01/08/2013 06:09 GMT+7

Giữ hồn đại ngàn

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Hơn 100 chi đoàn làng buôn đồng bào Ba Na, Jarai thuộc tỉnh Gia Lai đã phát động gây quỹ thanh niên xây dựng nhà rông, mua cồng chiêng để giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

SL7cZDeH.jpgPhóng to
Chi đoàn làng Hle Ktu, thị trấn Krông Chro tập đánh cồng chiêng để tham gia các lễ hội - Ảnh: TR.CƯỜNG

Rời TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) khi phố núi còn mù sương, vượt qua chặng đường dài chúng tôi đến xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ khi trời vừa hửng sáng. Để đến được làng Jun, xã Yang Bắc, xe chúng tôi chật vật vượt đèo Mang Yang trong không khí đẫm sương sớm...

“Bàn tay ta làm nên tất cả”

Lấy văn hóa truyền thống để tập hợp thanh niên

Khoảng 3-4 năm nay, việc xây dựng nhà rông, mua cồng chiêng xuất phát từ thực tế của các chi đoàn làng. Theo tổng hợp chưa đầy đủ, cả tỉnh Gia Lai có khoảng 100 chi đoàn làng ở vùng đồng bào dân tộc có hoạt động gây quỹ thanh niên để mua cồng chiêng, làm nhà rông và đầu tư nhiều công trình dân sinh, hỗ trợ thanh niên nghèo có nhu cầu mưu sinh lập nghiệp... Tỉnh đoàn cũng chỉ đạo tổ chức thường xuyên các liên hoan cồng chiêng cấp huyện, tỉnh để các làng có cơ hội sinh hoạt, giao lưu văn hóa. Qua đó lấy văn hóa truyền thống để tập hợp thanh niên...

Anh Võ Anh Tuấn (bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai)

Hai nhà rông làng Jun nằm ở khoảnh đất rộng, lọt thỏm giữa núi đồi trập trùng. Bước vào nhà rông như cảm thấy phảng phất hồn thiêng của núi rừng Tây nguyên. Hồn thiêng ấy hôm nay được gìn giữ bởi những thanh niên của buôn làng. Anh Đinh Văn Sanh, phó bí thư Xã đoàn Yang Bắc, nguyên là bí thư chi đoàn làng Jun, nhớ lại từ năm 1998 nhà rông của làng đã dột nát, cồng chiêng cũng bị mất trộm gần hết. Buồn vì không có địa điểm sinh hoạt, cũng như lễ hội vắng tiếng cồng chiêng, chi đoàn làng mới bàn nhau gây quỹ phục dựng nhà rông, mua cồng chiêng. Tuy nhiên, quỹ chỉ được góp bằng những ngày công đi làm của thanh niên nên không nhiều nhặn gì.

Đến năm 2001, bố anh Sanh cho một khoảnh đất để làm nhà rông. Chi đoàn làng xin ý kiến già làng và được già đồng ý, dân làng ủng hộ đoàn viên chi đoàn tự dựng nhà rông. Chi đoàn vận động gần 60 đoàn viên, phân công từng nhóm vào rừng tìm cây, tre nứa, tranh...Công đoạn khó nhất là kéo cây trụ từ rừng về làng, cách xa 7km với nhiều đồi núi. Bằng sức người, gần 20 đoàn viên thay nhau kéo gỗ về. Bàn tay, vai nhiều người ứa máu vì kéo gỗ.

Ròng rã gần hai tháng trời cùng với sự giúp sức của dân làng, hai nhà rông được hoàn thiện. “Tổng chi phí thời điểm đó khoảng 70 triệu đồng”, anh Sanh nói. Quỹ thanh niên làng cũng trích ra mua một bộ cồng chiêng gần 20 triệu đồng. Ngày khánh thành nhà rông là ngày hội vui nhất từ trước đến nay của làng Jun. Qua lời kể của anh Sanh, người nghe như mường tượng những người con của núi rừng Gia Lai cuồng quay trong điệu múa xoang, cùng với tiếng cồng chiêng vang dội giữa đại ngàn lộng gió. Ánh lửa bập bùng như soi bóng nhà rông cao vút giữa trời đêm...

Có nhà rông, trẻ nhỏ của làng được dạy đánh cồng chiêng, múa xoang để nối tiếp cha anh gìn giữ truyền thống dân tộc. Từ khi có nhà rông mới đến nay, thanh niên làng Jun đoạt nhiều giải thưởng về liên hoan cồng chiêng từ cấp huyện, tỉnh đến toàn quốc. Từ mô hình này, chi đoàn nhiều làng khác trong huyện cũng noi theo làm nhà rông. Đưa tay mân mê cột nhà rông, anh Sanh nói năm nay chi đoàn làng Jun có kế hoạch làm nhà rông mới khoảng 1 tỉ đồng.

Vang dội hồn đại ngàn

Cách xa làng Jun, nhà rông làng Hle Ktu, thị trấn Krông Chro (huyện Krông Chro) cũng được dựng lên bằng bàn tay, mồ hôi của chi đoàn làng. Con đường Trường Sơn Đông dẫn đến làng Hle Ktu dài thăm thẳm dốc đèo với những khúc cua cùi chỏ. Chúng tôi đến Hle Ktu vào dịp chi đoàn làng đang tập dượt múa xoang, đánh cồng chiêng...

Trong không gian mờ mờ ảo ảo của nhà rông, anh Đinh Văn Ênh, bí thư chi đoàn làng, chầm chậm kể chuyện làm nhà rông. Năm 2011, các đoàn viên làng đều khao khát có một nhà rông to đẹp thay cho nhà rông đã hư hỏng. Đã có tiền từ quỹ thanh niên, chi đoàn xin chính quyền được lấy gỗ ở rừng. Rừng cách xa làng 20km, gần 100 đoàn viên nô nức bắt tay vào tìm vật dụng làm nhà rông. Gần hai tháng dầm mưa dãi nắng, nhà rông đã thành hình với chiều dài 30m, ngang 6,5m. Tính cả ngày công, nhà rông có trị giá 1,3 tỉ đồng. Nhìn những cột lớn nhà rông to bằng vòng tay người ôm mới biết mồ hôi, công sức của thanh niên đồng bào Ba Na bỏ ra cho công trình này như thế nào. Chi đoàn cũng mua một bộ 28 cồng chiêng để phục vụ sinh hoạt văn nghệ trong các lễ hội làng. Ngày khánh thành nhà rông, già trẻ lớn bé ai cũng chếnh choáng men rượu cần, đắm chìm trong tiếng cồng chiêng không dứt... Già làng Chuy nét mặt rạng rỡ nói: “Già mừng vì lớp trẻ biết gìn giữ truyền thống của đồng bào mình. Nếu không, bản sắc văn hóa dân tộc sẽ mai một dần. Giữ được cồng chiêng, nhà rông là có thể lưu truyền văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ đồng bào Ba Na”.

Không chỉ thanh niên Ba Na mà thanh niên đồng bào Jarai cũng sôi nổi chung tay vào làm nhà rông, mua cồng chiêng. Chúng tôi theo chân cán bộ Huyện đoàn Chư Păh đến nhà rông làng Kép, xã IaPhí, nằm dưới sườn dốc thoai thoải. Anh Lunh, bí thư chi đoàn làng Kép, hào hứng kể năm 2011 thanh niên làng bắt tay vào làm nhà rông. Do gỗ khan hiếm, chi đoàn xin ý kiến già làng cho làm nhà rông theo kiểu đổ trụ bêtông, trần bằng gỗ, vách bằng tôn. Nhà rông đã hoàn thành từ lâu, nhưng do thiếu kinh phí nên mãi đến đầu năm 2013 chi đoàn mới mua được một bộ cồng chiêng để sinh hoạt lễ hội.

Khi chúng tôi rời các buôn làng, những bàn tay thô ráp nắm níu như muốn giữ người ở lại với buôn làng, với tiếng cồng chiêng vang vang trong gió ngàn thênh thang.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên