Đây là những hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện để cung cấp các kỹ năng tự bảo vệ, nâng cao nhận thức của người dân tại các địa phương về di cư an toàn. Một số dịch vụ hỗ trợ cũng sẽ được triển khai nhằm ngăn ngừa tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán người và bóc lột lao động.
Hoạt động đầu tiên sẽ được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ. Sau đó, các hoạt đồng này sẽ tiếp tục được tổ chức tại Bắc Ninh, Quảng Ngãi và Thanh Hóa trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 2-2014.
Tổ chức ILO cho biết, việc thiếu hiểu biết, không có thông tin là một trong những nguyên nhân chính khiến người lao động lâm vào các hoàn cảnh rủi ro. Theo báo cáo điều tra ban đầu của Dự án Hành động ba bên ILO nhằm bảo vệ người lao động di cư từ khu vực tiểu vùng sông Mekong tránh khỏi sự bóc lột lao động, không một lao động nào từ Thanh Hoá và Quảng Ngãi có dự định đi làm việc ở nước ngoài nắm được thông tin cụ thể về chi phí đi làm việc ở nước ngoài cũng như các quy định của Chính phủ về tiền dịch vụ, tiền môi giới và việc hoàn trả các khoản tiền này.
Một nửa trong số 300 người lao động được hỏi cho biết, họ không biết các kênh để đi làm việc ở nước ngoài và 95% không biết về quyền được giữ hộ chiếu khi làm việc ở nước ngoài. Cứ 2 trong số 3 người có dự định đi làm việc ở nước ngoài không biết một thông tin gì về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Hiện Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những giải pháp quan trọng liên quan đến di cư hợp pháp của lao động Việt Nam và bảo đảm sự an toàn của họ ở nước ngoài, trong đó đáng chú ý là việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ Lao động di cư (MRC) nhằm hỗ trợ thông tin và tư vấn liên quan đến lĩnh vực di cư lao động ra nước ngoài.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận