24/12/2018 10:55 GMT+7

Giữ nguyên hiện trạng bức tranh Long vân khế hội tại chùa Diệu Đế

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Bức tranh Long vân khế hội được vẽ trên trần chánh điện chùa Diệu Đế (TP Huế) sẽ được giữ nguyên hiện trạng, không hạ giải như dự định ban đầu.

Giữ nguyên hiện trạng bức tranh Long vân khế hội tại chùa Diệu Đế - Ảnh 1.

Bức tranh Long vân khế hội trên trần trần chánh điện Đại Hùng, chùa Diệu Đế - Ảnh: MINH TỰ

Sáng 24-12, Đại đức Thích Hải Đức, giám tự chùa Diệu Đế, cho biết sẽ không hạ giải trần chính điện của chùa mà giữ nguyên hiện trạng nhằm bảo tồn bức tranh Long vân khế hội.

Theo đó, sau khi tiếp thu ý kiến từ nhiều phía, nhà chùa quyết định sẽ xây chánh điện mới và không hạ giải phần nội điện của ngôi chùa cũ như dự định ban đầu.

Việc làm nói trên nhằm bảo tồn bức tranh Long vân khế hội (hay còn gọi là Cửu Long Ẩn Vân) – bức tranh được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục "Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam" vào tháng 3-2008.

Giữ nguyên hiện trạng bức tranh Long vân khế hội tại chùa Diệu Đế - Ảnh 2.

Trần chánh điện Đại Hùng đã xuống cấp nghiêm trọng, có khả năng sập xuống - Ảnh: MINH TỰ

Sau khi chánh điện mới được xây dựng, nhà chùa sẽ tiến hành trùng tu, gia cố phần nội điện của chánh điện cũ nhằm tăng cường khả năng chịu lực, an toàn của công trình. Giữa 2 khu chánh điện này sẽ được kết nối với nhau bằng một hệ thống máng xối.

Hòa thượng Thích Hải Đức còn cho biết tuy kế hoạch là vậy nhưng hiện việc trùng tu phần chánh điện cũ vẫn chưa được thực hiện vì thiếu kinh phí. Nhà chùa cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phật tử, các cơ quan chuyên môn trong việc bảo tồn bức tranh kỷ lục.

Trước đó, do tình trạng xuống cấp trầm trọng của chánh điện Đại Hùng ở chùa Diệu Đế, nhiều cơ quan chuyên môn đã tính đến chuyện sẽ hạ giải nguyên trạng trần điện có vẽ bức tranh quý rồi đưa vào bảo tảng của chùa để bảo tồn.

"Long Vân Khế Hội" (hay còn gọi là Cửu Long Ẩn Vân) là bức tranh được vẽ ngay trần điện Đại Hùng của chùa Diệu Đế ở TP Huế. Bức tranh có chiều dài hơn 10m, rộng gần 11m. Bức tranh vẽ 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây trên trần điện và 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ lớn theo một điển tích xưa của nhà Phật.

Tương truyền bức tranh được nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh thể hiện vào năm 1953. Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, hiện chưa có tài liệu nào khẳng định điều này.


NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên