Nhìn thấy con mình cười khúc khích trước màn hình điện thoại nhưng rồi lại cau mày khi bị nhắc nhở, tôi vừa lo lắng vừa đồng tình với hai quy định mới của Chính phủ: bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại và giới hạn thời gian chơi game đối với người dưới 18 tuổi.
Những biện pháp này hướng tới mục tiêu bảo vệ trẻ em và xây dựng môi trường số lành mạnh, nhưng chúng cũng đặt ra nhiều thách thức trong thực tiễn.
Giới hạn thời gian chơi game có thể giúp trẻ em tập trung hơn vào học tập, tham gia các hoạt động thể chất và giao tiếp xã hội.
Thực tế nghiện game đã được Tổ chức Y tế thế giới liệt kê vào danh sách các rối loạn sức khỏe tâm thần từ năm 2018.
Theo thống kê của tổ chức này, có tới 70 - 80% trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi game online, trong đó 10 - 15% có dấu hiệu nghiện.
Việt Nam, nằm trong số bốn quốc gia có lượng người dùng Internet và chơi game nhiều nhất thế giới (theo khảo sát của VR Space), đang đứng trước nguy cơ lớn về sức khỏe tâm lý và thể chất của trẻ em như cận thị, béo phì, giảm chú ý, học tập sa sút, rối loạn giấc ngủ, mất kỹ năng giao tiếp xã hội…
Tất nhiên cũng có lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân khi xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc mã định danh cá nhân.
Rồi cơ chế đăng nhập tài khoản có thể không đủ để kiểm soát việc chơi game khi trẻ em có thể sử dụng tài khoản của người lớn hoặc thuê/mua tài khoản trên "chợ đen" để "lách luật".
Việc kiểm soát các game offline hay yêu cầu các nhà phát hành quốc tế tuân thủ quy định của Việt Nam cũng là thách thức lớn.
Rất nhiều quốc gia đã áp dụng những biện pháp tương tự để kiểm soát việc sử dụng công nghệ của trẻ em.
Những quốc gia này đều chỉ ra rằng ngoài các biện pháp kỹ thuật và hành chính, cần sự đồng hành từ gia đình và xã hội để đạt được hiệu quả toàn diện và bền vững. Là phụ huynh, tôi nhận ra rằng việc kiểm soát không thể chỉ dựa vào chính sách mà cần kết hợp với giáo dục và đồng hành cùng con cái.
Cha mẹ có thể tạo môi trường tương tác ngoài màn hình, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động cùng cha mẹ (như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn), hoạt động ngoại khóa, thể thao và học kỹ năng sống.
Với trẻ nhỏ, khi cần cho trẻ xem tivi, điện thoại, cha mẹ nên cùng xem để định hướng con xem những nội dung hữu ích và trò chuyện cùng con về nội dung đang xem.
Đặc biệt cha mẹ cũng cần phải là tấm gương trong việc sử dụng hợp lý các thiết bị điện tử, tránh tình trạng cấm trẻ nhưng mình lại dùng.
Các ứng dụng kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị hoặc tính năng giới hạn nội dung có thể là công cụ hữu hiệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ cần chủ động phát triển sản phẩm lành mạnh, phù hợp với trẻ em, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật.
Xây dựng một không gian số an toàn, lành mạnh không chỉ dựa vào các biện pháp hành chính mà đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Quy định mới là một bước khởi đầu nhưng để đạt được hiệu quả thực sự, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, phụ huynh - nhà trường và cộng đồng doanh nghiệp. Đó chính là "kiềng ba chân" để giúp trẻ lên mạng an toàn, lành mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận