02/04/2016 11:46 GMT+7

Giúp con an toàn trước “yêu râu xanh”

THÁI BÌNH (thaibinh@tuoitre.com.vn)
THÁI BÌNH ([email protected])

TTO - Những vụ quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em gần đây, cùng với những cảnh báo về sự gia tăng loại tội phạm này khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng.

Buổi học về giáo dục giới tính do Trung tâm giá trị sống - kỹ năng sống YMCA tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: T.Bình
Buổi học về giáo dục giới tính do Trung tâm giá trị sống - kỹ năng sống YMCA tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: T.Bình

Cứ mỗi lần có dịp trò chuyện với các bậc cha mẹ về xâm hại tình dục trẻ em, bác sĩ Nguyễn Lan Hải lại kể “tội” họ: cho con ăn mặc hở hang, “bao cấp” quá đáng khiến con không biết cách tự bảo vệ, lơ là mất cảnh giác...

Nhưng “tội” lớn nhất của cha mẹ, theo bà Hải, chính là không giáo dục giới tính từ sớm và trang bị cho con chiếc khiên phòng vệ trước “yêu râu xanh”.

Nếu cha mẹ, thầy cô không chủ động cung cấp kiến thức, định hướng cách ứng xử đúng đắn thì trẻ sẽ tự tìm kiếm qua bè bạn, sách khiêu dâm, phim đen. Khi hiểu sai và làm theo bản năng, trẻ rất dễ bị xâm hại và xâm hại người khác

Tiến sĩ NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

“Song kiếm” phòng thân

Với “luật bàn tay”, cha mẹ có thể chia bàn tay thành năm vòng tròn giao tiếp đồng tâm.

Vòng tròn nhỏ nhất trong cùng dành cho các giao tiếp với người thân ruột thịt như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột...và con chỉ có thể cho những người này ngồi gần, ôm ấp, ẵm bồng thôi.

Vòng tròn thứ hai: con trẻ có thể nắm tay thầy cô, bạn bè, họ hàng.

Tiếp theo, con có thể bắt tay với những người quen.

Ở vòng tròn thứ tư, dành cho người lạ, bé chỉ cần vẫy tay.

Với vòng tròn ngoài cùng, con cần xua tay, không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà con cảm thấy bất an tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.

Để con “thuộc bài”, cha mẹ có thể chơi trò xếp người (cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người quen, người lạ...) vào các vòng tròn và cách ứng phó phù hợp khi giao tiếp, nếu con làm tốt thì khen tặng thật lòng.

Ngoài ra, cha mẹ có thể thường xuyên đặt câu hỏi tình huống cho trẻ trổ tài ứng xử, chơi trò sắm vai giải quyết tình huống, thi vẽ năm vòng tròn vào lòng bàn tay...

Đi cùng với “luật bàn tay” là “quy tắc đồ lót”. Bà Lan Hải gọi phần thân thể được đồ lót che phủ là “vùng đồ lót” của mỗi người.

Cha mẹ cần lưu ý trẻ: bộ phận sinh dục là “tài sản riêng” của con, không ai được phép xâm phạm, sờ mó, đụng chạm vào trừ cha mẹ, ông bà, cô bảo mẫu khi tắm rửa làm vệ sinh và thầy thuốc khi thăm khám.

“Nếu ai làm con khó chịu, sợ hãi, phải biết phản kháng để chấm dứt hành động ấy” - bà Hải nói.

Theo bà Lan Hải, cha mẹ cần dạy con trẻ yêu cầu “ai đó” dừng hành vi chạm vào “vùng đồ lót” của mình, còn nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì phải hét lên và bỏ chạy, sau đó kể cho người lớn biết.

Ngược lại, con trẻ cần tôn trọng, không đụng chạm dù là bên trong hay bên ngoài “vùng đồ lót” của người khác.

Đợi khi con lớn hơn, cha mẹ dạy thêm những “bài” khó hơn, chẳng hạn như nhìn chằm chằm vào “vùng đồ lót” của người khác hoặc bình phẩm về nó là thô thiển. Đùa giỡn vào phần thân thể gần “vùng đồ lót” của bạn bè là hành vi thiếu lịch sự.

