Cần đánh giá những nhân tố tạo ra kết quả này và dư địa có thể cải thiện để giữ nhịp cho tăng trưởng kinh tế cả năm.
Chúng ta thấy công nghiệp gắn với xuất khẩu, cỗ máy tăng trưởng chính của Việt Nam, đã phục hồi. Áp lực lạm phát của các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang dai dẳng, lãi suất vẫn đang ở mức cao nên sức cầu của nền kinh tế thế giới không có đột biến.
Trong bối cảnh như vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn giữ được nhịp rất tốt. Tốc độ tăng trưởng vốn giải ngân tăng 8,2%, mức cao nhất trong 5 năm gần đây.
Điểm tích cực tiếp theo là khu vực kinh tế trong nước có những dấu hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp được thành lập mới cao hơn đáng kể so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đầu tư của khu vực tư nhân cũng tăng khá.
Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2023 chỉ 4,45%. Ở phía ngược lại, tiêu dùng trong nước và tăng trưởng của khu vực dịch vụ vẫn chưa khởi sắc. Tâm lý lạc quan về nền kinh tế trong tương lai, khả năng phục hồi của ngành bất động sản vẫn chưa xuất hiện rõ nét.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang được đẩy mạnh.
Đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2023 nhưng đà này đã không còn được duy trì trong năm 2024. Tổng chi ngân sách nhà nước giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ bằng 37,9% dự toán năm.
Những phân tích ở trên cho thấy kết quả tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2024 đến từ sự đan xen giữa những yếu tố thuận lợi và chưa thuận lợi.
Khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong phần còn lại của năm 2024 phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Trong đó dư địa của chính sách tiền tệ theo mục tiêu tăng tín dụng 15% vẫn còn.
Tuy nhiên áp lực lạm phát đang lớn và đồng tiền trong nước đang chịu áp lực mất giá. Các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cần phải tính toán để cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính và bất ổn kinh tế vĩ mô. Dư địa của chính sách tài khóa là khá lớn.
Việc tăng lương cơ sở lên 30% từ ngày 1-7 sẽ là một cú hích từ chính sách tài khóa. Đây là cơ sở thúc đẩy chi tiêu cho nhiều hộ gia đình để kích thích chi tiêu vào ngành dịch vụ trong nước. Thêm vào đó, nếu đầu tư công được đẩy mạnh sẽ tạo thêm dư địa cho tăng trưởng.
Giải pháp thực tế nhất đối với Nhà nước là tập trung giải ngân cho những dự án, công trình có khả năng tháo gỡ những vướng mắc có tính kỹ thuật.
Đối với những vấn đề cần sự năng động, sáng tạo, bước vào "vùng xám" của đội ngũ cán bộ công chức thực thi sẽ khó có nhiều tiến triển trong phần còn lại của năm 2024 do tâm lý e ngại. Đây là vấn đề cần có giải pháp và định hướng rõ ràng trong dài hạn.
Và hơn hết, đảm bảo ổn định, đặc biệt là ổn định chính trị cùng với các bước đi cần thiết và cụ thể trong việc triển khai các thỏa thuận hợp tác với các nước, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, là việc cần làm.
Việc này sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường, kêu gọi đầu tư và đây là điều tốt cho cả ngắn hạn và dài hạn. Đối với thị trường trong nước, sức mua gắn liền với tâm lý của các hộ gia đình mà chúng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tăng giá của các loại tài sản mà họ đang nắm giữ.
Trong đó bất động sản là nơi các hộ gia đình cất giữ tài sản nhiều nhất. Do vậy sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng sẽ kích thích tiêu dùng trong nước dẫn đến tăng trưởng kinh tế.
Dư địa để duy trì một tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt trong năm 2024 là có. Vấn đề còn lại là các chính sách và sự điều hành hiệu quả và kịp thời của Nhà nước để các nhân tố tích cực được phát huy và giảm thiểu những tác động ngược lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận