Cầu Xóm Bóng Nha Trang - Video: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG
Cầu Xóm Bóng trên đường 2-4 (quốc lộ 1 C), bắc qua sông Cái, cùng với Tháp Bà Ponagar, tạo nên một cảnh trí đặc trưng của Nha Trang.
Cầu được người Pháp xây dựng từ năm 1925. Năm 1968, cầu được chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho xây dựng lại dài 309m, gồm 15 nhịp. Tháng 4-1975, cầu bị đánh bom sập nhịp số 10 và được sửa lại sau đó. Năm 1985, cầu tiếp tục được sửa chữa mở rộng và được sử dụng cho đến nay.
Giữ cầu cũ, nhiều cái lợi
Nhiều bạn đọc cho rằng TP Nha Trang có 2 cầu bắc qua sông Cái là cầu Trần Phú và cầu Xóm Bóng là quá ít, không đủ lưu thông và thoát hiểm. Vì thế, Nha Trang nên học cách làm của TP Đà Nẵng (làm nhiều cầu qua sông Hàn). Do đó, khi làm cầu mới nên giữ lại cầu Xóm Bóng hiện nay để làm cầu dự phòng.
Có bạn đọc so sánh: Ở Phú Yên, khi Bộ Giao thông vận tải xây cầu Đà Rằng mới bắc qua sông Ba, vẫn giữ lại cầu Đà Rằng cũ. Không hiểu sao, ở Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải xây cầu Xóm Bóng mới lại phá cây cầu cũ đi.
Cùng với Tháp Bà Ponagar, cầu Xóm Bóng tạo nên một khung cảnh đặc trưng của Nha Trang - Ảnh của NSNA Nguyễn Bá Mậu chụp năm 1963 - Ảnh: Artcorner
Cầu Xóm Bóng hiện nay - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Đa phần ý kiến bạn đọc đều cho rằng việc giữ lại cầu Xóm Bóng hiện tại sẽ có lợi nhiều hơn là phá dỡ cầu này.
Bởi cầu hiện tại tuy có xuống cấp nhưng vẫn đang phục vụ giao thông bình thường, kể cả nhiều loại xe tải. Do đó, giữ lại cầu này để phục vụ lưu thông trong quá trình xây cầu mới sẽ không gây xáo trộn, ách tắc như đã từng xảy ra khi phân luồng giao thông dồn qua cầu Trần Phú (thành cầu độc đạo) để sửa chữa cầu Xóm Bóng vào năm 2019.
Đồng thời, như vậy sẽ không phải tốn chi phí không nhỏ cho việc thuê phá dỡ cầu.
Còn khi có thêm cầu Xóm Bóng mới thì có thể phân luồng giao thông cho các xe thô sơ, xe 2 bánh tiếp tục lưu thông qua cầu Xóm Bóng cũ, còn ôtô đi theo cầu mới, như vậy lưu thông sẽ được thông thoáng hơn.
Ông Huỳnh Hòa - chủ tịch Hội Cầu đường tỉnh Khánh Hòa, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án giao thông, thủy lợi tỉnh - cho rằng: "Đề xuất đó là một ý tưởng tốt, bởi nếu giữ lại được cầu cũ để phục vụ lưu thông trong thời gian xây dựng cầu mới (ít nhất cũng vài năm trở lên) là cái lợi trước tiên".
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - cựu giám đốc Sở Xây dựng - cho rằng "nếu có phương án giữ lại được cầu Xóm Bóng hiện nay khi xây cầu mới để có thêm luồng giao thông thì quá tốt".
"Bộ không đồng ý..."
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Văn Dần - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa - cho biết khi xem xét, góp ý hai phương án thiết kế do Bộ Giao thông vận tải gởi cho tỉnh Khánh Hòa vào năm 2016, về dự án xây dựng cầu Xóm Bóng, lãnh đạo tỉnh khi ấy đã đề nghị tăng bề rộng của cầu từ 19m theo thiết kế của bộ lên 22m (cầu hiện tại chỉ 11m).
Ngoài ra còn có đề xuất phương án xây thêm một cầu mới song song, để giữ lại cầu Xóm Bóng hiện hữu.
Nhưng "Bộ Giao thông vận tải không chấp nhận các đề xuất đó. Vì trên quốc lộ 1C, bộ chỉ chấp nhận thiết kế cầu theo phương án một đơn nguyên và khổ cầu 19m" - ông Dần nói.
Theo thạc sĩ về hạ tầng đô thị Lý Văn Oanh, "cầu Xóm Bóng hiện nay được xây dựng hơn 50 năm, đã xuống cấp. Cầu có trụ cọc và dầm liên hợp bằng thép, ở khu vực gần biển có nước mặn xâm nhập nên trụ cầu bị ăn mòn đã nhiều".
Cũng theo ông Oanh, nếu giữ lại cầu cũ, khi xây thêm cầu mới có khổ cầu rộng hơn rất cần phải xem xét kỹ, bởi sẽ ảnh hưởng đến những vấn đề khác như: giải tỏa, lưu thông…
Còn theo ông Huỳnh Hòa, cái khó trong việc giữ lại cầu Xóm Bóng khi xây cầu mới đó là quốc lộ 1C do Bộ Giao thông vận tải quản lý, dự án do bộ quyết định đầu tư chứ không thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Vẻ đẹp cầu Xóm Bóng và di tích Tháp Bà Ponagar về đêm - Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG
Tạo một điểm nhấn mới cho Nha Trang
Một lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa trước đây đề xuất thiết kế xây cầu Xóm Bóng mới tách biệt với cầu hiện tại và giữ lại cầu Xóm Bóng hiện nay. Như vậy, trên đoạn hạ lưu sông Cái Nha Trang sẽ có được tới 3 cây cầu, gồm cầu Trần Phú cùng hai cầu Xóm Bóng cũ và mới.
Về thiết kế, lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa kể trên nêu phương án vẫn giữ hai đầu cầu tại các điểm cầu hiện hữu nhưng mở rộng hơn và thiết kế cầu theo đường cong vòng ra mặt sông Cái về phía Đông cầu hiện tại.
Như vậy, cầu Xóm Bóng mới sẽ dài hơn nhưng sẽ được thiết kế tạo hình thành cây cầu du lịch, phối hợp với cảnh quan khu di tích Tháp Bà Ponagar, tạo thêm "điểm nhấn" du lịch trên sông Cái cho TP Nha Trang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận