Mặt chính diện tòa nhà bên phải khu nhà Chú Hỏa, hiện nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Đây là nơi Tổng thống Bill Clinton tiếp khách khi thăm TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Tiệm cầm đồ đầu tiên là tòa nhà góc đường nay là 2 đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình, thuộc phường Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM). Đối diện tiệm cầm đồ của ông thuở đó vẫn là một khu đất trống.
Ba ngôi nhà mua cho con thành ba tòa nhà lộng lẫy
Ông đã dành dụm tiền mua khu đất này và xây dựng 3 căn sát nhau, mỗi căn cho một người con trai. Căn giữa cho người con trai lớn có đặt bàn thờ tổ tiên. Chắc ba căn nhà này cũng khá đặc biệt, thể hiện sự giàu có của một trong “tứ đại phú gia” Sài Gòn xưa, cho nên từ khi ấy dân gian đã gọi 3 căn nhà chung một tên gọi là “nhà chú Hỏa”.
Tương truyền khi thiết kế, dinh thự này có một trăm cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ. Thế nhưng, Toàn quyền Đông Dương khi duyệt thiết kế đã bắt chủ nhân bỏ đi một cửa và không được mở cổng chính với lý do cổng này to hơn cổng dinh Toàn quyền, vậy nên hiện nay dinh thự chỉ có chín mươi chín cửa. |
Quần thể “nhà chú Hỏa” gồm ba tòa nhà của gia tộc họ Huỳnh được bao bọc bởi 4 con đường mà nay là các đường: Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình, Calmet và Lê Thị Hồng Gấm, thuộc địa bàn phường Nguyễn Thái Bình (Q.1), trên khuôn viên khoảng 3ha.
Sau khi cha mất (1901), năm 1925 các con trai của ông đã nhờ hai kiến trúc sư người Pháp là Paul Veysseyre và Kruze vẽ đồ án cho khu “nhà chú Hỏa”, xây dựng theo hướng liên kết ba khối nhà của ba người con (có tài liệu nói tòa nhà đã khởi công xây dựng từ năm 1929, hoàn tất 5 năm sau đó).
Từng tòa nhà đều được thiết kế rất đẹp và độc đáo theo phong cách art décort, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á - Âu, với kỹ thuật xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với tường nhà được đúc kiên cố, dày từ 40-60cm, kết hợp một cách hài hòa của kiến trúc phương Đông trong trang trí.
Bên ngoài, cột ốp gốm và các trang trí bằng gốm trên mái nhà…
Phòng trưng bày tranh trên lầu của tòa nhà đẹp nhất hiện nay. Theo nhân viên bảo tàng, Tổng thốngi Bill Clinton từng tiếp khách tại đây khi thăm TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Sân sau của tòa nhà 97A còn giữ lại đẹp nhất trong 3 căn nhà. Tại sân này, ở cuối ảnh, 2 bên cầu thang là tượng Petrus ký và Quách Đàm - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Căn nhà phía tay trái từ cổng đường Phó Đức Chính vào, xây dựng trên nền của tiệm cầm đồ đầu tiên khởi nghiệp của Chú Hỏa, được chia cho 1 trong 3 người con của Hui Bon Hoa - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Gốm xanh được ốp ở các dãy cột, con tiện, diềm mái... - Ảnh: THUẬN THẮNG |
... và cả ở những hoa văn trang trí gần mái. Sự chắc chắn của tòa nhà cũng thể hiện ở đây: ít bám bụi (nếu dùng vôi theo thời đó) và cũng dễ lau chùi - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Ba tòa nhà được xây dựng rất kiên cố, chắc chắn với trần rất cao. Các bậc thang làm bằng đá cẩm thạch. Các tòa nhà này có nhiều phòng, mỗi phòng đều có đèn treo từ trần và lót gạch bông vẫn còn như xưa.
Ban ngày, ánh sáng có thể vào tận các hành lang và phòng nếu mở tất cả cửa.
Cầu thang trong khu nhà Chú Hỏa với lan can sắt đặc uốn rất mềm mại và bậc thang đá - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Tất cả cửa chính, cửa sổ trong tòa nhà đều được thiết kế không đối diện nhau, kích thước của từng cửa sổ và cửa lớn đều không giống nhau. Hầu hết cửa sổ đều được làm bằng gỗ thao thiết kế “lá sách” để đón gió và ánh sáng.
Tượng gốm màu cực kỳ tinh xảo ở một góc đầu hồi khu nhà sau gần một thế kỷ xây dựng gần một thế kỷ vẫn khoe vẻ tráng lệ - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Cả ba tòa nhà đều có tầng hầm, tầng trệt và hai tầng lầu. Trong các tòa nhà này từng tồn tại nhiều đồ vật có giá trị mỹ thuật bằng nhiều chất liệu và có giá trị thẩm mỹ; từ đồ gỗ cẩn ốc xà cừ, đồ gỗ chạm tinh xảo, đồ gốm… Đây là dinh thự nổi tiếng nhất thời bấy giờ bởi sự hoành tráng.
Cả ba tòa nhà được xây dựng để sử dụng làm tòa biệt thự cho gia đình dòng họ Hui Bon Hoa, cũng như các văn phòng của công ty địa ốc mang tên “Hui Bon Hoa, cha và các con”. Đây cũng là lý do tại sao có rất nhiều phòng nhỏ trong tòa nhà.
Chiếc đòn gánh trong tủ pha lê chính giữa tòa nhà
Bên trong tòa nhà chính giữa của khu “nhà chú Hỏa”, từ những ngày tháng 5-1975, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy tận mắt một chiếc đòn gánh đặt trân trọng trong tủ pha lê ở khu vực trong cùng ở chính giữa căn nhà, tức ngay gian thờ.
Lúc đó, tôi đã nghe người ta nói nhiều về việc chú Hỏa đã cho thờ cái đòn gánh thuở hàn vi là để nhắc cháu con đừng quên quá khứ của gia đình, rằng gia đình này đã thoát nghèo bằng cách gì, đã giàu lên nhờ cái gì.
Chiếc đòn gánh tượng trưng cho sự tảo tần, cho lao động nhọc nhằn và mải miết, cho những tháng năm gồng mình gánh chịu biết bao gánh nặng mưu sinh, và cũng tượng trưng cho một quyết tâm đổi đời, một nội lực dữ dội dưới đôi vai.
Tòa nhà bên phải khu dinh cơ chú Hỏa, góc trái ảnh là tòa nhà chính. Tất cả hiện nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Tòa nhà chính khu nhà Chú Hỏa, vốn là nơi Chú Hỏa dành cho con trai trưởng Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa) và là nơi đặt bàn thờ, di vật xưa của Chú Hỏa thời tạo dựng trong đó có chiếc đòn gánh đặt trong tủ kính pha lê - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Những di vật xưa của tòa nhà Chú Hỏa hiện là những hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Giữa thập niên 1980, khi tòa nhà giữa này được sử dụng là trung tâm thông tin triển lãm của Sở Văn hóa thông tin TP.HCM, tôi có nhiều dịp đến ngôi nhà này và không còn thấy chiếc tủ pha lê và cây đòn gánh của chú Hỏa nữa.
Tòa nhà hiện mang số 97A đường Phó Đức Chính hiện sử dụng làm một trong ba nơi trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngày xưa là nhà ở và là nơi kinh doanh ngành cầm đồ của gia đình ông Huỳnh Trọng Huấn - con trai trưởng của chú Hỏa.
Ngôi nhà này khi xưa mang tên hiệu là “Huỳnh Vinh Viễn đường” tức là nhà Vinh Viễn - ngôi nhà của sự vinh hiển dài lâu của dòng họ Huỳnh như lời ca ngợi của cặp liễn đối hiện tồn ở hai bên cửa chính ngôi nhà. Phía trên cổng vẫn còn logo với chữ “H.B.H” - Hui Bon Hoa.
Câu đối hai bên tòa nhà bên phải 97A: Văn tảo lưu phương, biệt thác hải thiên đường cấu (phải), Tử chi dục tú, duẫn nghi phú quý vân nhưng (trái - phần thấy rõ). Tạm dịch: Vẻ văn chương lưu tiếng thơm, tạo dựng cơ đồ sánh ngang trời biển/Cỏ chi tím rực hoa đẹp, xứng với cháu con phú quý muôn đời - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Cửa cồng và nhiều chi tiết trong tòa nhà Chú Hỏa có ba chữ H.B.H (hui Bon Hoa) - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Mặt bằng tổng thể khối nhà hình chữ U, cao 3 tầng, mái lợp ngói. Tòa nhà có bố cục gồm 2 dãy nhà ngang và một dãy nhà dọc khép kín, giữa có một sân trống gọi là giếng trời.
Ngay chính giữa khu tiền sảnh của căn nhà, nằm ngay sau cửa chính có 1 thang máy làm đầu thế kỷ 20, giống như thang máy cổ xưa ở Paris, vẫn còn chạy nhưng ít dùng.
Người ta nói rằng thang máy bằng gỗ này là chiếc thang máy đầu tiên ở Sài Gòn.
Thang máy xưa trong tòa nhà Chú Hỏa, có người nói đây là thang máy đầu tiên ở Sàn Gòn - ảnh: THUẬN THẮNG |
Tổng thống Bill Clinton chọn “nhà chú Hỏa” để tiếp quan chức TP.HCM
Khi Tổng thống Bill Clinton sang Việt Nam, chính Lãnh sự quán Mỹ đã chọn tòa nhà này của Bảo tàng Mỹ thuật để tổng thống tiếp các quan chức TP.HCM, có lẽ do một điểm đặc biệt là sân sau của tòa nhà rất kín, được bao bọc bởi kiến trúc phía trên, từ phía ngoài khó quan sát được.
Năm 1933, tờ báo The Times của Trung Quốc nhận xét rằng khu “nhà chú Hỏa” là tòa nhà sang trọng bậc nhất tại Sài Gòn. Với Tổng công ty địa ốc Hui Bon Hoa, dòng họ Hui Bon Hoa nổi tiếng về sự giàu có ở Đông Dương, khiến nhà cầm quyền Pháp phải kính nể.
Chính thức thành lập từ 1987 và đưa vào hoạt động năm 1992, đến nay số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã lên đến gần 20.000, trên diện tích hơn 4.000m². Đây là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động triển lãm và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Tháng 5-2012, tòa nhà của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được công nhận là di sản văn hóa vật thể cấp thành phố. Cấu trúc bên trong và chức năng của tòa nhà hiện bao gồm: tầng hầm dành cho khối văn phòng làm việc, tầng trệt dành cho các gallery hoạt động triển lãm và kinh doanh tranh như Không Gian Xanh, Lạc Hồng, Nhật Lệ, Spring...; lầu 1 là nơi trưng bày tranh tượng mỹ thuật; lầu 2 trưng bày các đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ truyền thống... Để vô Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1), khách tham quan mua vé (5.000 đồng/vé/người VN và 20.000 đồng/vé/người nước ngoài).
|
Đón đọc kỳ sau: ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận