27/12/2021 11:20 GMT+7

Giữ màu xanh nguyên thủy

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Khi rừng xanh ở các huyện miền núi liên tục 'chảy máu' khiến ngành chức năng đau đầu bảo vệ thì tại xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cánh rừng tự nhiên vẫn tươi tốt quanh năm.

Giữ màu xanh nguyên thủy - Ảnh 1.

Rừng An Tráng với những đại thụ chỉ thấy ở những cánh rừng phòng hộ trên dãy Trường Sơn - Ảnh: T.M.

Ở đó, người dân xem việc bảo vệ rừng, bảo vệ những cây đại thụ là niềm tự hào, là điều tử tế.

Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, giữ gìn màu xanh ngút ngàn và những câu chuyện kể về xứ sở, vùng đất không bị mất đi và dĩ nhiên đều khởi nguồn từ cánh rừng ấy.

Trong 18ha rừng tự nhiên ở xã, chỉ có 3,7ha do xã quản lý, phần còn lại người dân tự bảo vệ. Khi phên giậu của rừng kiên quyết giữ rừng thì không ai có thể xâm phạm được. Nhờ vậy mà rừng thêm xanh chứ không mất đi.

Ông NGUYỄN HỮU TÍN (kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Bình Sơn, phụ trách công tác bảo vệ rừng ở xã Bình Tân Phú)

Giữ rừng, lưu dấu vùng đất

Men theo con đường liên xã nối qua những ngôi làng ẩn mình dưới những quả đồi, màu xanh của cây keo chiếm phần lớn diện tích xã Bình Tân Phú, bất giác chúng tôi nhìn thấy một màu xanh hút mắt chỉ thấy ở các cánh rừng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. 

Quá tò mò, chúng tôi tìm vào cánh rừng, ngay lối rẽ vào là bảng chỉ dẫn di tích căn cứ huyện Đông Sơn. Hóa ra, cánh rừng mang màu xanh nguyên thủy ấy là câu chuyện khởi nguồn cho vùng đất có quá khứ hào hùng này.

Ông Nguyễn Tấn Minh (67 tuổi), sống cạnh di tích căn cứ huyện Đông Sơn, thấy người lạ vào rừng lập tức chạy ra "đón lõng". Ông cặn kẽ hỏi vào thăm di tích hay vào rừng làm gì. Cảm giác đó là thói quen hoặc trách nhiệm của ông Minh, khi căn nhà ông nằm ngay trước cổng rừng. Khi biết "người lạ" đến tìm hiểu về cánh rừng này, ông Minh tỏ vẻ tự hào. 

"Chẳng cần lên núi cao mới thấy rừng già, chỉ cần bước vào rừng An Tráng này là thấy đủ. Ở đây là rừng làng, ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ", ông Minh bảo.

Nghe ông Minh nói, rồi nhìn về phía rừng, chúng tôi thấy chẳng cần câu khẩu hiệu nào về bảo vệ rừng. 

Sống hòa đồng với thiên nhiên lớn hơn sự tử tế của người dân dành cho rừng, khi cả làng xem rừng là của chung, rừng không phải tài sản chung mà là hình ảnh của một vùng đất, việc giữ gìn lưu lại cho hậu thế là trách nhiệm to lớn mà một cụ già quá niên hay đứa trẻ mới lớn lên đều sẽ làm. 

Ông Minh bảo rằng  bất kỳ ai trong làng đều hiểu cánh rừng ấy không ai được đụng chạm đến dù chỉ một sợi dây leo hay thân đại thụ.

Câu chuyện rừng làng của ông Minh theo nhịp bước chân tiến sâu vào rừng. Dòng suối chảy róc rách quanh năm như minh chứng rõ nét cho thảm thực vật đa tầng giữ nước, giữ đất vẫn nguyên vẹn ở cánh rừng này. 

Ánh nắng hiếm hoi của mùa mưa miền Trung càng tô thêm cho vẻ đẹp của rừng già. Nắng xuyên qua kẻ lá, những giọt nước cố bám víu lấy thân cây chậm rãi chảy xuống đất. Tất cả như cổ tích, vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có giữa vùng đồng bằng rộng lớn, nơi những dự án tỉ đô ngày một nhiều lên. 

"Tôi có xem tivi, thấy họ nói tử tế với thiên nhiên. Chúng tôi không biết nơi khác làm gì để tử tế, còn ở đây chúng tôi giữ rừng An Tráng để không chỉ tử tế với thiên nhiên mà là trách nhiệm với hậu nhân và tiếp bước tiền nhân", ông Minh nói.

Quý rừng, thương giữ màu xanh và xem rừng như đấng linh thiêng. Có lẽ vì vậy mà người dân ở đây ngoài giữ gìn di tích căn cứ huyện Đông Sơn còn lập một miếu thờ. Chúng tôi càng hiểu hơn vì sao trước khi dẫn khách vào rừng, ông Minh thắp hương khấn xin "thần rừng" và "những người gác miếu". 

Câu chuyện tiếp diễn trên những triền đồi, chừng 30 phút lội rừng, chúng tôi ngỡ ngàng khi hiện ra trước mắt là những đại thụ tuổi đời hàng trăm năm vẫn xanh tốt. Nhiều cây 6, 7 người ôm mới xuể.

Có một thời gian "những người lạ" từng tăm tia rừng An Tráng, mục tiêu dĩ nhiên là những cổ thụ như mít nài, vĩnh, trâm, quăng, huỷnh, chò, cầy, sến... Nhưng ánh mắt dòm ngó ấy không thể qua mắt người dân, từng người làng dõi theo động thái của "người lạ" và chẳng ai cho bước vào rừng. 

"Phải đến vài trăm năm mới có được cánh rừng như vậy, nếu không bảo vệ, rừng mất đi sẽ có lỗi với thế hệ đi trước và con cháu mai sau" - ông Minh nói. 

Rồi ông chỉ về phía nền đất mềm như tấm đệm, những "tấm thảm" này chúng tôi từng chứng kiến ở rừng pơmu thuộc huyện Tây Giang (Quảng Nam) - nơi người dân cũng xem rừng là của chung và không ai được đụng đến.

Nói rồi, ông Minh chọn một gốc cây to và ngồi nghỉ. Dưới tán rừng, quá khứ của vùng đất ùa về nơi góc nhớ của ông Minh. Với ông, giá trị của rừng không phải ở loại gỗ mà đến từ câu chuyện. 

Từ tháng 8-1970 đến tháng 4-1975, huyện Đông Sơn được thành lập (gồm 5 xã phía đông nam của huyện Bình Sơn và 9 xã khu đông TP Quảng Ngãi ngày nay). Khu rừng An Tráng được chọn làm căn cứ của các cơ quan Huyện ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Đông Sơn. 

Tại căn cứ này, Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Đông Sơn đã liên tục tiến công và nổi dậy đập tan các kế hoạch bình định, các cuộc tiến công càn quét của địch...

Giữ màu xanh nguyên thủy - Ảnh 3.

Ông Sơn đi bên bìa rừng làng Phú Vinh, nơi cây tự nhiên vẫn lừng lững qua trăm năm - Ảnh: T.M.

Giữ mạch nguồn theo hương ước

Lời ông Minh kể cũng là niềm tự hào của chính quyền xã Bình Tân Phú. Ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ tịch UBND xã này, bảo rằng người dân giữ rừng An Tráng chẳng khác nào báu vật. Nhờ tấm lòng của bà con mà rừng già không bị tác động, di tích được giữ nguyên. 

"Khi cánh rừng còn thì câu chuyện của vùng đất sẽ vẹn nguyên. Các thế hệ tiếp sau sẽ hiểu cha anh họ đã hy sinh xương máu mới có được hòa bình. Đó cũng là nơi để dạy cho các thế hệ tình yêu và trách nhiệm giữ rừng, chẳng khẩu hiệu tử tế với thiên nhiên nào lớn hơn rừng già được bảo vệ", ông Phúc nói.

Mạch nguồn sự sống khởi đầu từ rừng, khi con người biết trân trọng thiên nhiên sẽ được trả lại đủ đầy. Không chỉ rừng An Tráng mà toàn xã Bình Tân Phú có đến 7 khu rừng tự nhiên vẫn giữ vẹn nguyên như thuở hồng hoang. 

Cạnh rừng An Tráng là rừng Phú Vinh rộng 7ha. Diện tích dù không lớn nhưng rất đa dạng sinh học. Nơi đây là nhà của nhiều loài chim, thú trú ngụ. Đến gần rừng, tiếng hoang dã dội về với đầy đủ âm thanh. Đặc biệt nhất là những đàn khỉ ngày càng sinh sôi... 

Cũng giống như làng An Tráng, làng Phú Vinh không bao giờ thiếu nước, rừng trả cho người dân mạch nguồn bất tận. Những mùa hạn, rất nhiều khu vực ở xã Bình Tân Phú thiếu nước sinh hoạt, nhưng những người dân sống cạnh rừng chẳng lo điều đó dù nhà họ nằm trên nền đất cao.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (60 tuổi, xóm Phú Vinh) kể về một thời khốn khó, cái ăn cái mặc thiếu thốn. Nhiều khu vực người dân lấn dần vào rừng già lấy đất sản xuất, trồng keo nhưng người dân Phú Vinh không làm vậy. Họ nói không với việc vào rừng khai thác gỗ đổi cái ăn, dựng nhà. 

Bây giờ, cuộc sống đã đổi thay, đói nghèo chỉ còn trong câu chuyện kể. Nhưng giữ rừng vẫn nguyên nếp cũ, nhiều cây rừng chết khô người dân vẫn không đụng đến mà thay vào đó báo lên thôn, xã nắm tình hình và giữ nguyên trạng.

Trong hương ước làng Phú Vinh, số gỗ và củi khô chỉ được thu hoạch một lần trong năm, thường thì rơi vào ngày 25 tháng chạp và bắt buộc phải mang ra bán đấu giá. Số tiền thu được từ việc bán củi, gỗ khô được sung quỹ để trích hỗ trợ người dân lúc ốm đau, ngặt nghèo, chi cho hoạt động lệ xóm hằng năm. 

Việc bảo vệ rừng còn được xem là hình thức thi đua giữa tộc họ, xóm làng. Ở Phú Vinh, hương ước của làng vẫn duy trì cho đến ngày nay, ai vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Lần thứ nhất thì cảnh cáo trước làng. Lần thứ hai phạt từ 150.000 - 200.000 đồng dù chỉ nhổ cây về làm cảnh. Lần thứ ba sẽ giao cho xã, lực lượng chức năng xử lý theo quy định.

Phải có tự trọng với rừng

"Nếu người trong làng ham tiền đổi rừng thì nhiều người có bạc tỉ bởi rừng có nhiều gỗ quý. Nhưng thà đói chứ phải có tự trọng với rừng. Ông bà bảo vệ bao đời, mình phải tiếp nối gìn giữ, mai sau con cháu cũng gìn giữ, niềm tự hào ấy lớn hơn cái lợi vật chất", ông Sơn chia sẻ.

Có lẽ vì ý thức giữ rừng ấy mà cách đây không lâu, một số người ngoài địa phương dùng xe cơ giới múc đất, chặt một số cây ngoài bìa rừng đã lập tức gặp sự phản ứng dữ dội của người làng Phú Vinh. Dĩ nhiên mức phạt thích đáng từ chính quyền đã được đưa ra và cuộc đụng chạm vào rừng đã phải dừng lại kèm với lời xin lỗi người làng.

15 năm, ông Sơn tham gia giữ rừng Phú Vinh dù không nhận bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào. Ông bảo sẽ còn tiếp tục tham gia đội bảo vệ rừng. Chắc chắn những mảng xanh giữa đồng bằng vẫn vẹn nguyên đến từ "sự tử tế với thiên nhiên" của người dân.

Rừng cấm làng An Tráng Rừng cấm làng An Tráng

TT - Người làng An Tráng xem rừng cấm của làng là nguồn sinh mạch. Rừng có xanh thì nguồn mạch mới tươi tốt, làng mới thịnh. Chính vì vậy, từ xa xưa đến giờ người làng đều tự giác giữ rừng.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên