08/06/2019 12:27 GMT+7

Giữ không gian biển: Cần tâm thức mới, hành động mới

TS NGUYỄN MINH HÒA
TS NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Bình Định kiên quyết di dời ba khách sạn trên bãi biển Quy Nhơn. Đà Nẵng quyết tâm lấy lại một phần đất đã cấp cho doanh nghiệp để làm đường xuống biển, rà soát các dự án. Dư luận hoan nghênh động thái 'sửa sai' của các tỉnh, thành này.

Giữ không gian biển: Cần tâm thức mới, hành động mới - Ảnh 1.

Khu đất rộng lớn ven biển ở dự án DAP (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), thành phố đang làm việc với nhà đầu tư để thu hồi làm quảng trường phục vụ cộng đồng - Ảnh: HỮU KHÁ

Sửa sai, dù muộn, nhưng rõ ràng có biến chuyển trong nhận thức và hành động.

Bờ biển bị cắt khúc

Cha ông ta mở cõi từ Bắc xuống Nam cũng là đi lần hồi dọc theo bờ biển. Nhưng lịch sử phát triển của người Việt Nam không phải là lịch sử chinh phục đại dương, về cơ bản người Việt là quay lưng ra biển, quay mặt vào đất liền. 

Chúng ta chưa từng có những đội thương thuyền lớn chủ động giao thương với các nước, chưa có những nhà hàng hải khám phá những vùng đất xa xôi. 

Dân Việt xưa thích làm nông nghiệp, còn ngư nghiệp thì chỉ khai thác quanh bờ với những thuyền nhỏ xuất phát từ những làng chài cũng nhỏ.

Vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, có bờ biển dài 3.260km. 

Các quốc gia có biển bao giờ cũng căng mắt hướng ra biển để đón bạn và cảnh giác với thù. Họ sớm hình thành ven biển những dải thành thị liền mạch theo chiều dọc và chiều ngang. 

Đó là những pháo đài phòng thủ ở những điểm trọng yếu và các thành phố, thị trấn, làng nghề liên thông với nhau. 

Ngày nay, các quốc gia có biển cũng ứng xử như thế, dải bờ biển là một liền mạch của sự kết hợp kinh tế, xã hội, quốc phòng. Kinh tế biển trong thế kỷ 21 này và tiếp nữa chiếm một vị trí cực kỳ trọng yếu trong đời sống nhân loại khi mà tài nguyên trên đất liền đã cạn kiệt.

Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" ban hành ngày 22-10-2018 đã xác định tầm quan trọng của bờ biển trong bối cảnh Biển Đông hiện nay. Việc coi biển là "mặt tiền quốc gia" là một tâm thức mới và đòi hỏi hành động mới.

Những năm gần đây, bờ biển của nước ta đã được đưa vào khai thác nhưng chủ yếu là phục vụ cho du lịch. 

Các thành phố biển xuất hiện dày đặc những resort, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ nằm sát bờ biển. Và chưa có chủ trương quyết liệt, nhận thức chưa tới nên đưa đến những hệ lụy xấu.

Trước hết là tình trạng phân lô, cát cứ. Tình trạng này diễn ra từ Bắc tới Nam, ở bất cứ vùng biển nào của Hạ Long, Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu... đều thấy hiện tượng mỗi ông chủ resort, khách sạn chiếm một khúc bờ biển, kèm theo là một khúc đường. 

Việc phân lô cát cứ này làm cho dải đô thị ven biển bị cắt khúc không liền mạch không chỉ về không gian vật lý mà còn cả về kinh tế - xã hội.

Đừng nhân rộng cái sai

Như đã biết, muốn khai thác kinh tế biển thì phải hoàn thiện dải đô thị ven biển, bởi các thành phố, thị xã ven biển chính là các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và cả an ninh quốc phòng, nên phải liên kết thành một dải liền mạch, mà muốn liên kết được thì tuyến đường giao thông ven biển, được coi là huyết mạch quan trọng nhất không được chia cắt, phân mảnh. 

Sự liền mạch của giao thông và không gian đô thị này trước hết là phục vụ cho hoạt động kinh tế, dòng chảy liên tục của hàng hóa, các cơ sở cung ứng dịch vụ khai thác biển, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến hải sản, khai thác và chế biến dầu khí, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng phải nằm trong chuỗi khăng khít, bổ trợ cho nhau.

Và điều quan trọng nhất của sự liền mạch về giao thông và đô thị có ý nghĩa sống còn với quốc gia tiếp giáp với biển là an ninh quốc phòng. 

Khi có chiến tranh, tuyến giao thông liền mạch ven biển sẽ giúp cho việc vận chuyển quân lực, khí tài, thiết bị quân sự, sơ tán dân cư, triển khai lực lượng bảo vệ đất liền. 

Việc ra đời các tổ hợp du lịch khổng lồ ở biển như hiện nay vô hình trung đã xóa sổ hay đẩy các hoạt động kinh tế biển khác ra xa, khiến chúng tách rời nhau, hoạt động kém hiệu quả.

Kinh tế biển không phải chỉ có du lịch mà còn nhiều ngành nghề khác như: đóng, sửa chữa tàu, ghe biển; nghề đan lưới và phụ kiện đánh cá; nghề làm muối, nước mắm, chế biến hải sản khô; nghề nuôi sản vật từ biển; nghề chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ biển; nghề chế biến thực vật từ biển (rong, tảo biển); nghề khai thác vật liệu xây dựng từ biển (cát xây dựng, san hô, đá ngầm...). 

Như thế, dọc theo bờ biển của đất nước sẽ phải có các thành phố, thị trấn, làng nghề, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng được phát triển theo quy hoạch và kế hoạch, hình thành nên một dải kinh tế - xã hội suốt chiều dài bờ biển. 

Chính các tổ hợp kinh tế - xã hội và lớp cư trú ven biển đóng vai trò như áo giáp bảo vệ cơ thể quốc gia.

Do kiểm soát không tốt nên các thành phố biển đã để cho các khách sạn, cao ốc ken kín dọc bờ biển tạo thành một bức tường không chỉ che chắn gió biển, che tầm nhìn mà còn tạo ra một hình thái kiến trúc biển rất mỏng. Đó là một sai lầm, nhưng không dễ khắc phục.

Trả bãi biển cho cộng đồng: cực kỳ khó nếu thiếu quyết tâm

TTO - Nhiều địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định... đang 'sửa sai' khi điều chỉnh, thu hồi các dự án ven biển để trả lại không gian cho cộng đồng. Nhưng việc này cực kỳ khó khăn, nếu thiếu quyết tâm...

TS NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên