TTCT - 5g sáng, tại một lò mổ ngựa ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM, con ngựa đua xấu số bị trói chân đứng ngoan ngoãn bên gốc cột. Chủ của nó đã không thể tiếp tục nuôi do quá khó khăn. Chiếc búa vung lên. Bộp! Con vật to lớn khuỵu xuống... Ông Baudron bên con Nobel mà ông tin là mạnh nhất Việt Nam ở thời điểm này Sau khi cho xem những hình ảnh trong đoạn clip trên, ông Jean Yves Baudron, người Pháp gốc Việt, ngụ ấp 1, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, dẫn tôi đi thăm đàn ngựa đua của ông. “Từ khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, đã có hàng ngàn con ngựa bị như thế” - ông cay đắng nói. 3 con ngựa = 1 con bò Thời gian qua, một số địa phương muốn triển khai dự án đầu tư trường đua ngựa ở Việt Nam, chẳng hạn dự án Thiên Mã - Madagui ở xã Đạ Oai, huyện Đạ Hoai, Lâm Đồng; dự án cá cược đua ngựa tại Đại Lãi, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc; dự án trường đua ngựa và CLB đua ngựa tại xã Thanh Tâm, Bình Phước... Các dự án này đều có mức đầu tư cả ngàn tỉ đồng, nhưng chưa rõ tiến độ triển khai đến đâu trong thời điểm khó khăn kinh tế hiện nay. Ông Baudron vẫn còn nhớ rõ ngày nhận được thông báo của Công ty Thiên Mã, đơn vị phối hợp với CLB thể thao Phú Thọ tổ chức đua ngựa ở Trường đua Phú Thọ, về việc tạm ngưng việc đua ngựa. “Tờ giấy dán ở trường đua chỉ thông báo ngắn gọn về việc ngưng đua ngựa và cảm ơn các chủ ngựa đã đồng hành cùng công ty trong thời gian qua” - ông kể. Trước đó, UBND TP.HCM không chấp thuận cho CLB thể thao Phú Thọ tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Thiên Mã để tổ chức đua ngựa khi chưa có chủ trương của UBND, như đề xuất của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch. Ngày 31-5-2011 là ngày kết thúc hợp đồng hợp tác kinh doanh nói trên. Từ đó đến nay, ông đã bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức và cả hi vọng mỏi mòn để duy trì đàn ngựa đua của mình hiện có chín con. Hằng ngày ông cho ngựa ăn cỏ, lúa, chuối sứ và vẫn cho uống thuốc phòng bệnh, với chi phí 3 triệu đồng/con, so với 5 triệu đồng thời ngựa còn đua. “Chi phí chừng đó cho một đàn ngựa hơn hai năm qua mà không thu về được đồng nào, anh thấy cực khổ chưa?” - ông hỏi nhưng tôi chỉ ậm ừ cho qua vì nghĩ đó là một câu hỏi tu từ! Khi còn trường đua Phú Thọ, người ta thống kê có khoảng 1.200 con ngựa tham gia đua. Tính cả ngựa giống, ngựa đẻ và ngựa con thì đàn ngựa ở TP.HCM, Long An và các tỉnh lân cận khi ấy vào khoảng 4.000 con. Theo thống kê gần đây, số ngựa đua chỉ còn 266 con. “Cách đây hơn hai năm, một con ngựa có giá trung bình bằng năm con bò, giờ một con bò bằng ba con ngựa” - ông ngậm ngùi. Không có đủ điều kiện như ông Baudron, ông Võ Bửu Trí (ấp 4, xã Xuân Thới Sơn) duy trì đàn ngựa theo cách “nuôi kiểu nhà nghèo”. Từ 24 con trước đây, do khó khăn nên ông phải bán lần, giờ chỉ còn 11 con. Mỗi ngày ông dắt ngựa đến cột ở một bãi trống nào đó cho chúng ăn cỏ, hết lại chuyển sang bãi khác. Từ khi trường đua đóng cửa, ông không cho ngựa ăn lúa nữa. “Mình còn không có mà ăn thì lấy đâu cho nó ăn” - ông Trí cười buồn. Dẫn tôi về một căn nhà cũ mà ông thuê với giá 1 triệu đồng/tháng để ở cùng đứa cháu 8 tuổi và chăm sóc ngựa, ông Trí lôi ra một xấp ảnh chụp ngựa, ảnh nhận giải thưởng và một loạt huy chương mà ngựa của ông đoạt được. Nhờ ngựa đua mà ông có tiền nuôi con cái ăn học. Giờ con cái đã có gia đình, ông vẫn lay lắt giữ đàn ngựa và sống thầm lặng trong căn nhà thuê. Ông Võ Bửu Trí bên chú ngựa Hồng Quốc Thịnh cũng là dòng dõi ngựa Hoàng gia Anh Tạm xa cuộc sống gia đình đầm ấm ở Pháp, hằng ngày ông Baudron quanh quẩn với việc chăm sóc ngựa ở xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn Đã gắn nghiệp vào thân Tại quán cà phê bà Thu ở gần nhà, ông Trí giới thiệu: “Hồi trước anh em chủ ngựa sáng nào cũng tụ tập ở đây bàn chuyện thời sự đua ngựa, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ngựa. Giờ thì tan tác hết rồi”. Bà chủ quán bưng cà phê cho khách cũng góp chuyện: “Trước, buổi sáng là ngồi tràn cả ra ngoài chú ạ. Giờ thì hết rồi”. Có lẽ lâu rồi không ai gợi chuyện nên khi nhắc đến chủ đề ngựa đua là ông Trí nói như không có điểm dừng. Năm nay 72 tuổi, gắn cả cuộc đời với nghề nuôi ngựa, ông Trí có quá nhiều kỷ niệm với chúng. Từng theo ông ngoại và cậu ruột đi chăn ngựa từ nhỏ, ông có niềm đam mê đặc biệt với ngựa. “Hồi đó tôi mê ngựa đến nỗi hễ phim nào có ngựa là tôi phải coi cho bằng được. Chính vì thế tôi rất mê hình ảnh các anh cao bồi miền Tây cưỡi ngựa bắn súng” - ông cười nhớ lại. Năm 1963, ông mua con ngựa đua đầu tiên giá 17.000 đồng. Nhờ tài huấn luyện của ông, con ngựa liên tục thắng nhiều trận và hai năm sau ông bán được giá 100.000 đồng - số tiền khi ấy có thể mua được một chiếc ôtô. Nhờ ông mát tay, đàn ngựa gầy dựng ngày càng tăng. Cũng như ông Trí, ông Baudron mê ngựa đua từ nhỏ theo gen gia đình. Cha vợ ông, ông Trần Ngọc Sơn vốn là giám thị đường ngay (đoạn đường thẳng 400m nước rút) ở trường đua Phú Thọ, nổi tiếng vì nắm trong tay con Thần mã Thoại Lang. Sở dĩ được phong Thần mã vì trong “sự nghiệp” của mình từ năm 1967-1974, Thoại Lang đã giành được 114 giải nhất và sáu lần vô địch đại hội. Có một giai thoại kỳ lạ là trừ ngựa cùng chủ ra, bất cứ con ngựa nào từng thắng Thoại Lang thì sau đó đều bị thương, chết hoặc nếu không thì ra trường đua cũng dở chứng không chịu đua. Ông Baudron nuôi ngựa đua từ năm 1968. Năm 1976 ông về Pháp định cư cùng gia đình. Trở lại Việt Nam năm 1992, ông gầy dựng một bầy ngựa đua, trong đó con Mã Trường Chi Bảo mua với giá 65 triệu đồng. Từng là chủ một garage ở Pháp, vì mê ngựa nên ông đã giao lại cơ sở cho con trai quản lý, một mình về Việt Nam nuôi ngựa. Nay ở tuổi 66, hằng ngày ông quanh đi quẩn lại với việc cho ngựa ăn, dắt ngựa đi dạo... Ngay cạnh chuồng ngựa của ông Baudron là chuồng ngựa của ông Phạm Văn Triều, một cựu thiếu úy công an đã xin nghỉ để thỏa niềm đam mê nuôi ngựa. Hiện đàn ngựa của ông Triều có năm con. Mong ngày trở lại Nhìn đàn ngựa cứ vơi đi từng ngày do chủ không đủ điều kiện duy trì, ông Baudron không khỏi đau lòng. Nếu ngồi chờ trường đua Phú Thọ mở cửa trở lại thì thật mong manh, ông quyết định phải tập hợp chủ nuôi ngựa và tạo sân chơi mới cho anh em. May sao, một công ty ở Long An cùng chung ý tưởng nên đã cùng ông tập hợp các chủ ngựa để thống kê ngựa đua trong ba ngày từ ngày 15 đến 17-7 vừa qua. Đồng thời đơn vị này cũng triển khai xây dựng một đường piste ở Đức Hòa, Long An để các chủ ngựa có sân chơi cho ngựa tập dượt và đua giải trí với nhau, chờ ngày có sân chơi chuyên nghiệp. Ông Baudron cho biết anh em chủ ngựa rất phấn khởi vì đợt thống kê vừa rồi có tác dụng hâm nóng tinh thần của họ sau thời gian mỏi mòn duy trì đàn ngựa. Trước đó, ngày nào cũng có thương lái tìm đến chuồng ngựa hỏi mua ngựa thịt nhưng nay đã bớt nhiều. Không những thế, một số chủ ngựa còn mua thêm ngựa. Như ông Triều mới mua thêm một con giá 30 triệu đồng, ông Trí mua thêm một con giá 15 triệu, ông Baudron vừa mua được con Nobel giá 100 triệu đồng mà ông tin rằng sẽ cùng với con Ansaphire là hai tuấn mã vô địch Việt Nam ở thời điểm này. Nobel và Ansaphire đều là dòng dõi của Vang và Khứu - hai con ngựa Hoàng gia Anh tặng Việt Nam. Ansaphire mới đua được năm trận thì trường đua đóng cửa, với kết quả bốn trận về nhất và một trận về nhì. Nobel cũng thắng rất nhiều giải trước đó. Ông Baudron từng muốn mua Nobel nhưng lúc ấy giá của nó hơn 300 triệu đồng mà chưa chắc người chủ đã bán. Vậy mà hơn một tháng trước, người chủ của Nobel khó khăn quá nên đành bán cho ông. Do “lỡ thời” nên giá Nobel chỉ còn 100 triệu đồng. Cách đây vài ngày, một đại gia đến hỏi mua Nobel với giá 200 triệu, ông Baudron chỉ nói ngắn gọn: “Đại gia ở Việt Nam có thể bỏ cả trăm triệu đồng để mua cái hộp quẹt, tôi bỏ ra 100 triệu vì tôi yêu ngựa và hơn nữa, 100 triệu để sở hữu một nhà vô địch thì không phải là quá đắt, bao nhiêu tôi cũng không bán”. Gặp lại ông Baudron ngày đầu tuần, chúng tôi đang trò chuyện thì điện thoại reo, một chủ ngựa gọi hỏi ý kiến về việc bán ngựa. Tất nhiên ông khuyên chủ ngựa ráng giữ ngựa vì nghe tin một số dự án mở trường đua ngựa sắp tới. Ông cũng động viên người bạn rằng đường piste ở Đức Hòa, Long An sắp làm xong. Kết thúc cuộc điện thoại, ông quay sang tôi bảo: “Mấy hôm nay trời mưa quá, giờ chỉ nắng độ 10 ngày, rải cát cho đường đua nữa là xong, cầu trời cho nhanh chứ đàn ngựa mong manh lắm rồi...”. Tags: Trường đua Phú ThọNgựa đuaĐức HòaÔng Jean Yves Baudron
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.