16/08/2016 12:25 GMT+7

Giúp dân chài vượt khó

MAI HOA - VĂN ĐỊNH
MAI HOA - VĂN ĐỊNH

TTO - Giữa cái nắng 38oC của buổi trưa hè miền Trung, ông Chu Thế An (49 tuổi, thôn Hải Phong 1, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hì hụi đục đẽo mấy tấm gỗ.

*** Error ***
Bà Nguyễn Thị Việt (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vui mừng mang quà về nhà - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Ông đang sửa lại chiếc thuyền con vốn dùng đi biển gần bờ để đưa vào sông thả lưới kiếm thức ăn cho vịt.

Đã bốn, năm tháng nay nghề đi biển gặp khó khăn, vợ chồng ông An cũng như bao nhiêu người dân nơi đây phải cố gắng xoay xở tìm cho mình một kế khác để sinh nhai.

“Phải mần mà sống”

Ông An bị đau thanh quản đã mấy năm, tiếng nói khàn và nhỏ. Nhưng khi được hỏi về dự tính làm ăn, ông hoạt bát hẳn lên và dẫn chúng tôi đi tham quan công trình mới của ông. Cũng như những gia đình khác ở làng chài này, ông An và con trai đi biển, vợ ông ở nhà lo hậu cần.

Hồi đầu năm nay, ông mua 600 con vịt cho vợ ở nhà chăn thả cho đỡ buồn. Khi ấy ông đâu ngờ có ngày nó thành kế làm ăn chính của cả nhà.

Bình thường, những người chăn vịt chỉ cần kêu lên một tiếng là đàn vịt sẽ tự động chạy về ăn. Nhưng ông An bị đau thanh quản, không la lớn được nên phải lội bộ băng qua cánh đồng cỏ và lội qua chỗ cạn của con sông Quèn để lùa vịt về cho ăn thật vất vả...

“Phải mần mà sống, còn lo cho con đi học nữa” - ông An quả quyết. Ông An kể gia đình ông có ba con. Cô con gái lớn mới 20 tuổi đã lấy chồng, sinh con. Cậu con trai 19 tuổi cũng không được học nhiều giống như chị.

Ông An khoe cô con gái lớn của ông từng đỗ đại học nhưng vì nhà không có tiền nên phải nghỉ học, ở nhà lấy chồng. Chỉ còn đứa con gái út học lớp 6 là niềm hi vọng của cả gia đình nên ông bảo giá nào cũng phải cố gắng cho con đi học cao lên.

Mong được như... xưa

Đất đai vùng ven biển này không màu mỡ, lại nắng như thiêu nên cỏ cây nhiều nơi khô đến cháy ngọn. Diện tích đất có thể làm nông nghiệp được thì rất ít nên chuyển đổi nghề nghiệp được như hộ ông An không phải ai cũng đủ điều kiện làm.

Ở thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi, trưởng thôn Chu Văn Ngân kể có chừng 5-6 hộ xin vay vốn nuôi trâu bò. Trong lúc ông Ngân tiếp khách, vợ ông mang củi ra sân phơi. Từ ngày không làm dịch vụ hải sản cho người dân trong thôn nữa, bà tất tả lên đồi kiếm củi vụn về đun nước, làm thịt gà mang ra chợ làng bán.

Bà kể bằng giọng Quảng Bình véo von rằng mỗi ngày hai ông bà dậy sớm làm thịt khoảng chục con gà. Nhưng ông Ngân giải thích: “Tại hồi nớ bà mang cá vô tận Quảng Bình bán mãi rồi nói tiếng trong nớ luôn, chứ bà người Hà Tĩnh mình chứ mô”.

Bà nghe vậy đượm buồn, nói chỉ mong sao sớm trở lại được như ngày xưa, buôn bán ngược xuôi mà vui, người mua người bán đều hớn hở.

Dù sao, vợ chồng ông Ngân cũng còn kiếm được công việc khác để có chút tiền đắp đổi qua ngày. Những ngày ở xã Kỳ Lợi, chúng tôi gặp ông Võ Xuân Toàn đội nón lá đi loanh quanh. Ông than thở: “Tui sống về biển, nói mần việc khác tui nỏ biết mần chi. Cả đời đi biển, chừ ở nhà không ai mà chịu được”.

Ông Toàn kể đã vay mượn được một số tiền, sửa sang lại tàu bè để chừng nào lại ra khơi được, cha con ông sẽ đi ngay. Khát khao được làm việc, tự lo lấy cuộc sống cho gia đình mình là điểm chung của tất cả những người dân làng chài chúng tôi đã gặp những ngày này...

Gạo, nhu yếu phẩm đến tay người dân khó khăn

Sáng 15-8 tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chương trình “Thương về miền Trung” do Công ty Unilever Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã trao hơn 2.000 phần quà là nhu yếu phẩm (gạo, sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm vệ sinh cá nhân...) cho những gia đình gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Thiện Lâm, đại diện Unilever Việt Nam phát biểu tại chương trình
Quỳnh Châu cùng nụ cười rạng rỡ tất bật trao tặng quà cho bà con.
Đại diện công ty Unilever Việt Nam và lãnh đạo xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh trao quà cho bà con

Tính đến hết ngày 15-8, chương trình “Thương về miền Trung” đã trao hơn 24.000 phần quà hỗ trợ người dân tại 39 xã, thị trấn.

Ôm phần quà bên mình, bà Nguyễn Thị Việt (70 tuổi, ở thôn Vĩnh Thuận, xã Kỳ Ninh) vui mừng nói: “Hiện tại cuộc sống của người dân chúng tôi quá khó khăn nên mỗi phần quà đến với bà con ở đây rất ý nghĩa”.

Ông Nguyễn Thiện Lâm, đại diện Công ty Unilever Việt Nam, cho biết sau sự cố môi trường biển, công ty cùng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kêu gọi người dân cả nước cùng đóng góp, giúp đỡ người dân bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế gặp khó khăn.

Hơn 50.000 phần quà mà chương trình “Thương về miền Trung” phát động được là tấm lòng của người dân cả nước hướng về người dân khúc ruột miền Trung. Do đó những người thực hiện chương trình mong những phần quà này đến với người dân miền Trung sẽ giúp bà con cải thiện đời sống, vơi đi những khó khăn, nhọc nhằn hằng ngày.

MAI HOA - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên