Gia đình Diễn viên – người mẫu – MC Bình Minh "diện" bộ áo dài do nhà thiết kế Thuận Việt thực hiện chuẩn bị đón Tết - Ảnh: Duy Nhất |
Tết tảo mộ
Vào thời điểm từ 20 tháng chạp trở đi là mọi người bắt đầu đi tảo mộ (còn gọi là giẫy mả). Tảo mộ là một dịp để những người là anh em, con cháu trong họ hàng ruột thịt có dịp gặp gỡ nhau, cùng thể hiện lòng tôn kính, sự quan tâm đối với người đã khuất.
Tuy nhiên cũng còn không ít người chưa xem trọng việc tảo mộ: nạnh hẹ nhau chuyện dọn dẹp mồ mả ông bà, bỏ tiền thuê người quét dọn, cúng kiếng. Có một lần anh chị em chúng tôi cũng đùn đẩy qua lại chuyện dọn dẹp mồ mả ông bà ngoại với mấy người con của dì, để rồi năm đó má tôi phải lặng lẽ một mình đi dọn dẹp mồ mả cho ngoại.
Đến tết má nói: “Người sống có cái nhà thì người chết có cái mồ. Tết nhứt nhà cửa mình sạch sẽ, đẹp đẽ mà không quan tâm mồ mả ông bà thì tết cũng chẳng có ý nghĩa gì. Có nhiều người ở xa, nhiều năm muốn về quê thăm mộ phần người thân còn không về được. Nhiều người lạc mất mộ người thân hồi chiến tranh đến giờ còn phải lặn lội tìm. Mình có mồ mả ông bà để chăm sóc là hạnh phúc lắm”.
Bây giờ anh chị em tôi đã thành lệ. Cứ từ 20 tết trở đi, chọn thứ bảy hoặc chủ nhật là í ới hẹn nhau với các anh chị hai bên nội ngoại về quê chăm sóc mộ phần ông bà cả hai bên.
Cùng nhắc nhớ nhau những kỷ niệm hồi còn sống với ông bà. Sáng mùng 1, anh chị em tôi lại đưa các cháu đi viếng mộ thắp hương những mộ phần bên nội và kể cho các cháu chuyện về ông cố, ông sơ...
Vui tết trọng chữ tình
Tết là lễ hội lớn và thiêng liêng nhất trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Trong nhà có cành mai, cành đào rực rỡ, cháu con có bộ đồ mới tươm tất, bữa cơm gia đình thịnh soạn hơn ngày thường, khách đến xông nhà được mời ly rượu nhẹ, chén trà thơm. Được như vậy, tết càng đậm đà hương vị sắc màu, càng đầm ấm tươi vui.
Đó là những hình ảnh ngày tết của người dân quê tôi luôn được duy trì trong nhiều năm qua. Người dân quê dù nghèo hay giàu vẫn tổ chức lễ đón tết trang trọng.
Suốt mấy ngày tết, ở những dòng họ lớn con cháu tề tựu về nhà thờ cúng lễ và chúc tết tổ tiên với bàn thờ ông bà có hương đèn, hoa quả đầy đủ. Bao nhiêu sự tị hiềm trong năm cũ hầu như mất hết, ai cũng chúc nhau những điều tốt đẹp, thịnh vượng.
Có năm trong ngày 30 tết có một cụ bà từ trần, thế là cả xóm không ai bảo ai, mọi người tự đến giúp đỡ chuyện tang lễ, chia buồn cùng gia đình làm cho người thân bớt lo buồn trong những ngày xuân. Trong ba ngày tết, đến nhà nào gia chủ cũng mời bánh mứt, nói chuyện đồng áng, nhận xét hoa kiểng hay hỏi thăm chuyện con cái...
Nếu là đàn ông thân thích thì được mời rượu bia. Tuy vậy, ai cũng khuyên nhau nên dùng rượu sao cho đúng mực để tránh xảy ra điều đáng tiếc vào giữa ngày xuân thiêng liêng và còn muốn dành thời gian đi chúc tết ở những nhà khác. Thanh niên có quá chén thì người lớn nhắc nhở, khuyên nhủ ngay để tránh những trường hợp đáng tiếc.
Nhà nào có nhiều người làm nghề dạy học thì mùng 3 học trò ra vào nườm nượp. Còn ai không chơi xuân thì ở nhà xem chương trình xuân trên tivi coi như là “phần thưởng” sau một năm làm lụng vất vả.
Chuyện ăn tết của quê tôi nhiều năm qua cứ diễn ra đều đặn như vậy vừa tiết kiệm, không phô trương nhưng mọi người vẫn cảm thấy vui vẻ. Cái vui của người dân quê tôi, không phải ở chỗ ăn uống linh đình, nhà cửa trang trí đắt tiền mà đó là nghĩa tình, đoàn kết gắn bó chăm lo cho nhau để mọi nhà đều có tết, cùng hưởng một mùa xuân ấm no, hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận