TTCT - Giường tái chế giúp Thế vận hội ở Pháp giảm 50% lượng phát thải so với mức trung bình của London 2012 và Rio 2016. Đó là ở làng vận động viên. Vậy nhà chúng ta có nên sắm một chiếc giường bìa cứng tương tự? Giường bìa cứng ở Paris 2024.Giường tái chế làm bằng bìa cứng thế là đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong hai kỳ Thế vận hội gần nhất - Tokyo 2020 và Paris 2024. Liệu sản phẩm này có thể lan ra đời sống bên ngoài, để ai thích sống xanh cũng có thể "ngủ xanh" trên chiếc giường thân thiện với môi trường?Dù chưa nhiều nhưng trên thị trường đã có sản phẩm thương mại giường ngủ làm bằng bìa cứng như loại giường phục vụ vận động viên Olympic. Ngoài ra, giới sản xuất nệm nhiều năm gần đây cũng rất tích cực tìm cách giải bài toán bền vững, nhất là khi nệm cũ là thứ rất khó tái chế và thường bị vứt ngoài bãi rác.Giường bìa cứng cho mọi nhà?Airweave (Nhật) là nhà cung cấp giường cho vận động viên tại hai kỳ Olympic liên tiếp vừa qua (phần khung bìa cứng từ Tokyo 2020 được tái sử dụng cho Paris 2024). Ngoài ra, Airweave còn tạo ra nệm bằng dây đan lưới đánh cá tái chế. Sau Paris 2024, chỗ nệm này sẽ được quyên tặng các tổ chức từ thiện.Giường tái chế giúp Thế vận hội ở Pháp giảm 50% lượng phát thải so với mức trung bình của London 2012 và Rio 2016. Đó là ở làng vận động viên. Vậy nhà chúng ta có nên sắm một chiếc giường bìa cứng tương tự? Wirecutter - chuyên trang đánh giá sản phẩm của báo The New York Times - đã nghiêm túc trả lời câu hỏi này, với bài đánh giá tỉ mỉ và công tâm hai loại giường bìa cứng trên trường Mỹ hôm 25-7.Nhóm trải nghiệm của Wirecutter cho biết do loại giường bìa cứng ở làng vận động viên không bán trên thị trường nên họ đã đánh giá hai loại giường bìa cứng khác là Bett 2.0 của Công ty Room in a Box và giường của Công ty Yona, đều cỡ Queen (1,6x2m).Hai chiếc giường này được kiểm tra theo các tiêu chí: lắp ráp khó hay dễ, độ thoải mái, độ bền và các chi tiết khác. Chiếc giường Yona được tặng cho cho một phụ nữ vừa chuyển nhà trọ và giường Bett 2.0 được một nhóm đa dạng về tuổi tác và nghề nghiệp nằm thử (có trả công). Rose Maura Lorre, người viết đánh giá trên Wirecutter, ngủ trưa, đọc sách, làm việc trên máy tính… trên cả hai loại giường.Kết quả đầu tiên cần nói tới là dù ta dễ có ấn tượng là giường bìa cứng nhẹ và dễ… sập, trên thực tế chúng không hề mong manh mà đều mang lại cảm giác vững chắc cần thiết, theo những người thử nghiệm. "Giống như nằm trên giường bình thường, rất thoải mái, không cứng quá" - người phụ nữ trải nghiệm giường Yona cho biết. Trong khi đó, một trong số những người trải nghiệm với giường Bett 2.0 cho biết đã cố gắng tìm những điểm khác biệt của giường bìa cứng như làm người nằm bị võng lưng, nhưng kết quả hoàn toàn "không có chuyện đó".Giường Bett 2.0. Ảnh: Room in a BoxCông ty Room in a Box tuyên bố giường Bett 2.0 có thể chịu được trọng lượng lên tới 272kg. Công ty Yona thậm chí khẳng định rằng giường bìa cứng của họ có thể chịu tải trọng đến gần 3.200kg, tương đương chất được 35 người tầm 90kg/người.Nhóm đánh giá không đi đến cùng bằng cách thử nghiệm trọng lượng nào sẽ làm sập giường; tuy nhiên họ đã nhảy trên cả hai chiếc giường vài phút và chúng đều không có bất kỳ hư hỏng rõ ràng nào. Kết luận quan trọng là giường bìa cứng Yona và Bett 2.0 ngang ngửa với giường tiêu chuẩn về độ chắc chắn.Tuy nhiên, kiểu dáng là một bất lợi. Nhìn từ bên ngoài, khung giường bìa cứng là một đường bìa cứng ngoằn ngoèo. Tùy thuộc nội thất, nó có thể rất nổi bật hoặc hoàn toàn lạc quẻ trong không gian phòng ngủ của gia chủ. Giường Bett 2.0 chỉ có màu nâu bìa cứng tự nhiên trong khi giường Yona có bốn màu: đen, trắng, xanh đậm và màu nâu "tự nhiên" - tức của bìa cứng,Giường bìa cứng Bett 2.0 và Yona đều không cần dụng cụ để lắp ráp và có thể hoàn thành việc ghép các tấm bìa thành khung giường trong 10-30 phút. Tuy vậy, nếu muốn một chiếc giường bìa cứng vuông vức thì sẽ hơi khó. Dù được quảng cáo là một người có thể dễ dàng lắp ráp giường bìa cứng, quá trình thử nghiệm cho thấy đây là công việc cần hai người vì không phải ai cũng đủ khỏe để tự nâng và kê một tấm nệm nặng.Điểm bất tiện của giường bìa cứng Yona và Bett 2.0 là không có ngăn cất đồ bên dưới - đây là điểm trừ với ai cần tối ưu không gian chứa đồ. Loại bìa cứng cũng bất tiện nếu được dùng để làm giường tạm cho khách - khung gấp lại và đem cất thì dễ, nhưng nệm biết để đâu? (Hai công ty đều lưu ý khách hàng nên dùng nệm dày từ 10cm trở lên).Cách lắp ráp giường Yona. Ảnh chụp màn hìnhƯu điểm của giường bìa cứng không hề ít, đặc biệt là yếu tố xanh - có thể tái chế 100% là không cần bàn cãi nhiều. Công ty Yona tuyên bố rằng giường của họ "được làm chủ yếu từ bìa cứng tái chế và giấy nguyên bản từ rừng trồng bền vững". Giường Bett 2.0 cũng được làm từ "70% giấy bìa tái chế sau tiêu dùng, phần còn lại là sợi nguyên chất từ rừng trồng theo các tiêu chuẩn bền vững và đạo đức. Giường Yona được bảo hành năm năm trong khi công ty sản xuất giường Bett 2.0 khẳng định giường của họ có thể sử dụng tốt trong 10 năm".Tuy nhiên, tính bền vững của sản phẩm còn liên quan thời gian người ta sử dụng nó. Dùng một món đồ càng lâu, tác động môi trường của nó càng được khấu hao. Nhóm thử nghiệm không tin giường bìa cứng sẽ được sử dụng trong nhiều năm. Nhưng nếu nó là một sản phẩm "mì ăn liền" dành cho những mục đích ba bảy hai mốt ngày thì rất có thể giường bìa cứng cũng không thực sự xanh.Về giá cả, nhiều người có thể vội cho rằng giường bìa cứng rẻ hơn giường gỗ. Tuy nhiên, giường bìa cứng Yona cỡ Queen đang bán với giá 180 USD và giường Bett 2.0 cùng cỡ có giá 220 USD. Những chiếc giường gỗ bình dân trên thị trường chỉ cao hơn đôi chút - từ 10 đến hơn 100 USD nhưng lại có toàn bộ những ưu điểm của "giường thật".Nhóm trải nghiệm cho rằng để trang bị rồi lại tháo dỡ hàng ngàn chiếc giường trong thời gian ngắn như cho Làng vận động viên ở Olympic, giường bìa cứng là phù hợp; nhưng để sử dụng ở nhà, giường bìa cứng có thể không có đủ lợi thế để khách hàng móc hầu bao.Để nệm xanh hơnMột tấm nệm có thể dùng từ 8-10 năm, thậm chí lâu hơn nhưng đến một lúc nào đó, ta phải bỏ chúng đi. Chỉ riêng ở Anh, mỗi năm có 7 triệu tấm nệm cũ bị vứt, còn Mỹ là khoảng 18 triệu, theo The Furniture Recycling Group.Các chuyên gia ngành nệm và tái chế đều đồng tình rằng nệm cũ rất khó tái chế. Dù nhiều thành phần như lò xo thép, gỗ - về lý thuyết là có thể tái chế được - nhưng do kết hợp với nhau, việc tái chế khó mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, các quốc gia và công ty đang nỗ lực để thu gom và tái chế các thành phần của nệm và tăng tỉ lệ nguyên liệu tái chế trong sản xuất nệm mới.Tại Bỉ, nệm cũ bắt buộc phải được thu gom để tất cả các thành phần của nệm được tái chế để làm vật liệu cách điện, thảm tập thể dục, đệm lót cho ghế xe hơi… Thông thường, lò xo thép (chiếm khoảng 45% trọng lượng của nệm) được nấu chảy để tạo thành thép mới. Gỗ từ đế nệm sẽ được dùng làm đế mới nếu còn tốt, được cắt nhỏ để làm vườn hoặc làm gỗ tái chế. Những thứ không thể tái chế như sợi, được thu hồi để đốt làm năng lượng.Mút xốp là thành phần khó tái chế nhất. Xốp được làm từ nhiên liệu hóa thạch và không phân hủy sinh học. Hiện nay, xốp của nệm có thể tái sử dụng để làm các tấm trải sàn, chủ yếu là lớp lót thảm nhưng điều đó là chưa đủ. Thách thức lớn hơn là làm sao để tái chế mút xốp từ nệm cũ.Thu gom và tái chế nệm. Ảnh: IKEAIKEA, công ty bán lẻ đồ nội thất nổi tiếng của Thụy Điển, đang nghiên cứu để tạo ra polyol, hợp chất hữu cơ là thành phần chính để tạo nên mút xốp từ nệm cũ. Hiện nay, một số phần của polyol có thể thay thế bằng polyol từ các nguồn tái tạo như đậu nành, dầu thầu dầu và hạt cải dầu. Tuy nhiên, tỉ lệ này đang giới hạn ở khoảng 13% trong thành phẩm và polyol vẫn chủ yếu là từ nhiên liệu hóa thạch. Trong nghiên cứ tiến hành ở Hà Lan, mút xốp từ nệm cũ tái chế, tạo ra polyol và được dùng tạo ra xốp mới.Mục tiêu của IKEA là đến năm 2025, hàm lượng tái chế và/hoặc tái tạo trong polyol dùng trong sản xuất xốp là 20%. Kết quả sơ bộ của các nghiên thử nghiệm hiện nay cho thấy mục tiêu này có thể đạt được. Hơn nữa, công nghệ tái chế polyol đang phát triển nhanh chóng và sẽ giúp ngành nệm tìm ra giải pháp tốt hơn để tái chế nhiều hơn. IKEA cam kết sẽ giảm dần các nguyên liệu ít bền vững bằng các nguyên liệu tái chế hoặc có thể tái tạo từ năm 2030. Ảnh: LayerLayer, công ty của Anh đang hợp tác với công ty khởi nghiệp Mazzu của Trung Quốc để tạo ra một loại nệm hoàn toàn khác với nệm truyền thống. Ý tưởng đột phá mang lại khác biệt cho nệm Mazzu Open là một hệ thống môđun hình ống, được ghép với nhau. Ống được bọc bằng vải, bên trong có lò xo. Nệm hoàn toàn không có xốp và mang lại cảm giác thoải mái như nằm nệm lò xo. Nệm có thể điều chỉnh độ mềm, cứng theo số lượng ống lò xo trong hệ thống, thậm chí có thể tùy chỉnh độ cứng mềm theo từng bên giường theo sở thích của người sử dụng. Những môđun bị hỏng có thể thay thế dễ dàng. Khi chuyển nhà, ta chỉ việc tháo từng ống nệm ra và đóng gói. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Tái chếGiường tái chếBền vữngBảo vệ môi trườngVật liệu tái chế
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.