11/01/2017 11:58 GMT+7

Giữ người chưa trả đủ tiền tiệc cưới, coi chừng phạm tội

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Tối 8-1, vợ chồng anh T. tổ chức tiệc cưới tại một nhà hàng trên đường Thoại Ngọc Hầu (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM).

Sau bữa tiệc, do không đồng ý với cách phục vụ của nhân viên nhà hàng và cho rằng thức ăn không giống như trong hợp đồng đã ký kết trước đó, chú rể yêu cầu gặp đại diện nhà hàng và không đồng ý trả hết số tiền bàn tiệc còn thiếu. Quản lý nhà hàng yêu cầu bảo vệ đóng cửa, không cho họ ra về.

Công an P.Hòa Thạnh đã tới nhà hàng ghi nhận vụ việc và cho rằng đây là tranh chấp dân sự giữa các bên. Đến sáng 9-1, cô dâu - chú rể đồng ý thanh toán cho nhà hàng số tiền còn thiếu nên họ được cho về.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Phích - phó trưởng Công an Q.Tân Phú cho biết chưa nắm thông tin cụ thể về trường hợp nhà hàng giam lỏng khách, chỉ nghe báo chí thông tin. Vì vậy, Công an Q.Tân Phú chưa xác định được hành vi của các bên đến đâu, có vi phạm pháp luật hay không.

Theo luật sư Đỗ Ngọc Oánh, hành vi nhà hàng đóng cửa giam lỏng, không cho chú rể - cô dâu ra về với mục đích buộc họ phải thanh toán tiền là có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật được quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự.

Theo quy định, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn... thì bị phạt tù 1-5 năm.

“Trong trường hợp trên, nếu cô dâu - chú rể không chịu thanh toán tiền tiệc cưới thì nhà hàng có thể dựa trên hợp đồng hai bên đã ký kết để giải quyết. Nếu không giải quyết được thì chủ nhà hàng có thể kiện ra tòa đòi quyền lợi.

Tuyệt đối không được dùng việc giam lỏng để gây sức ép cho khách hàng. Cô dâu - chú rể có thể khiếu nại việc giam giữ người trái pháp luật đến Công an Q.Tân Phú” - luật sư Oánh cho biết.

Thực tế hiện nay có rất nhiều người dù vô tình hay cố ý giam giữ, bắt người trái pháp luật đã bị vướng vào vòng lao lý.

Bà Nguyễn Thị Thanh - phó chánh án TAND Q.Cầu Giấy (TP Hà Nội) cho biết để xác định có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật hay không, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án khi điều tra, truy tố, xét xử cần đối chiếu với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan để xác định sai phạm ở khâu nào, tính chất và mức độ nguy hiểm đến đâu mà xử lý, cũng như định tội danh cho chính xác.

Hai tình huống bị xử lý hình sự

Trên thực tế thì hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thường chỉ xử lý hình sự với hai hành vi: thứ nhất là người không có thẩm quyền mà bắt, giữ hoặc giam người (trừ trường hợp bắt quả tang, truy nã).

Thứ hai, người tuy có thẩm quyền nhưng lại bắt, giữ hoặc giam người không có căn cứ pháp luật. Hậu quả của tội phạm đã ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với người bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật, mà còn đối với cả người thân, gia đình của họ.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên