16/03/2019 12:33 GMT+7

Giúp học sinh có những 'bữa tiệc' trò chơi dân gian

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Cô Nguyễn Thị Vân Thu - tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Him Lam, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - là người đưa ra ý tưởng và giúp học sinh tại trường mình quây quần chơi với nhau các trò chơi dân gian.

Giúp học sinh có những bữa tiệc trò chơi dân gian - Ảnh 1.

Những trò chơi dân gian được cô Thu đưa vào trường giúp các em vừa học vừa vui chơi thoải mái - Ảnh: MINH TÂM

Cô nói cô muốn học trò mình lưu giữ trò chơi đặc sắc của ông cha ta ngày xưa, cũng như vui chơi thoải mái, thỏa trí sáng tạo, tràn đầy năng lượng trong học tập và có ký ức đẹp của tuổi thơ.

Quây quần với banh đũa, ô ăn quan...

Giờ ra chơi, tại sân Trường tiểu học Him Lam rộn rã tiếng cười nói của hàng trăm học sinh đang chơi trò chơi dân gian. 

Phía trên bục chính dành cho những ai thích chơi banh đũa. Phần giữa sân dành cho trò múa sạp cũng thu hút nhiều em tham gia. 

Riêng trò chơi đi gáo dừa, đi ván đôi cũng chiếm trọn diện tích sân bên phải. Còn góc trái có rất nhiều em say sưa nặn tò he với đủ hình dạng: trái ớt, con vịt, người tuyết... 

Cạnh đó, một nhóm em đang hào hứng chơi đá cầu. Em nào cũng thỏa sức nô đùa, bừng bừng sức sống, tràn đầy năng lượng và thật sự vui vẻ với nụ cười tươi tắn trên môi. 

Lê Gia Vu, lớp 5, đưa tay quệt mồ hôi trên trán, hồ hởi: "Vui lắm, nhờ vận động chạy nhảy khiến em thấy người khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ ngon. Tinh thần sảng khoái nên tiếp thu bài nhanh hơn".

Không chỉ chơi, các học sinh nói mình như đi vào miền cổ tích của trò chơi dân gian và học được các kỹ năng mềm theo từng trò chơi. 

Chẳng hạn như trò chơi múa sạp, khi chơi với nhau là rèn tinh thần làm việc tập thể với những bước nhảy nhịp nhàng, uyển chuyển, rộn ràng hòa trong tiếng "cách cách" thô mộc của những thanh tre chập vào nhau. 

"Vũ điệu của những bước nhảy đã gắn kết chúng em gần nhau hơn" - một học sinh chia sẻ.

Hoặc trò chơi banh đũa, đôi tay làm đủ các động tác quét, chụp banh, xoay bó đũa... đã rèn cho người chơi sự khéo tay, nhanh nhẹn và tinh mắt. Rồi trò chơi "đi hia gáo dừa", "đi hia ván", do phải dùng đôi tay huy động sức mạnh toàn thân để cố nhấc đôi chân bước nhanh đã giúp các em vận động toàn thân, rèn tính nhanh nhẹn và khéo léo. 

Riêng trò chơi tò he, các em thỏa sức tưởng tượng rồi điều khiển đôi tay khéo léo với những bột màu để nặn ra những gì mình thích, qua đó rèn tính tư duy và năng khiếu thẩm mỹ cần thiết.

Lê Ngọc Phương Anh, học sinh lớp 5, cười vui: "Em rất thích chơi banh đũa, múa sạp. Nó giúp tinh thần vui vẻ, có sức khỏe để học tập và đoàn kết bạn bè với nhau". 

Còn Phan Thị Mỹ Trang, học sinh lớp 3, thì nói rằng thích thú nhất với trò chơi nặn tò he vì mỗi ngày lại có thêm các nhân vật hoạt hình ưa thích như Xì Trum, Doraemon, người tuyết vào bộ sưu tập của em.

Bộ trò chơi hợp lứa tuổi

Cô Nguyễn Thị Vân Thu tâm sự bao ngày cô rất trăn trở trước tình trạng học sinh ngồi vào bàn học một cách uể oải, rồi trốn học chơi game, béo phì, hoặc ốm yếu vì thiếu chơi đùa vận động. 

Cô nghĩ đến việc tổ chức những trò chơi sao cho các em thật sự vui khỏe, não thật sự được nghỉ ngơi, để ghi nhớ những thông tin đã học cũng như tăng cường khả năng tư duy sáng tạo. 

Rồi cô liên tưởng đến kho tàng trò chơi dân gian mà đa số là vận động ngoài trời với nắng gió hào sảng sẽ giúp các em khỏe mạnh. 

Bên cạnh đó nó có nhiều thể loại phù hợp với nhiều độ tuổi người chơi.

Cô chia sẻ điều này với ban giám hiệu và được sự ủng hộ cao. Toàn bộ dụng cụ trò chơi dân gian, cô Thu tự mình làm hết. Cô đốn tre nhà trồng để lấy cây lớn làm thanh gõ dùng cho múa sạp. 

Còn những nhánh nhỏ, cô tẩn mẩn chuốt thành từng cái cần câu dùng để làm dụng cụ cho trò chơi câu cá. 

Cô còn chịu khó đi đến chùa xin gáo dừa, rồi lui cui về đục lỗ, xâu dây để làm "hia gáo dừa". 

Hễ dụng cụ nào bị hỏng, cô làm dụng cụ mới thay thế. Nhờ đó, dụng cụ của trò chơi dân gian lúc nào cũng đủ để học sinh toàn trường dùng.

Sau đó, cô thành lập các đội kỹ năng bằng cách tuyển chọn những em có năng khiếu ở khối 3, rồi huấn luyện dài đến năm lớp 5. Khi các em đã chơi rành rẽ, cô cho các em xuống hướng dẫn từng lớp. 

Nhờ cách làm bài bản như vậy nên tất cả học sinh trong trường đều thành thạo các trò chơi. 

Cô Thu còn chỉnh sửa bộ trò chơi mang màu sắc riêng phù hợp với những hoạt động trong trường, để gắn chung với các hoạt động trường lớp mỗi tháng, trò thì chơi, thầy cô làm ban giám khảo. 

"Mỗi lần như vậy, các lớp thi đua với nhau chứ không ganh đua, để rồi khi kết thúc, lớp nào cũng được quà bánh đem về liên hoan, khiến tinh thần bạn bè đoàn kết sẻ chia" - cô Thu nói.

Nhân rộng khắp các trường trong tỉnh

Thầy Nguyễn Văn Hà - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Him Lam - chia sẻ: "Từ ngày đưa trò chơi dân gian vào trường, hiện tượng học sinh bỏ học chơi game không còn nữa, cũng như giúp trẻ béo phì giảm cân, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát.

Có lẽ do vừa học vừa chơi nên tinh thần thoải mái, khiến các em năng động hẳn lên nên chất lượng học tập cũng nâng lên rõ rệt".

Từ năm 2018, Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Hậu Giang đã nhân rộng mô hình trò chơi dân gian của Trường tiểu học Him Lam ra các trường trong tỉnh.

Đà Nẵng đưa trò chơi dân gian vào trường học

TTO - Dịp hè này, các trường tại Đà Nẵng sẽ bắt đầu tổ chức các trò chơi dân gian như rồng rắn lên mây, múa sạp, nhảy dây, kéo co, ô ăn quan, cướp cờ...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên