Giữa chó và người

CHIÊU VĂN 14/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Số phận của hàng trăm triệu chó, mèo từng là thú cưng hoặc con cái của thú cưng trên toàn thế giới đang hết sức bi đát, khi không phải ai nuôi thú cưng cũng sẵn sàng cho một "cam kết trọn đời".

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính riêng số lượng chó hoang trên thế giới hiện vào khoảng 200 triệu con và có thể còn nhiều hơn do đại dịch COVID-19. Đó cũng chỉ là một ước tính hết sức đại khái, phản ánh sự “bất bình đẳng”, nếu có thể nói như vậy về chó, giữa một số ít “ăn sung mặc sướng” và một số đông đúc những con chó bị “ruồng rẫy”.

 Chó mang thức ăn về cho chủ, tranh của Joseph Stevens, họa sĩ người Bỉ, 1846. Ảnh: Wikipedia Commons

 

Thực tế, bảo vệ phúc lợi động vật là chuyện tiêu tốn tiền bạc, đồng nghĩa lợi ích của chúng chỉ được bảo vệ khi có lợi ích kinh tế kèm theo. 

Đúng là những hoạt động cứu vớt thú nuôi bị bỏ hoang, nhất là chó, đã trở nên phổ biến hơn với ngày càng nhiều tổ chức và cá nhân tham gia, nhưng một thực tế rộng lớn khác khiến tất cả những nỗ lực đó chỉ là lớp màng mỏng phủ lên một thực tế đáng buồn quá dày.

Với con người, động vật hiện đang được sử dụng nhiều nhất, tính theo số lượng, làm thực phẩm. Chúng ta tàn sát khoảng 60 tỉ con vật mỗi năm để ăn thịt - và đó là chưa tính động vật biển (mà một ước tính còn dè dặt cho rằng lên tới 1.000 tỉ). 

Ngay cả với thú cưng, số lượng những con “hạnh phúc” - theo tiêu chuẩn của con người - vẫn cực kỳ ít ỏi. Thực tế ở mọi nơi, hầu hết chó mèo nuôi trong nhà hiếm khi được chết yên lành vì tuổi già trong một ngôi nhà yêu thương. Chúng có nhà một thời gian ngắn, có thể bị đổi chủ, rồi bị bỏ hoang hay bị giết.

Dễ hiểu là chuyện phúc lợi động vật còn xa vời ở các nước nghèo, nơi chính con người cũng còn đang phải vật lộn. 

Nhưng ngay cả ở Hoa Kỳ, quốc gia giàu nhất thế giới, Hiệp hội Chống sự tàn ác với động vật ước tính vẫn có khoảng 3,3 triệu con chó phải vào các trung tâm nuôi chó hoang mỗi năm. Riêng ở Houston, Texas đã có hơn 1 triệu con chó hoang và số lượng chó mèo được “xử lý êm ái” ở Mỹ vào khoảng 3 triệu con mỗi năm.

Ở một nơi khác gần với Việt Nam hơn, Thái Lan, dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn với ngành du lịch và nền kinh tế, đồng thời khiến cuộc sống thêm phần khổ sở với gần 2 triệu chó mèo bị bỏ mặc ngoài đường phố, tăng mạnh so với khoảng 800.000 con năm 2018, số liệu của Cục Gia súc gia cầm Thái Lan.

Nhiều hàng quán phục vụ du lịch mà chúng dựa vào cơm thừa canh cặn để sống sót qua ngày nay đã đóng cửa. 

Những trung tâm cứu trợ động vật - chủ yếu sống vào nguồn quyên góp từ thiện - cũng gặp rất nhiều khó khăn khi lượng người thất nghiệp ở Thái Lan dự kiến sẽ lên khoảng 4 triệu trong năm 2021, theo một ước tính của Ngân hàng Siam, với khoảng 60% các hộ gia đình không đủ nguồn tài chính trang trải 3 tháng chi tiêu.

Không ít người hẳn từng thấy rất muốn nuôi một con chó “dễ thương đến chết được” tình cờ gặp trên đường, nhất là khi đang cao hứng, nhưng giới chuyên môn hiện khuyến cáo cần thận trọng cân nhắc và mọi quyết định liên quan đến thú cưng nên là “cam kết trọn đời”, như lời tiến sĩ Siobhan O’Sullivan, chuyên gia về phúc lợi động vật ở Đại học New South Wales (UNSW), Úc.

Tiến sĩ O’Sullivan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục cho người nuôi thú cưng: “Sống chung với động vật mang tới nhiều lợi ích cho con người. Chúng là người bạn, người trợ giúp chúng ta, chúng dễ thương, đáng yêu và biết yêu thương". 

"Nhưng nếu con người muốn tận hưởng tình bạn của loài vật, chúng ta cần sẵn sàng cam kết cả đời. Luật pháp lẽ ra không được cho phép người ta “xử lý êm ái” thú nuôi một khi tình hình bắt đầu trở nên khó khăn cho chủ”.

Giống như với nhiều thứ khác, O’Sullivan khuyên những người quyết định nuôi thú cưng cần nhìn xa, có kế hoạch đầy đủ và chỉnh tề cho những tình huống khẩn cấp, những khó khăn trong dài hạn và cả những bất trắc. 

“Những việc này bao gồm, nói ví dụ, phải tính toán sao với thú nuôi khi xảy ra hỏa hoạn, khi người chủ gặp tai nạn hay phải nằm viện dài ngày”.■

Hà Lan và chương trình không chó hoang

Hà Lan hiện được ghi nhận là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt tới cảnh giới không có chó hoang ngoài đường, tất nhiên, không phải bằng những biện pháp “xử lý êm thấm”. 

Nhưng ngay cả vậy, chương trình CNVR (Collect: Gom bắt, Neuter: Hoạn, thiến, Vaccinate: Chích vaccine, và Return: Trả lại) ở nước này cũng không hẳn là hoàn toàn nhân đạo và thực ra khá tốn kém, do nhà nước tài trợ toàn bộ. 

Hà Lan có nguyên một lực lượng cảnh sát động vật riêng để giám sát việc đối xử với động vật. 

Trong Quốc hội thì có hẳn Đảng Vì động vật (tiếng Hà Lan: Partij voor de Dieren) có đại diện ở cả Hạ viện (6/150 ghế), Thượng viện (3/75 ghế) và Nghị viện châu Âu (1/29 ghế). 

Người sáng lập đảng này (thành lập năm 2002), Marianne Thieme, tuyên bố cách xã hội đối xử với động vật phản ánh cách nó đối xử với những công dân của mình, và “bạo lực với động vật có liên hệ trực tiếp với bạo lực với con người”. 

Dân Hà Lan cũng nổi tiếng yêu động vật: ước tính 5 người Hà Lan thì có 1 người nuôi chó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận