Ngày 23-4 tại Trung tâm hội nghị ở thủ đô Jakarta, Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo hội kiến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang ở nước này dự Hội nghị cấp cao Á - Phi và dự lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung - Ảnh: Nguyễn khang - TTXVN |
Tại Hội nghị cấp cao Á - Phi 2015 bế mạc chiều 23-4 ở Jakarta, trong cuộc hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò tích cực của Indonesia trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai châu lục Á và Phi trên các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế và xã hội.
Tổng thống Joko Widodo cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn Việt Nam đã nhận lời tham dự và đóng góp quan trọng vào thành công chung của hội nghị.
Về quan hệ song phương, hai vị lãnh đạo hài lòng trước đà tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương thời gian qua, đạt 5,4 tỉ đôla năm 2014, nhất trí cùng tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy để đưa kim ngạch lên mức 10 tỉ đôla năm 2018.
Chủ tịch nước đề nghị phía Indonesia đối xử với ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trên tinh thần nhân đạo và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa hai nước. Đồng thời Việt Nam cũng đẩy mạnh giáo dục, quán triệt cho ngư dân về việc tôn trọng vùng biển của Indonesia.
Về vấn đề biển Đông, hai vị lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không làm thay đổi nguyên trạng, không có các hành động làm gia tăng căng thẳng, sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Tổng thống Joko Widodo thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống Joko Widodo vui vẻ nhận lời và sẽ thu xếp sớm thực hiện chuyến thăm.
Trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp...
Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam ở mức cao, hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư, chuyển giao công nghệ vào Việt Nam. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc và giao lưu cấp cao.
Hai bên cũng nhất trí triển khai những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, chuẩn bị tốt việc khởi công các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) 6 và 7 ở Nghệ An và Hải Dương.
Tại cuộc hội kiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Iran.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp với thủ tướng Campuchia, phó thủ tướng - bộ trưởng ngoại giao Lào, thủ tướng Ai Cập, thủ tướng Palestine, phó thủ tướng Hàn Quốc và ngoại trưởng Morocco...
Truyền thông Trung Quốc đưa tin thận trọng Tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị chiều 22-4 ở Jakarta, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi Trung Quốc hợp tác để giảm căng thẳng trên vùng biển Hoa Đông, theo Kyodo News. “Chúng tôi muốn cải thiện mối quan hệ song phương thêm vững chắc” - ông Abe nói. Cuộc gặp lần này được đánh giá là dấu hiệu cho thấy sự lắng dịu trong căng thẳng giữa hai nước trong thời gian qua. Tờ Asahi Shimbun cho biết truyền thông Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng khi nói về sự cải thiện quan hệ với Nhật Bản, tuy nhiên những bản tin về cuộc gặp giữa ông Tập và Thủ tướng Abe có vẻ tích cực hơn cách đây vài tháng. Tờ Nhân Dân Nhật Báo đăng ảnh ông Tập ngồi khá thoải mái bên cạnh ông Abe trong cuộc gặp khoảng 30 phút. Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc thậm chí đưa tin dài về sự kiện, trong khi chỉ chiếu cảnh bắt tay đúng năm giây giữa hai lãnh đạo hồi tháng 11-2014. “Dù gì thì Trung Quốc và Nhật Bản cũng không muốn quay lại tình trạng đối đầu như trước đây” - chuyên gia Shi Yinhong (thuộc Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh) nhận định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận