Giữ nước "Túi má khỉ"
5 tháng ngập lũ cũng là thời gian mà vùng đất ĐBSCL chứa đến 5 tỉ mét khối nước, chở theo lượng lớn phù sa nuôi dưỡng cho nền nông nghiệp, thủy sản đồng bằng.
Các công trình kiểm soát lũ, ngăn và xả lũ ở tứ giác Long Xuyên (Tha La, Trà Sư), đê bao vượt lũ các thị trấn, các quốc lộ vượt lũ ven sông Tiền sông Hậu (QL 30,54, 91) băng qua trung tâm Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên có các QLN1, N2, 80… cùng với hệ thống đê bao vận hành hai chiều vừa vượt lũ vừa chứa lũ lên đến 21.000 km và 17.000 km đê bao lửng… chủ động được cho các vụ lúa cơ bản thoát khỏi tầm đe dọa của lũ.
Cần tính tới trữ nước ở hai vùng trũng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên - Ảnh: CHÍ QUỐC
Nhưng khi người đồng bằng bắt đầu có khái niệm "đói lũ", rồi liên tiếp những năm khan nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất thì câu chuyện trữ nước, "níu" lũ đã được tính đến.
Trong các giải pháp công trình, phi công trình được tính đến, có mô hình giữ nước "Túi má khỉ" (giữ nước trong mùa lũ ở vùng trũng để sử dụng trong mùa khô).
Ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, tỉnh được coi là "túi nước" của đồng bằng, cho biết tỉnh đang khảo sát dự án "Túi má khỉ" và mô hình sinh kế dựa vào lũ. Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đang hỗ trợ nhóm chuyên gia để phân tích, đánh giá, hiệu quả môi trường, xã hội và kinh tế đối với dự án. Dự kiến cuối tháng 6 sẽ có kết quả ban đầu.
"Nếu qua nghiên cứu khẳng định mang lại hiệu quả cao, ổn thỏa hết thì họ quyết định tài trợ dự án này (chi phí khoảng 50 triệu USD)" - ông Thư nói.
Để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, An Giang làm quy trình xã lũ 3 năm 8 vụ. Tức là trong 3 năm phải có 1 năm xả lũ cho phù sa vào đồng ruộng và bà con vùng xã lũ không được làm lúa thì họ sẽ chuyển sang sinh sống bằng nghề làm thuê, mướn hoặc mưu sinh mùa lũ. "Số diện tích lúa được xả lũ dao động khoảng 15.000 - 17.000ha/năm. Nếu lũ nhỏ sẽ giảm số diện tích này lại. Còn lũ lớn thì tăng diện tích lên. Vì xã lũ này giúp tháo chua rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng giúp bà con làm lúa tăng năng suất hơn so với làm lúa liên tục" - ông Thư nói.
Mở cống đón phù sa
Mở cống đón phù sa về là một thay đổi không hề nhỏ trong tư duy sản xuất của người nông dân.
Ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), toàn huyện có hơn 48.000ha sản xuất lúa thì có đến 95% có đê bao khép kín, có đầu tư trạm bơm điện tức có thể sản xuất lúa liên vụ.
Sau gần 30 năm vô ô đê bao khép kín, những nông dân giàu kinh nghiệm ở đây dần nhận thấy những dấu hiệu đất đai kiệt quệ, sản xuất lúa phụ thuộc rất nhiều vào phân hóa học.
Ông Cao Văn Muôn, lão nông 71 tuổi ở Tháp Mười, than thở: "Bây giờ đất hết phù sa rồi, toàn thảy phân bón xuống nuôi cây lúa nên chi phí sản xuất rất cao. Hồi trước khi vô đê mần lúa phập phồng bị lũ nhấn chìm nhưng hễ mùa nào thoát lũ được là đều có lời. Còn giờ làm lúa không sợ lũ nhưng sợ lỗ lắm".
Người dân An Giang thu hoạch cá theo mùa nước lên - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ô bao của ông Muôn gần 10 năm nay không hề xả lũ. Đất đai cũng chỉ được nghỉ ngơi tầm 10 đến 15 hôm trong lúc nông dân cày xới, chuẩn bị xuống giống vụ mới. Do cứ làm liên vụ nên hiện nay việc phân chia vụ mùa rất khó xác định thậm chí một số thửa ruộng còn tranh thủ làm 2 năm 7 vụ. Mùa lũ cho đất đai ngơi nghỉ, người dân tìm những sinh kế khác thay thế thu nhập từ cây lúa như nuôi tôm càng xanh, trồng sen, trồng ấu, đan lục bình…
Ông Nguyễn Minh Chí (38 tuổi, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) tận dụng những diện tích mặt ruộng xả lũ để nuôi cá tự nhiên. Ông cho hay: "Mùa nước thấy cá lên đồng lớn thấy ham lắm. Dự tính là nuôi 2 năm mới tát ao thu hoạch. Chủ ruộng cũng được thêm nguồn bổ sung chất dinh dưỡng cho đất".
Ước tính thu nhập của ông Chí không hề ít hơn so với làm 1 vụ lúa, trong khi vụ Đông Xuân sẽ cho năng suất cao hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập ở Cần Thơ) nhìn nhận việc sản xuất lúa 3 vụ ở ĐBSCL mất nhiều hơn được. Theo một nghiên cứu của ông, sản xuất lúa 2 vụ tổng lợi nhuận là 31 triệu đồng/ha, trong khi sản xuất 3 vụ cũng chỉ có 37 triệu đồng/ha tức chỉ lời thêm 6 triệu đồng nhưng lại mất hết những thứ khác từ việc không thể trữ nước ngọt đến việc đất đai không còn màu mỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận