Phóng to |
Bãi gỗ của lâm tặc giấu trong rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông (Gia Lai) với số lượng gần 70m3, đa số là gỗ nhóm 1 và 2 như căm xe, gõ, hương... - Ảnh: Thảo My |
Thế nhưng sau mỗi vụ cán bộ kiểm lâm bị hành hung đến đổ máu thì mọi chuyện lại đâu vào đấy, lâm tặc vẫn nhởn nhơ và cán bộ kiểm lâm bị hành hung mang trong người những vết thương trầm trọng. Rừng Tây nguyên vẫn hằng ngày “rỉ máu”.
Đối đầu trực diện
Đêm 7-5, tại lâm phần thuộc Lâm trường Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’Gar, Đắc Lắc), trong lúc đi tuần tra rừng tại tiểu khu 540 và 544, cán bộ bảo vệ rừng phát hiện tám đối tượng dùng hai xe máy cày chở gỗ ra hướng Buôn Thái, xã Ea Kuêk do Lê Duy Thuật cầm đầu. Khi được yêu cầu dừng lại để kiểm tra, xử lý thì những người này phản ứng dữ dội rồi dùng súng tự chế bắn thẳng vào bụng anh Nguyễn Kim Mưu, cán bộ quản lý bảo vệ rừng, làm anh gục tại chỗ. Sau đó cả nhóm tẩu tán phương tiện cùng số gỗ khai thác trái phép. Hiện anh Mưu đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc trong tình trạng sức khỏe rất yếu vì ba viên đạn chì cắm vào gan không thể mổ lấy ra được.
Nội bộ lực lượng chức năng có “vấn đề” “Công tác kết hợp, đồng lòng của các lực lượng chức năng còn chưa tốt, thiếu trách nhiệm, thậm chí có vấn đề ngay trong nội bộ nên không chặn đứng được vấn nạn xâm hại tài nguyên rừng. Cái gọi là “vấn đề” ở đây được hiểu là sự dung túng, tiếp tay cho lâm tặc của một số người, cơ quan có trách nhiệm vì nhiều lý do, động cơ khác nhau: nể nang, hoặc lợi ích kinh tế mờ ám trên chức trách và cương vị được giao”. |
Còn vào đêm 25-4, trong khi đi tuần tra bảo vệ tại khu rừng tiếp giáp với xã Ea Đá, huyện Krông Năng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắc Lắc), bốn thành viên của trạm kiểm lâm số 2 phát hiện nhóm sáu người đi săn thú rừng đang trên đường trở về. Tổ tuần tra đã kiểm tra tốp thợ săn này và phát hiện, thu giữ một đầu cùng hai chân sau của một con nai cái đã trưởng thành (thuộc nhóm động vật hoang dã quý hiếm, có tên khoa học là Cervus eldii, thuộc nhóm 1B), hai người đi săn đã bị tạm giữ, bốn người còn lại bỏ chạy về làng mình ở xã Ea Đá.
Khoảng 20 phút sau bọn chúng quay lại cùng hơn 20 thanh niên khác trong làng mang hung khí đuổi theo tấn công tới tấp lực lượng kiểm lâm, đồng thời giải thoát hai đối tượng đang bị tạm giữ. Trước sự hung hãn của nhóm người này, các thành viên của tổ tuần tra phải bỏ chạy thoát thân. Ba người may mắn chạy thoát, riêng anh Lê Tấn Hoàng bị bọn lâm tặc đâm năm nhát dao vào người, trong đó có một nhát trí mạng xuyên từ phía sau lưng gây thủng phổi khiến anh Hoàng ngã gục tại chỗ.
Thậm chí ngày 19-2, khi đoàn kiểm tra liên ngành huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) phát hiện 64 lóng gỗ tròn (nhóm 2A đến nhóm VI) có khối lượng hơn 21m3 tại khu vực vườn điều Buôn Trí B, xã Krông Na, thì hàng trăm người dân đã tụ tập đến hiện trường mang theo dao, gậy gộc thách thức đoàn kiểm tra. UBND huyện đã phải huy động lực lượng khoảng 100 người gồm công an, quân đội, lực lượng bảo vệ rừng mới vận chuyển được số tang vật vi phạm. Suốt nhiều giờ lực lượng chức năng của huyện không thể thu gom được hơn 20m3 gỗ lậu…
Cơ quan pháp luật quá nhẹ tay
Tại một cuộc họp đầu tháng 5-2009 với UBND tỉnh Đắc Lắc về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, ông Y Rít Byă, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, đã lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng, nhất là ngành nội chính ở địa phương phải kiên quyết hơn với lâm tặc. Theo ông Y Rít Byă, các cơ quan pháp luật đã quá nhẹ tay, nhất là với công an các huyện. Khi bộ phận pháp chế của các hạt kiểm lâm gửi những bộ hồ sơ đến mức phải điều tra khởi tố hình sự, thì những cơ quan này lại “ngâm” không xử lý, khiến mọi nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng như “đá ném ao bèo”!
Dẫn chứng những vụ việc đủ yếu tố khởi tố vụ án nhưng không được xử lý, ông Trần Thế Liên, giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết từ hai tháng cuối năm 2008 đến 4-2009 có bốn vụ vi phạm lâm luật (trong đó có hai vụ chống người thi hành công vụ) được chuyển hồ sơ cho Công an Buôn Đôn truy tố, nhưng đến nay mới chỉ một vụ được làm rõ.
“Thật ít ỏi, làm như vậy thì làm sao lâm tặc chùn bước? - anh Bùi Văn Khang, hạt trưởng hạt kiểm lâm Buôn Đôn, nói thêm - Ở hạt này cũng vậy, năm nào cũng có vài ba vụ chuyển công an điều tra truy tố. Song tất cả đều rơi vào tình trạng để lâu cứt trâu hóa bùn”.
Các địa phương khác cũng không có gì khá hơn. Anh Bùi Xuân Khu, hạt trưởng hạt kiểm lâm Cư M’Gar, bức xúc: “Có nhiều vụ nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn như lâm tặc hỗn chiến với kiểm lâm, rồi sử dụng hơi cay khống chế chủ rừng để dùng 5-7 xe cày rùng rùng đưa hàng chục khối gỗ ra khỏi rừng… Báo chí vào cuộc và thông tin rộng rãi, ấy vậy mà khi vụ việc được chuyển cho công an thì họ vẫn bình chân như vại, thật không hiểu nổi!?”.
Mới đây, kiểm lâm các huyện đã tập hợp các vụ việc vi phạm lâm luật tiêu biểu (gồm chín vụ và đã chuyển công an) gửi cho Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc tổng hợp, làm cơ sở báo cáo với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như báo cáo cho ngành nội chính của Chính phủ, vì đến nay chưa có vụ nào được xử lý và khởi tố vụ án.
Chở gỗ lậu giữa ban ngày Từ đầu năm, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai đã phải hàng chục lần nổ súng mới bắt được tang vật, phương tiện, con người. Điển hình sáng 5-3, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 phát hiện một xe Kamaz chở gần 14m3 gỗ lậu, trên địa bàn huyện Ia Grai. Bị phát hiện, tài xế đã bỏ chạy, khi đến thị trấn Ia Kha bất ngờ đổ ben gỗ xuống đường nhưng vẫn không thoát bèn lao thẳng xe vào xe đoàn kiểm tra dù trước đó lực lượng chức năng đã nổ súng bắn thủng lốp sau xe. Sau đó một tuần đoàn kiểm tra liên ngành số 2 đã bắt được một xe chở gỗ lậu ngang nhiên đi giữa ban ngày. Khi xe của đoàn kiểm tra đã áp sát chúng vẫn ngoan cố chống cự và chỉ dừng khi lực lượng chức năng nổ súng...
Tại Đắc Nông, ông Nguyễn Ngọc Tài, phó chi cục trưởng chi cục kiểm lâm, cho biết chỉ riêng trong tháng 4 đã xảy ra ba vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm và cán bộ quản lý bảo vệ rừng bằng gậy gộc, giáo mác phải đưa đi bệnh viện. Cùng với đó cũng đã xuất hiện tình trạng cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng cấu kết với lâm tặc để phá rừng. Điển hình là vụ Nguyễn Văn Hiệu, giám đốc Xí nghiệp lâm nghiệp Đắc Ha, bị cách chức do có dấu hiệu “bảo kê” cho các đối tượng phá rừng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận