TTCT - Còn một năm nữa là ông tròn 40 năm canh giữ cánh rừng nguyên sinh rộng 36ha nằm cạnh quốc lộ 24B. Chừng ấy thời gian, người cựu binh già vẫn miệt mài giữ “thành lũy” xanh cuối cùng giữa đồng bằng. Nhiều dốc núi dựng đứng, ông Minh phải khom người bò lên khi đi giữ rừng -Trần Mai Ông là Trần Đức Minh (65 tuổi), người ngăn chặn nhiều đợt tấn công của lâm tặc ở núi Nhàn (xã Tịnh Sơn, H.Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Đứng từ cánh đồng lúa Tịnh Sơn nhìn về ngôi làng tựa lưng vào cánh rừng xanh một màu nguyên thủy, đó là núi Nhàn. Ở đất này, ai cũng biết cánh rừng ấy còn đến ngày hôm nay, công lớn thuộc về ông Minh. Người già, con nít nào trong làng cũng có thể kể về ông. Dấu chân in từng phiến đá, gốc cây Những năm 1970, chiến tranh diễn ra ác liệt. Ông Minh cũng như những thế hệ trai tráng Tịnh Sơn cầm súng ra trận chiến đấu. Những cuộc sinh tử chồng chất trong chiến cuộc dài ra từng ngày. Ông và đồng đội chọn núi Nhàn làm căn cứ. Ở dưới đồng bằng có thể bị truy đuổi nhưng khi lên đến núi Nhàn thì quân địch chỉ có khiếp vía. “Từng gốc cây, tảng đá trở thành nơi để chúng tôi trú ngụ, thoát khỏi những trận mưa bom bão đạn của giặc. Cái ân tình ấy mãi đến sau này vẫn không thể nào quên” - ông Minh tâm sự. Hòa bình lập lại, năm 1978 ông Minh trở về quê, vừa là thương binh vừa là bệnh binh. Sự gan dạ của ông khiến cấp trên đề bạt ông giữ chức xã đội trưởng xã Tịnh Sơn. Hòa bình, và ông chọn làng An Ngọ dưới chân núi Nhàn làm nơi sinh sống. Ở dưới chân ngọn núi từng đưa “tấm lưng” ra che chắn cho ông và đồng đội trong cuộc chiến thoát khỏi lằn sinh tử ấy, lâu lâu ông Minh lại nghe tiếng rựa, rìu xé toạc một góc trời. Thế là mình ông vác rựa lên núi. Nhìn những thân cây ứa nhựa, ông Minh đau đớn: “Nhựa cây như máu của đồng đội ngã xuống, tôi tự hỏi trong chiến tranh cánh rừng này bom đạn hủy hoại không nổi mà giờ hòa bình sao lại bị tàn phá. Thế là tôi quyết truy đuổi lâm tặc ra khỏi rừng”. Bà Nguyễn Thị Xuân, vợ ông Minh, cũng là người đồng đội một thời, hiểu rõ tâm nguyện của ông. Bà Xuân nhớ lại cái ngày ông từ núi Nhàn về cách đây gần 40 năm, bỏ cả cơm nước, mặt buồn xo. “Tôi gặng hỏi mãi anh Minh mới bảo núi Nhàn bị tàn phá cả vạt lớn, cứ thế này thì đến một ngày sẽ không còn rừng nữa. Anh nói phải bảo vệ cho được rừng để đồng đội an giấc mà làng lại có được nơi giữ nước để có cái ăn” - bà Xuân kể. Thời gian chạy qua như một trận bão, chớp mắt chàng thanh niên ngày nào đã trở thành ông già ngoài lục tuần. Trong từng nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt, có biết bao sự kiện ông phải nhớ, nhưng núi Nhàn vẫn là tâm điểm. “Lâm tặc lúc đó là người dân, họ đốn cây làm nhà hoặc làm chất đốt, nên tôi đến từng nhà khuyên can. Có người nói không đốn rừng lấy gì ăn. Tôi liền khuyên giữ lại rừng mới là kế sinh nhai lâu dài, bà con đốn mãi rừng cũng hết mà nguồn nước cạn kiệt thì lấy gì trồng lúa” - ông Minh nhớ lại. Thế rồi, dấu chân ông hết in từng gốc cây, tảng đá núi Nhàn, lại in dọc làng để đi thuyết phục dân, giữ cho ngọn núi thôi tiếng rựa rìu. Không khoan nhượng Nhưng khi người làng đã biết nghĩ đến cái lâu dài, thôi phá rừng thì lâm tặc ở khắp nơi mò đến. Rừng lại ở ngay quốc lộ nên trở thành miếng mồi ngon. Chỉ chừng 15 phút là một cây rừng sẽ bị đốn hạ, chuyển lên xe chở đi. Chính vì thế cuộc chiến giữ rừng trở nên cam go hơn. Người dân thấy công sức ông Minh bỏ ra bảo vệ núi, bảo vệ rừng không công nên ai cũng quý, chính họ dần trở thành các kênh thông tin, mỗi lần có người lạ lên núi Nhàn, họ lập tức báo cho ông, cùng ông bảo vệ rừng. Từ ngày tình nguyện giữ rừng, trên cơ thể ông thêm những vết thương do té ngã. Lần thì ông đuổi một nhóm lâm tặc vừa vào rừng đốn cây, trong cuộc truy đuổi đơn thương độc mã ấy, ông vấp phải chính gốc cây lâm tặc đốn, ngã nhào, máu chảy đầy chân. Khi người làng chạy đến nơi đã thấy ông nằm đó, người tiếp tục truy đuổi, người đưa ông đi cấp cứu. Nể phục ông Minh, thêm hai người lính già tình nguyện cùng ông giữ rừng. Thế là ông có một đội giữ rừng. Hai người bạn thời chiến, phong ông làm đội trưởng, họ là đội viên tổ giữ rừng núi Nhàn. Ông Lê Cao Hùng, người lính đặc công năm xưa bây giờ không còn giữ rừng nữa và nhường trách nhiệm ấy cho con trai, tâm sự: “Chúng tôi chưa bao giờ khoan nhượng cho lâm tặc cả. Thời tôi còn trong tổ bảo vệ, bất kể đêm khuya, chỉ cần nghe người dân báo tin có người lạ vào rừng là cả ba lập tức lên núi truy đuổi”. Màu xanh ngút ngàn của núi Nhàn hôm nay cũng trải qua những câu chuyện đáng nhớ. Vào một buổi xế chiều cách đây hơn 20 năm, tổ bảo vệ vây một lâm tặc vào trong hang đá. Bí thế, lâm tặc trèo lên tảng đá, tay cầm rựa hung hăng bảo ai vào sẽ chém. Ông Minh không nói không rằng lao thẳng vào đối tượng. Cả hai vật lộn, sẵn có tí võ khi còn trong quân ngũ, ông Minh né những nhát rựa của kẻ phá rừng và ra đòn khóa tay. “Lúc này hai ông bạn cũng lao vào hỗ trợ trói tay tên lâm tặc. Lúc bị áp giải xuống núi, tên này gào lên: “Tao trời đánh không chết, sợ chi ba thằng bọn mày”. Tôi nói: “Súng thằng Mỹ bắn tao còn không chết thì sợ gì cái rựa của mày, mà tao có chết thì núi Nhàn phải còn”” - ông kể. Anh Lê Cao Hoàng, con trai ông Hùng, người thay cha tiếp tục theo ông Minh giữ rừng núi Nhàn, cho biết núi Nhàn có địa hình thoai thoải, nằm lọt thỏm giữa các xóm làng. Phía tây giáp núi Diên Niên, phía đông giáp xóm làng thôn An Thọ, phía nam giáp sông Trà Khúc, phía bắc giáp núi Đá Ngựa xã Tịnh Bình. Trên núi có nhiều loại cây, có cây lớn cả người ôm, phía dưới có nhiều loài dây leo chằng chịt... Đây cũng là điểm trú ngụ của nhiều loại chim cu đất, chích chòe, hồng tước... “Nhờ tâm huyết giữ rừng gần 40 năm qua mà suối Chình nước vẫn đầy quanh năm và là nơi trú ngụ của biết bao loài vật. Nhất là ong rừng đến mùa người dân tha hồ lấy mật” - anh nói. Từ cánh đồng dọc quốc lộ 24B nhìn qua ngôi làng Thọ An là cánh rừng nguyên sinh xanh ngát -Trần Mai Giữ rừng đừng nghĩ đến lương Nhưng ong và muông thú vô tình lại trở thành một mối lo cho người giữ rừng. Ông Minh bây giờ không còn sợ lâm tặc nữa bởi tiếng tăm giữ rừng của tổ bảo vệ rừng khiến những ai nhăm nhe đến núi Nhàn chặt cây phải chùn chân. Và hơn hết ông có một vành đai dân cư xung quanh không để người lạ xâm phạm núi Nhàn khi chưa xin phép. Mối lo lớn nhất của ông Minh là từ những người đồng bào dân tộc thiểu số từ H.Sơn Hạ xuống săn thú và tìm ong. Ông bảo chỉ cần phát hiện chồn trên cây là họ sẵn sàng đốn hạ một vạt rừng để giăng lưới phía còn lại rồi đốn cây để con chồn hoảng quá chạy vào bẫy. Còn đốt ong thì sợ nhất là lửa gây cháy rừng. “Tới mùa ong là anh em mang cơm ăn ngủ trong rừng, phát hiện người săn ong mật là tới nói thẳng. Cho bắt nhưng phải hết sức cẩn trọng và cấm đụng đến rừng và phải có người canh giữ để không cho tàn lửa rơi xuống lớp lá cây khô phía dưới. Tôi nói là họ nghe” - ông Minh chắc nịch. Đi cùng ông Minh vào núi Nhàn, một quy tắc bất di bất dịch là không hút thuốc, không dùng đến lửa. Gặp một phụ nữ đang mang bó củi khô từ rừng ra, ông Minh nở nụ cười thăm hỏi rồi nói: “Người dân vào rừng cũng chỉ lấy những thân khô về làm củi, không ai chặt cây tươi. Ý thức giữ rừng của bà con là số một”. Người phụ nữ cười tươi đáp lời: “Anh Ba (ông Minh) giữ rừng mấy chục năm, tụi tui không phụ công anh đâu”. Chúng tôi hỏi mỗi tháng ông nhận được bao nhiêu lương, ông xua tay bảo: “Giữ rừng đừng nói chuyện lương. Lương nào bằng lương tâm”. Rồi ông tâm sự: “Xã thấy tôi giữ rừng không công mãi nên cũng quý. Đến năm 2004, tổ giữ rừng nhận hỗ trợ mỗi năm 700.000 đồng. Đến năm 2011 nâng lên 1 triệu đồng, chia cho ba người thì chưa đến 1.000 đồng/ngày/người”. Ông cười khà khà nói: “Lương vậy thôi, nhưng mỗi người được xã hỗ trợ thêm cho ba sào lúa, ai làm giỏi thì có lúa ăn. Vậy là vui rồi”. Ông bảo giờ sức khỏe yếu rồi, đi rừng nhiều cũng đau chân. Nhiều lần xin nghỉ nhưng UBND xã Tịnh Sơn động viên mong ông tiếp tục giữ rừng. Bản thân ông cũng đang cố tìm người kế cận đủ tin tưởng để giao cánh rừng nguyên sinh giữa đồng bằng này lại.■ Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn, ghi nhận công sức giữ rừng gần 40 năm qua của ông Minh, mang đến sự bình yên cho mảnh rừng nguyên sinh ngay giữa đồng bằng. “Nhờ uy tín của ông Minh mà trong thời gian qua giá keo tăng cao nhưng người dân vẫn không lấn rừng. Ông Minh lấy tảng đá hay thân cây làm “mốc” giữa rừng sản xuất của người dân và rừng nguyên sinh, đơn giản vậy nhưng rừng không mất một tấc nào” - ông Sơn nói. Người dân địa phương cũng yêu quý ông. Anh Nguyễn Thành Phúc tâm sự: “Chú Ba nói là tụi tui nghe liền. Giờ đến đứa trẻ con ở làng cũng biết giữ rừng, nói chi là người lớn. Tôi nghĩ đến khi chú Ba không còn giữ rừng nữa thì cả làng này sẽ giữ rừng để không phụ công sức đời người của chú”. Tags: Môi trườngLũ quét1000 đồngNgười giữ rừng
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Những triền đồi phủ hồng khiến du khách xôn xao đến Đà Lạt M.V 26/11/2024 Mùa nắng lạnh, Đà Lạt lung linh những triền đồi phủ hồng khiến du khách xôn xao tìm đến.
Viện kiểm sát đề nghị xem xét lại tình tiết 'thành khẩn khai báo' của cựu vụ phó Nguyễn Lộc An TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, đối đáp với luật sư, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng việc đưa tiền, tài sản của bà Hạnh đều gắn với các việc làm cụ thể của các bị cáo nhận hối lộ và đề nghị xem lại tình tiết thành khẩn khai báo của ông Nguyễn Lộc An.