Bà Hải lưu ý cha mẹ không nựng nịu, vuốt ve, mân mê “vùng đồ lót” của con mình cũng như của trẻ khác. “Làm như thế sẽ khiến con trẻ hiểu sai rằng: đụng chạm vào “vùng đồ lót” là một cách biểu lộ sự quan tâm thân mật” - bà Hải phân tích.

Đến khi bị kẻ xấu sờ mó, con trẻ cứ tưởng đó là “chuyện nhỏ” nên không phản ứng, thành ra mất cảnh giác trước những đụng chạm có dụng ý xấu và không biết đề phòng nguy cơ bị xâm hại.

Cũng vậy, bà Hải nhấn mạnh các thành viên trong nhà không bình phẩm, chế giễu, đùa giỡn, chê bai “vùng đồ lót” cũng như những bộ phận khác trên cơ thể con, khiến con khó chịu, ấm ức và có thể dẫn đến những ám ảnh, mặc cảm, tự ti, lệch lạc về tình dục sau này.

Sống chung với “yêu râu xanh”

Theo các chuyên viên tâm lý giáo dục, “yêu râu xanh” có mặt khắp nơi và giải pháp chính vẫn là đề phòng. Trước tiên, con trẻ cần được trang bị kiến thức đúng về giới tính và sức khỏe sinh sản.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP.HCM) phân tích: “Nếu cha mẹ, thầy cô không chủ động cung cấp kiến thức, định hướng cách ứng xử đúng đắn thì trẻ sẽ tự tìm kiếm qua bè bạn, sách khiêu dâm, phim đen. Khi hiểu sai và làm theo bản năng, trẻ rất dễ bị xâm hại và xâm hại người khác”.

Nhưng đấy lại là “món khó nuốt” của cha mẹ, thầy cô. Giải pháp là, theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cha mẹ cần chủ động nạp kiến thức cho chính mình, và người lớn cần nói “chuyện khó nói” với con một cách thật tự nhiên giống như cách nói của thầy thuốc, trên nền tảng kiến thức y khoa, thêm một chút dí dỏm càng tốt.

Anh Trần Tuấn Huy, giám đốc Trung tâm giá trị sống - kỹ năng sống YMCA, cho rằng con trẻ cần biết nhận diện các hành vi quấy rối: đụng chạm, vuốt ve, nói chuyện dâm ô...

Trẻ cần cảnh giác các bối cảnh có thể dẫn đến xâm hại tình dục: đi chơi về khuya, ở nơi vắng vẻ hữu tình, ở nhà hoặc trong phòng một mình với người khác phái, uống rượu bia hoặc dùng chất kích thích, sập bẫy thuốc mê, người lạ dụ dỗ bằng vật chất, xem phim “đen”, ăn mặc hở hang, đụng chạm cơ thể...

Nếu lỡ con trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm? Anh Huy tư vấn cho các phụ huynh cần chuẩn bị cho con trẻ đối phó tình huống này: “Phải bình tĩnh, khôn ngoan, thậm chí hòa hoãn, giả bộ đồng tình để tìm cách thoát khỏi tình huống. Báo tin cho cha mẹ, thầy cô hay công an chỉ là chuyện phải làm tiếp sau đó”.

Anh Huy cho rằng con trẻ cần được học và thực hành thành thạo các thế võ thoát thân khi bị ôm chầm, nhấc bổng, nắm tay, ôm từ sau lưng...

“Các thế võ ấy có khi chỉ được sử dụng một lần trong đời nhưng cứu được cả cuộc đời” - anh Huy nhấn mạnh.

Thế nhưng, theo anh Huy, có không ít bé gái mới lớn bị xâm hại do chính bạn trai của mình. Con gái thích nghe những lời ngon ngọt, khen tặng... rồi những va chạm nhẹ nhàng đánh thức cảm xúc, nếu không tỉnh táo rất dễ nhận lãnh hậu quả đáng tiếc.

THÁI BÌNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên