17/07/2020 14:45 GMT+7

Giữ lại những ngón kiêu sa

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã nghĩ ra những phương pháp chưa từng ghi nhận trong các báo cáo y khoa trước đây để cứu ngón tay cho các bệnh nhân bị thương tổn...

Giữ lại những ngón kiêu sa - Ảnh 1.

Bác sĩ Xuân Anh (bìa trái) trong một ca phẫu thuật - Ảnh: Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp

Giữ lại từng “bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa” cho bệnh nhân trong điều kiện gặp những tổn thương giập nát, mất da và mạch máu là điều trăn trở khiến các bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng nghĩ ra những phương pháp chưa từng ghi nhận trong các báo cáo y khoa trước đây.

Giải bài toán lạ bằng bài toán quen

Cuối tháng 6, một bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Đà Nẵng trong tình trạng tổn thương nặng một ngón tay. Ngón tay đeo nhẫn gần hai chục năm của người này đã khá to so với chiếc nhẫn. Tình huống thật hi hữu: người này nhảy khi xuống xe, chiếc nhẫn vô tình bị móc vào một phần cánh cửa kéo phăng 1 đốt ngón tay kèm thịt da của các đốt còn lại, ngón tay chỉ còn xương và mất đi một đốt xương.

Thay vì phải bỏ phần đốt ngón tay bị lóc rời, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện một kỹ thuật khác để giữ lại chức năng cho bàn tay này.

Các bác sĩ phẫu thuật đã lọc lấy phần xương và cố định nó vào các đốt xương còn lại của ngón tay, sau đó bọc tất cả lại bằng vạt da vùng bẹn để giữ lại hình thái ngón tay cho bệnh nhân. Kỹ thuật cứu ngón tay này được bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh, phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, và đồng sự thực hiện nhiều năm nay, được tổng kết bằng công trình mang tên "Nghiên cứu tạo hình cẳng, bàn tay bằng vạt da vùng bụng dưới và xương chậu".

Theo bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh, kỹ thuật này chủ yếu áp dụng cho các trường hợp những ngón tay bị tổn thương nghiêm trọng, tổ chức mạch máu và các mô không còn nguyên vẹn để có thể áp dụng kỹ thuật vi phẫu, hoặc trong những trường hợp các yếu tố khách quan và chủ quan vượt quá chỉ định của kỹ thuật vi phẫu.

"Khi đi báo cáo, chúng tôi nhận thấy y văn trong và ngoài nước chưa nói về cách làm này. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định rằng "chôn tay vào bụng" thực chất là kỹ thuật rất quen thuộc trong phẫu thuật tạo hình, và kỹ thuật ghép xương và ghép gân cũng không xa lạ gì. Có thể nói, đây là chút biến tấu để đưa một bài toán lạ thành những bài toán rất quen thuộc" - bác sĩ Xuân Anh giải thích.

Chỉ tính riêng từ cuối năm 2013 đến 2018, bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh cùng các cộng sự đã tiến hành phẫu thuật 72 bệnh nhân theo cách giải quyết ca lâm sàng chưa được báo cáo trên y văn bằng những phương pháp phẫu thuật rất đỗi quen thuộc để giúp phục hồi chi bị đứt lìa, giập nát.

Mở ra cơ hội cho bệnh nhân

Với những trường hợp mất da, mô và xương 1 bàn tay, các bác sĩ sử dụng vạt da vùng bụng dưới kèm xương mào chậu để phục hồi giải phẫu cho bàn tay bệnh nhân. Vì vùng da này vừa có mạch máu, vừa tương đối mỏng, dễ tạo thành bao ôm lấy ngón tay, thuận tiện cho việc tạo hình.

Trong hầu hết các trường hợp khi tổn thương vượt quá chỉ định của vi phẫu, nếu không áp dụng kỹ thuật "chôn tay vào bụng kèm xương" thì chỉ còn có thể cắt cụt ngón tay cho bệnh nhân. Nếu ngón tay cụt ở vị trí ngón 1, 2 và 5 thì đó là một mất mát lớn đối với chức năng bàn tay cho bệnh nhân, tước đi cơ hội lao động của họ.

"Giải pháp này mang đến cơ hội giữ lại những bàn tay, ngón tay tưởng như không còn. Vừa là yếu tố thẩm mỹ nhưng quan trọng hơn cả là giúp phục hồi khả năng lao động và sinh hoạt của bệnh nhân" - bác sĩ Xuân Anh nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, các trường hợp tổn thương chi trên là tương đối phổ biến. Do vậy, việc nghiên cứu giữ lại được hình thái ngón tay cho bệnh nhân, nhất là các ngón chức năng như ngón 1 và ngón 2 của bàn tay, để hỗ trợ bệnh nhân trong công việc và sinh hoạt hằng ngày là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Tuy nhiên với những tổn thương đa dạng và phổ biến, có những trường hợp dù có máy móc và bác sĩ giỏi thì cũng phải chấp nhận "chống chỉ định" với kỹ thuật vi phẫu thì việc áp dụng kỹ thuật "chôn ngón tay vào bụng kèm xương" là bài toán cứu cánh duy nhất.

Cái hay ở đây là vì đây là kỹ thuật dựa trên nền tảng những kỹ thuật kinh điển, không quá phức tạp và không cần đến máy móc đắt tiền, hiện đại nên nó dễ dàng để phổ biến, các cơ sở y tế và bác sĩ cũng không phải dành ra quá nhiều nguồn lực, nhân lực và kinh phí để tiếp cận và hoàn thiện. Khi đó, ngành y tế cũng giảm được gánh nặng về chi phí đầu tư nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như chi phí điều trị trên mỗi bệnh nhân.

"Với các tổn thương này, phẫu thuật trong "giờ vàng" là vô cùng cần thiết, các bệnh viện tại địa phương thực hiện được thì bệnh nhân được điều trị sớm, có cơ hội nhanh phục hồi, giảm được đi lại, tiết kiệm được chi phí điều trị" - bác sĩ Khánh nói.

Theo bác sĩ Xuân Anh, phương pháp giải quyết cứu ngón tay này đã được thực hiện thành công nhiều lần và đang được áp dụng tại Bệnh viện Đà Nẵng cũng như chuyển giao cho các bệnh viện trong khu vực.

Đoạt giải nhì công trình nghiên cứu

Công trình "Nghiên cứu tạo hình cẳng, bàn tay bằng vạt da vùng bụng dưới và xương chậu" do bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh - phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - làm chủ nhiệm, cùng cộng sự là bác sĩ Nguyễn Duy Khánh thực hiện.

Công trình này vừa được Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) công bố đoạt giải nhì (lĩnh vực y dược) Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, trao giải đầu tháng 7 vừa qua. Trước đó, công trình cũng đã đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Đà Nẵng.

'Dời' ngón chân số 2 lên thay ngón tay cái bị dập nát

TTO - Các bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM vừa tái tạo thành công ngón tay cái của bệnh nhân bằng cách chuyển ngón chân số 2 lên thay thế ngón cái đã bị dập nát do tai nạn lao động.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên