ có thang đọc khác nhau, như của Usborne, Oxford, MacMillan…Theo tổ chức nghiên cứu đọc của học sinh quốc tế Hippocampus, có sáu trình độ đọc (tương đương với sáu cột màu, xem bảng kèm theo). Trong đó, mức thấp nhất là trẻ chưa biết chữ, chủ yếu là nhìn tranh tưởng tượng, chú trọng vào nghe hiểu do người lớn đọc. Ở mức cao nhất, trẻ trở thành người đọc độc lập, tự đọc hiểu, không cần sự hỗ trợ của người khác và của các yếu tố minh họa. * Nhưng làm thế nào để biết được trình độ đọc của con mình?- Ở một số nước, nhà trường có các bài tập kiểm tra trình độ đọc của học sinh. Nhưng ở ta, cha mẹ phải trông cậy vào… chính mình! Vấn đề là cha mẹ phải hiểu con. Phải thường xuyên mỗi ngày trò chuyện, đọc sách cho con, xem phản ứng của con (hào hứng, chăm chú, nhập cuộc hay thờ ơ, chán ngán…) trước mỗi con chữ, hình ảnh, trang sách, cuốn sách. Đó là một quá trình “thử - sai” để tìm đúng khả năng đọc của con.Bên cạnh đó, phải chọn sách phù hợp với hiểu biết, nhận thức của trẻ. Chẳng hạn, trẻ thường rất thích truyện ngụ ngôn, câu ngắn, từ ngữ dễ hiểu. Nhưng không phải lúc nào trẻ cũng hiểu được cái “ngụ” ẩn sau “ngôn”. Như trong chuyện Cáo và cò (ngụ ngôn Aesop): cáo mời cò ăn bằng đĩa, cò mời cáo ăn trong bình, trẻ em thấy lạ, thích thú vì buồn cười nhưng nhiều em lớp 1, lớp 2 không hiểu rằng đó là câu chuyện về sự “khác biệt”, có em rút ra bài học là “phải biết trả đũa”!Cần nói thêm là nhiều khi người lớn cũng hiểu sai, hay áp đặt cách hiểu của mình cho trẻ. Ví dụ chuyện Sư tử và chuột nhắt (ngụ ngôn Aesop). Chuột được sư tử tha mạng nhờ lý lẽ thuyết phục, sau đó chuột đã cắn lưới cứu thoát cho sư tử khi sư tử bị mắc bẫy. Trong khi ý nghĩa của truyện là trên thế giới này mọi vật dù lớn hay nhỏ đều có giá trị như nhau, thì nhiều người lớn giải thích cho trẻ rằng đây là câu chuyện về sự trả ơn!Cũng không nên để trẻ chỉ đọc một thể loại, cứ “hoàng tử với công chúa” mãi, cứ thấy người ta Đôrêmon thì mình cũng Đôrêmon suốt… Cần phải “đổi món” cho trẻ thường xuyên với nhiều thể loại phong phú, đa dạng: thơ, truyện thơ, đồng dao, hát ru, câu đố, cổ tích, đồng thoại, thần thoại, ngụ ngôn, truyện cười, kịch, truyện ngắn, truyện dài… của tác giả cả Việt Nam và các nước.Ngoài ra, phụ huynh cũng nên chọn những loại sách có cách thiết kế lạ, sách minh họa nổi, sách pop-up (có thể lật lên, mở ra, xếp xuống…), trình bày bắt mắt cả hình ảnh minh họa lẫn bố trí con chữ (to nhỏ, ngang dọc…). Nếu cùng là một tác phẩm, bạn hãy chọn ấn phẩm có đầu tư hơn về mỹ thuật (minh họa, trình bày…).Minh họa trong Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Tạ Huy Long minh họa (Nhà xuất bản Kim Đồng) * Rất nhiều lần chị nhắc đến yếu tố minh họa, trình bày sách?- Đọc sách cho con không phải là đọc chữ. Không được để trẻ thụ động ngồi nghe. Phải đánh thức các giác quan của trẻ, phải buộc trẻ hoạt động cùng sách, phải dắt trẻ vào một cuộc trải nghiệm để khám phá cuốn sách qua từng tình tiết, nhân vật, con chữ… Phải làm cho trẻ sống với cuốn sách, cho trẻ quyền được sáng tác câu chuyện, quyền tiếp tục suy nghĩ, tưởng tượng ngay cả khi câu chuyện đã dừng lại…Để làm được điều đó, chỗ dựa lớn nhất để cha mẹ dẫn dắt, đặt câu hỏi, khơi gợi, nuôi dưỡng cảm xúc của trẻ qua từng trang sách chính là hình ảnh minh họa, sự sắp đặt con chữ và thiết kế các trang sách.Phần mỹ thuật của sách dành cho thiếu nhi của ta nói chung là kém sinh động, kém đa dạng và kém phong phú thể loại vì không được đầu tư xứng đáng.Thực tế chúng ta có rất ít ấn phẩm đạt chất lượng về mỹ thuật như Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) do họa sĩ Tạ Huy Long thực hiện, Mẹ vắng nhà (Nguyễn Thi) do họa sĩ người Nhật Chihiro Iwasaki minh họa.Một mặt, Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo họa sĩ một cách bài bản về sáng tác và thiết kế dành riêng cho trẻ em. Mặt khác, một cuốn sách ra đời thường được thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, khâu viết sách và khâu trình bày sách thường tách rời nhau, không hiểu nhau đầy đủ… Có thể nói, các nhà giáo, nhà văn và họa sĩ chưa bắt tay nhau thật sự để cùng làm từng cuốn sách phù hợp với từng đối tượng lứa tuổi cũng như những dòng sách phù hợp hơn và hấp dẫn, đa dạng hơn cho thiếu nhi.* Xin cảm ơn chị.Minh họa trong quyển 100 truyện cổ tích Việt Nam, tập 9 Quan Âm Thị Kính (Nhà xuất bản Giáo Dục) Tags: Cảm xúcĐọc sách cùng conKỹ năng đọc sáchNguyễn Tấn Thanh TrúcĐọc sách cho con
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
TP.HCM mưa dông tối trời, sấm sét rền vang LÊ PHAN 27/12/2024 Chiều tối 27-12, cả TP.HCM xảy ra mưa dông, nhiều nơi mưa lớn và sét đánh.
Đội tuyển Việt Nam rạng rỡ về nước HOÀNG TÙNG 27/12/2024 Sau trận thắng 2-0 trước Singapore ở bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024, đội tuyển Việt Nam đã trở về nước, chuẩn bị ngay cho trận lượt về lúc 20h ngày 27-12.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân 'phân chia' gọi điện can thiệp, gây áp lực với lãnh đạo tỉnh DANH TRỌNG 27/12/2024 Ông Vân lấy danh nghĩa đại biểu Quốc hội gọi điện cho bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, còn ông Nhưỡng gọi phó chủ tịch UBND tỉnh để can thiệp.
Tổ bay trên máy bay Azerbaijan rơi đã nỗ lực đến phút cuối để cứu hành khách NGHI VŨ 27/12/2024 Hai phi công trên chuyến bay Azerbaijan Airlines gặp nạn hôm 25-12 được khẳng định là 'anh hùng', khi đã nỗ lực cứu sống hành khách đến phút cuối cùng.