20/02/2019 12:29 GMT+7

Giữa đêm trắng đền Trần, sao không bình tâm 'tích phúc vô cương'?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Lễ khai ấn đền Trần năm nay diễn ra khá trật tự, tuy vẫn còn cảnh "phản cảm" ném tiền vào kiệu, cướp hết lộc trên kiệu ấn. Ban tổ chức hẳn sẽ vui vì lễ hội mỗi ngày được kiểm soát tốt hơn ở bề nổi.

Giữa đêm trắng đền Trần, sao không bình tâm tích phúc vô cương? - Ảnh 1.

Giữa người phát ấn và người xin ấn là những song sắt nặng nề. Ảnh chụp lúc 12h đêm 18-2 tại nhà giải vũ phía tây đền Thiên Trường, đền Trần (Nam Định), nơi sắp diễn ra hoạt động phát ấn - Ảnh: T.ĐIỂU

1. Đêm 18 rạng sáng 19-2 lại là một "đêm trắng" quá ư ồn ào nữa ở nơi đền Trần (Nam Định) vốn thường ngày rất thanh tịnh và đẹp đẽ.

Sau lễ đền Trần, hàng nghìn người hết ngồi vạ vật mọi chỗ có thể ngồi, lại vật vờ đi lại trong đêm giữa ba ngôi đền, mong sớm tới 5h sáng để được nhận lộc ấn mà nhiều người tin có thể giúp họ đạt được "tất tật" những mong cầu chứ không chỉ có sự đỗ đạt dành riêng cho giới học hành, quan chức.

Trắng đêm xin ấn đền Trần - Video: CHÍ TUỆ

Trong biển người thức thâu đêm để xin ấn ấy, có đủ người già 70 - 80 tuổi, trẻ nhỏ 2 - 3 tuổi, cho đến phụ nữ mang thai "vượt mặt". Từ "dân trí thức", quan chức, cho tới nông dân, nhà buôn, chủ doanh nghiệp; từ người miền núi tới miền xuôi, từ Nam chí Bắc.

Hàng trăm người khao khát được sờ vào lá ấn sớm nhất có thể, đã ngồi chầu chực giữ chỗ kín các hàng song sắt vốn dùng làm hàng rào xếp hàng trước các nhà giải vũ phát ấn từ cả 3-4 giờ trước thời điểm bắt đầu phát ấn. Trăm nghìn người chung một niềm tin ngồi mệt mỏi, tả tơi cạnh nhau, cùng chia nhau màn trời chiếu đất suốt mấy giờ đồng hồ.

Trớ trêu là họ ngồi ken đặc giữa các hàng khung sắt và trước mặt họ lại là một hàng song sắt khác bọc kín nhà giải vũ phát ấn để ngăn cách với biển người xin ấn.

Nhìn cảnh tượng đó, không ít người tưởng mình đang nhìn vào những căn phòng giam. Chỉ khác là, người ta tự nguyện, thậm chí phải bon chen để được ngồi vào những "phòng giam". Và những "buồng giam" này càng về sáng càng đông người hơn. Tới khoảng 4h sáng thì khoảng sân trước hai nhà giải vũ của đền Thiên Trường không còn lấy một khe trống nào.

Giữa đêm trắng đền Trần, sao không bình tâm tích phúc vô cương? - Ảnh 3.

Những người đã có 'ấn' - Ảnh: NAM TRẦN

2. Những người không nhập vào đoàn quân xếp hàng (nhưng chẳng có hàng nào cả, chỉ là những dòng người lộn xộn) đợi xin ấn thì nhập vào đoàn người đi lại vật vờ hoặc nằm, ngồi vạ vật.

Vậy là, suốt đêm, khu đền Trần rộng cả trăm hecta đầy những bóng người chập chờn đi lại, xì xụp vái lạy và rì rầm những lời khấn xin trong đền, ngoài sân. Như thể, người người tranh đua để lời khấn xin của mình lọt được tới tai các thánh giữa nghìn, vạn tiếng xin cầu.

Ngoài vườn sau, "lò" hóa sớ không phút nào tắt lửa, những người lao công giúp việc nhà chùa không một phút ngừng chổi, vơ rác để phục vụ cho cả nghìn người ăn, ngủ, vệ sinh thâu đêm suốt sáng.

Giữa đêm trăng lạnh mùa xuân, hàng nghìn bước chân rì rầm, những trò chuyện ồn ã phủ lên khu đền Trần nơi mảnh đất Tức Mặc một hợp âm của tín ngưỡng lạ kỳ.

Còn khu vườn phía trước của khu đền với rất nhiều ghế đã được kê thì trở thành căn phòng ngủ tập thể khổng lồ cho cả trăm người. Xa hơn phía con đường trước cửa đền dài chừng 2km là rất nhiều những chiếu nhậu thâu đêm để đợi trời sáng vào xin lộc ấn.

Có những chiếu nhậu còn mang theo cả loa đài ồn ã, trước khi bật những bài hát chầu văn cho "hợp cảnh", họ "khởi động" bằng một bản DJ thật "bốc".

Giữa đêm trắng đền Trần, sao không bình tâm tích phúc vô cương? - Ảnh 4.

Chuẩn bị trước giờ phát ấn - Ảnh: NAM TRẦN

3. Lễ khai ấn đền Trần năm nay diễn ra khá trật tự, tuy vẫn còn cảnh "phản cảm" ném tiền vào kiệu, cướp hết lộc trên kiệu ấn. Ban tổ chức hẳn sẽ vui vì lễ hội mỗi ngày được kiểm soát tốt hơn ở bề nổi.

Nhưng sự thật thì không thật đáng mừng lắm. Bởi sự trật tự này không xuất phát từ văn hóa đi hội của người dân mà từ nỗ lực cật lực rào cửa ngăn tường và cả to tiếng nạt nộ của hơn 2.000 cảnh sát và lực lượng an ninh. Đó là sự trật tự dưới dùi cui và gọng sắt.

Trong khi hàng nghìn người vật vờ trong đêm chờ một lá ấn vốn là một tờ giấy vô tri chỉ mang tính biểu trưng, được sản xuất "công nghiệp" hàng loạt và được phân phối theo một dây chuyền "chuyên nghiệp" và rất "năng suất" của thả tiền - trao ấn ở đền Trần, thì một biển người khác lại chờ chực được dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội và khắp các ngôi chùa lớn, nhỏ từ thành thị tới nông thôn, đặc biệt là ở miền Bắc.

Giữa ma trận tín ngưỡng đã vượt xa biên giới đẹp đẽ trượt sang phía khác, có lẽ trước tiên người dân nên bình tâm hơn để nghĩ về "tích phúc vô cương".

Lễ khai ấn từ giờ Tý (11h đêm trước) ngày rằm tháng giêng hằng năm nhắc nhớ về công lao Trần tổ, về võ công, văn nghiệp của triều Trần và cũng như một thông điệp tuyên cáo kết thúc "kỳ nghỉ tết" để mọi người và cả triều đình chính thức bắt đầu một năm mới làm việc chuyên cần.

Ấn xưa từ triều Trần không còn, trong năm ở ngôi thứ 3 (1822), vua Minh Mạng cho làm ấn mới để phục hồi tích xưa. Ấn mới được đóng, ghi rõ bốn chữ thể triện "Trần miếu tự điển" - nhắc lại điển xưa tại miếu nhà Trần, có thêm bốn chữ "Tích phúc vô cương" - mang ý cầu mong sự tích dày phúc đức cho đời sau.

Nhưng chẳng biết từ khi nào, nhiều người tưởng rằng ngày khai ấn đền Trần rằm tháng giêng là dịp các vua Trần ban tước, thăng quan, phân phát bổng lộc cho quần thần. Người ta bỗng tin rằng nếu nhận được lá ấn đền Trần là có thể thăng quan tiến chức, tiến tài tiến lộc.

TS sử học NGÔ VƯƠNG ANH

2.000 nhân viên an ninh trắng đêm với hàng nghìn người xin ấn đền Trần

TTO - 5h sáng nay 19-2 (rằm tháng giêng), hàng nghìn người chen chúc kín sân đền Thiên Trường, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và nhà giải vũ đền Cố Trạch, thuộc Khu di tích đền Trần (Nam Định) để chờ nhận lộc ấn.


THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên