Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện là vấn đề của nền nông nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc nông dân phải tự cứu mình bằng cách sản xuất sạch - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngoài sự tham gia của 120 đại biểu tại hội quán nông dân Thuận Tân, ban tổ chức buổi tọa đàm đã trực tuyến tới 52 điểm cầu thuộc 12 huyện, thị của tỉnh Đồng Tháp để hàng trăm nông dân khác trong tỉnh cùng tham gia.
Bà con ở miền Tây chỉ trồng theo số đông, bán hoài không hết. Còn sản phẩm độc lạ, chất lượng cao thì tìm hoài không ra. Vì vậy, cơ quan quản lý, nhà khoa học cần nghiên cứu giống mang lại chất lượng, kinh tế cao để hỗ trợ nông dân.
Ông Nguyễn Duy Hiển (giám đốc Saigon Co.op khu vực miền Tây)
Rối với thuốc bảo vệ thực vật
Tại tọa đàm, một nông dân đại diện hội quán Hòa Tâm (H.Lai Vung) cho biết mặc dù có thâm niên sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong hai thập kỷ, nhưng ông không biết loại phân, thuốc BVTV nào là tốt, xấu, chất lượng thế nào.
"Làm sao cho chúng tôi biết doanh nghiệp sản xuất, các nhà tiếp thị thế nào vì ai cũng nói sản phẩm của họ tốt, nông dân chúng tôi không biết đâu mà mò" - lão nông bộc bạch.
Đáp lại, ông Nguyễn Văn Công, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, nhận định "đây là câu hỏi rất hay, nhưng rất khó trả lời".
Theo ông Công, hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc BVTV và sở chỉ quản lý sản phẩm nào Nhà nước cấm, quản lý hàng gian hàng giả, hàng công bố không đúng chất lượng.
"Hiện tại cứ khoảng 3-4 ngày có một văn bản báo cho tôi biết có thêm 2-3 hoạt chất được cho phép. Nhưng cùng thời gian đó cũng có văn bản cho biết có 2-3 hoạt chất bắt đầu bị cấm. Tôi cũng không biết luôn, rất rối" - ông Công nêu thực tế.
Ông Công cho rằng kiến nghị của nông dân là chính xác và nhiều lần họp ở Bộ NN&PTNT ông đã kiến nghị về việc giảm số lượng thuốc BVTV cho từng loại nông sản.
Đại diện hội quán Thanh Tâm (H.Hồng Ngự) đặt câu hỏi: "Vì sao các ngành chức năng không loại bỏ được thuốc BVTV, phân bón không đúng tiêu chuẩn?".
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng: "Nước xa không cứu được lửa gần, chúng ta phải tự cứu mình trước".
Cụ thể, theo ông Hoan, mô hình hội quán là tập hợp trí tuệ nhiều người, người này biết chia sẻ với người kia.
"Nếu chúng ta cộng nhiều bộ óc của người nông dân thì đỡ rủi ro hơn, còn một mình lẳng lặng nghe lời mời chào của đại lý rồi sử dụng không như mong muốn, có kêu tới bí thư tỉnh ủy cũng không làm được gì.
Chính bà con quyết định vận mệnh của mình, làm không được thì mang ra hội quán bàn. Chúng ta cần tìm cách hạn chế rủi ro trước khi chờ cơ quan chức năng ra tay" - ông Hoan gợi ý.
Làm nông nghiệp sạch từ đâu?
Theo GS Nguyễn Đăng Nghĩa - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, Đồng Tháp có mô hình hội quán, thông qua hội quán ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để sản xuất nông nghiệp sạch.
"Khi đó sẽ biết sản xuất thế nào là sạch bởi doanh nghiệp sẽ cho biết quy trình, cho biết sử dụng phân gì, thuốc gì" - ông Nghĩa nói.
TS Nguyễn Thị Phong Lan - trưởng bộ môn BVTV, Viện Lúa ĐBSCL - cho rằng cần nâng cao nhận thức cho nông dân. Theo bà Lan, mô hình hội quán của Đồng Tháp là điều kiện tốt để thông tin, tuyên truyền kiến thức của nhà khoa học tới những người trực tiếp sản xuất.
Ngoài ra, cơ quan chức năng ở địa phương cần quy hoạch sản xuất từng vùng theo điều kiện sinh thái để chọn giống cây phù hợp cho vùng đất đó.
Từ đó, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ hóa học khi cần thiết nhất và sử dụng những thuốc nào ít độc nhất; tăng cường sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ, chế phẩm BVTV hữu cơ, sinh học cho từng vùng sinh thái thì mới có nền nông sản sạch.
Là đơn vị lo "đầu ra" sản phẩm, ông Nguyễn Duy Hiển, giám đốc Saigon Co.op khu vực miền Tây, cho biết toàn hệ thống của đơn vị này chỉ khai thác khoảng 20 sản phẩm nông sản sạch trên tổng số 35.000 sản phẩm của hệ thống. Hiện lượng sản phẩm sạch chỉ được bán ở 14 siêu thị tại TP.HCM.
Ông Hiển kiến nghị cơ quan chức năng cần giúp người dân có kế hoạch sản xuất dựa trên nhu cầu thực tế, tránh tình trạng được mùa mất giá để siêu thị có nguồn hàng ổn định. Tiếp đến cần tập trung phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến sau thu hoạch.
Ông Hiển nêu dẫn chứng năm 2017 hệ thống siêu thị của Saigon Co.op mua khoảng 50 tấn thuộc nhóm sản phẩm cây sen của Đồng Tháp, nhưng chỉ là sản phẩm tươi, chưa có sản phẩm đóng hộp, mứt.
Ông Trương Thế Quốc (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Trương Việt):
Làm nông nghiệp sạch phải minh bạch
Vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất sạch, an toàn là tính minh bạch. Ví dụ như mô hình của công ty hợp tác cùng HTX Mỹ Lộc, H.Tam Bình (Vĩnh Long) để trồng lúa, chúng tôi minh bạch đầu vào, sử dụng phân bón sinh học thế nào, bao nhiêu...
Phía đối tác bao tiêu lúa là Co.op Mart cử kỹ thuật theo sát toàn bộ quy trình trồng cấy. Sau khi thu hoạch lúa, họ cũng kiểm tra toàn bộ chỉ số an toàn.
Mặc dù so với sản xuất truyền thống sản lượng không bằng, nhưng chất lượng lúa đảm bảo, được bao tiêu giá 7.200-8.000 đồng/kg.
Nếu mình làm đúng, làm bài bản, hiệu quả kinh tế không thấp hơn cách làm phổ biến hiện nay. Quan trọng là nông dân phải minh bạch đầu vào, đầu ra và tìm được thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu chắc chắn thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận