Sự sụt giảm sức mua trong và ngoài nước là một trong những lý do khiến các địa phương là thủ phủ sản xuất điện thoại di động, ô tô... có tăng trưởng kinh tế âm trong quý 1-2023. Quý 1-2023, tiền từ tín dụng ngân hàng cũng thấp nhất trong ba năm qua, chỉ tăng 2,03%, không như nửa cuối năm 2022, nay ít người vay. Nền kinh tế đang hụt dòng tiền khiến sản xuất kinh doanh ế ẩm, giảm thu nhập, ít việc làm.
Nhưng đưa tiền ra xài lại là thử thách không dễ vượt qua. Biện pháp giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để đẩy vốn ra vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Lúc này vay mà không quay vòng thu hồi vốn về cũng dễ... chết.
Có kênh đưa tiền được kỳ vọng là đầu tư công, trên 700.000 tỉ đồng. Chính phủ đang quyết liệt thúc bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn công, các tổng công ty nhà nước tăng tốc đầu tư. Nguồn vốn mồi này nếu ra thị trường sẽ kích hoạt trở lại tiêu dùng, thu hút dòng vốn đầu tư khác. Nhưng giải ngân vốn công luôn "va đầu" vào thủ tục, đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong cái rủi có cái may. Thực trạng "đứng hình" của thị trường bất động sản, dù làm suy giảm tăng trưởng kinh tế nhưng lại dễ thở hơn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư công. Nếu đất còn mỗi ngày một giá, không biết đến khi nào mới có thể hoàn tất những điểm da beo trong giải phóng mặt bằng. Nhưng còn thủ tục? Đây là thử thách cho mọi đơn vị sử dụng vốn công.
Vì sao Bộ Giao thông vận tải lại có tốc độ giải ngân vốn công cao? Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của bộ, nhưng đi kèm là những cơ chế đặc thù, tháo gỡ "vô tiền khoáng hậu" của Chính phủ về khai thác mỏ, môi trường... đã áp dụng cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Vì sao quý 1-2023 TP.HCM mới giải ngân được 2% vốn công trong kế hoạch trên 70.000 tỉ đồng và phải đến sau tháng 6-2023, tăng trưởng của TP.HCM mới trở lại. Đó là lúc vốn công - qua dự án đường vành đai 3 khởi công, từ lúc này tiền mới chảy ra.
Đó cũng là thời điểm nhiều dự án được bố trí vốn hoàn thành thủ tục để triển khai. Tóm lại, có tiền nhưng do thủ tục, phải giữa năm tiền mới chạy. Sao tiền không chạy ngay từ đầu năm? Tiền chạy sớm, kinh tế sẽ bớt ảm đạm.
Có thông tin cho rằng TP.HCM giải ngân vốn công chậm là do làm theo quy trình, phải chờ dự án được ghi vào danh mục bố trí vốn, rồi mới tiến hành các thủ tục tư vấn, mời thầu... mất vài tháng, đến giữa năm tiền mới chạy. Còn nơi khác thì sao?
Địa phương bạn chấp nhận để doanh nghiệp ứng vốn làm thủ tục trong khi chờ dự án đươc ghi vào danh mục đầu tư, có tên rồi, mọi việc đã vào đường chạy, có thể giải ngân. Có rủi ro không? Có. Nếu dự án không được bố trí vốn, doanh nghiệp sẽ mất vốn đã ứng, thậm chí rơi vào cảnh "cầm đèn chạy trước ô tô", dễ bị thổi còi...
Liệu TP.HCM có làm được vậy không? Khó. Vì vốn và danh mục đầu tư công của TP.HCM quá lớn. Hơn nữa làm vậy có gì sai sai, chưa ổn. Thôi, theo quy trình mà làm. Chậm để ít sai! Nhưng chẳng lẽ cứ để tình trạng trên cứ thúc, thúc từ đầu năm nhưng giữa năm mới có đà chạy!
Rõ ràng, giải ngân vốn đầu tư công để giữ nhịp cho tăng trưởng kinh tế là thử thách mà không chỉ TP.HCM, các địa phương và bộ ngành cũng phải đối mặt và "cắn răng" bước qua, nếu muốn tiền chạy ngay từ nửa đầu năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận