Đó là quy định đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân mới được ban hành.
Cùng với đó, những ý kiến đề xuất Chính phủ cân nhắc đến chính sách miễn học phí bậc mầm non và các bậc học phổ thông hiện chưa được phổ cập, coi đây là một chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng tới miễn học phí bậc mầm non, phổ thông
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, nhận định rằng dù nghị định 97 ra đời chậm khi thời điểm này, học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 đã kết thúc, HĐND của nhiều tỉnh thành cũng đã phê duyệt học phí bậc mầm non và giáo dục phổ thông.
Tuy vậy, nghị định này phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay khi thu nhập của người dân cũng chưa khá hơn là bao, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Hồng, học phí là một trong những nguồn thu chính của các trường đại học và ở Việt Nam nó cũng ảnh hưởng lớn đến các trường và người học, nên việc lùi thời gian thực hiện theo nghị định 81 một năm là tạo điều kiện cho người học có cơ hội tiếp cận giáo dục hơn.
Riêng về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, cần đi theo hướng khuyến khích các địa phương miễn học phí cho bậc học THCS.
Cụ thể, bậc mầm non ở nhiều quốc gia phải đóng học phí nhưng họ có cơ chế cho mượn hoặc trợ giúp học phí cho các gia đình gặp nhiều khó khăn.
Với chúng ta, hỗ trợ học phí (cho mượn hoặc giảm) bậc mầm non là khá khó khăn vì hiện tại, các cơ sở giáo dục mầm non công lập không đủ cho trẻ đến trường trong nhiều năm nữa, sẽ là gánh nặng cho Nhà nước nhưng nếu thu học phí ở mức cao thì gánh nặng này lại chuyển sang người lao động trẻ, đặc biệt là giới lao động trong khu vực lao động phổ thông.
"Việc cân bằng giữa khả năng của Nhà nước và công dân được thực hiện qua các chính sách. Hy vọng rằng các chính sách giáo dục mầm non của chúng ta sẽ hướng đến người lao động có thu nhập thấp - đối tượng bị thiệt thòi nhất trong tiếp cận giáo dục", ông Hồng nói.
Trong khi đó, bà Văn Thị Bạch Tuyết, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhìn nhận với việc nghị định 97 giữ nguyên mức học phí năm học 2023 - 2024 đối với bậc mầm non và phổ thông như năm học 2021 - 2022 là một động thái quản lý đúng đắn của Chính phủ.
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nền kinh tế nước ta dù có mức độ tăng trưởng khá nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng, việc giữ ổn định học phí bậc mầm non và phổ thông trước tiên nhằm giúp tâm lý người dân ổn định, ngăn chặn đáng kể tình trạng xáo trộn trong đời sống kinh tế nhiều biến động hiện nay", bà Tuyết nhận xét.
Theo bà Tuyết, học phí bậc mầm non, phổ thông ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân, nhất là đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp.
Học phí các bậc học từ phổ thông trở xuống cũng ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội nói chung nên việc giữ ổn định học phí còn ngăn chặn tình trạng bỏ học, thất học của nhiều trẻ em.
"Theo quan sát của tôi, năm học 2023 - 2024, nhiều tỉnh thành đã có chính sách miễn học phí cho bậc THCS, chia sẻ một phần khó khăn về mức học phí đối với bậc THPT. Chúng ta đã phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, bậc tiểu học...
Những chính sách miễn học phí ở một số bậc học phổ thông của các tỉnh thành thực sự tác động tích cực lên đời sống xã hội, tạo cho trẻ cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn.
Vì thế, tôi mong Chính phủ cân nhắc đến chính sách miễn học phí bậc mầm non và các bậc học phổ thông hiện chưa được phổ cập, coi đây là một chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội", bà Tuyết đề xuất.
Học phí đại học: dung hòa đôi bên
Với khối đại học, thực tế nhiều trường đã tạm thu học phí năm học 2023 - 2024 theo mức quy định của nghị định 97 từ đầu năm học.
Nói về nghị định 97 mới ban hành cho phép trường đại học tăng học phí nhưng lùi một năm sau ba năm không tăng, đại diện một trường đại học tự chủ chi thường xuyên cho biết đây là giải pháp dung hòa cho cả người học và nhà trường.
Ông này cho biết trường tự chủ năm 2021 và từ đó đến nay chưa tăng học phí khiến trường gặp không ít khó khăn.
"Đầu năm học 2023 - 2024, trường đã tạm thu học phí theo mức mà nghị định 97 vừa ban hành quy định. Trường cũng có phương án dự trù trong trường hợp không được tăng học phí.
Dựa trên nguồn thu này, trường lập dự toán cho năm 2024. Mới đây, trường cũng phải lập phương án tài chính dự phòng cho năm 2024 trong trường hợp Chính phủ không đồng ý tăng học phí và với nghị định 97, trường không phải thay đổi kế hoạch tài chính", vị này nói thêm.
Vị này cũng nhận định đây là giải pháp dung hòa cho cả trường và sinh viên. Thực tế, không tăng học phí thì trường "chết" còn tăng mạnh thì sinh viên không kham nổi.
Dù với mức tăng này trường vẫn phải bù kinh phí vì không theo kế hoạch của trường nhưng như vậy cũng ổn hơn là không tăng.
Tương tự, ông Bùi Quang Hùng, phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết trường tạm thu học phí năm học 2023 - 2024 theo mức quy định của nghị định 97. Mức học phí tăng theo nghị định 97 là quy định chia sẻ với trường và xã hội.
Người học chưa phải trả học phí ở mức cao như quy định trước đây và trường cũng có thêm nguồn tài chính giải quyết phần nào những khó khăn sau ba năm không tăng học phí.
Trong khi đó, nhiều trường cho biết dù nghị định 97 cho phép tăng học phí nhưng trường đã thu học phí theo mức năm học trước và không tăng học phí năm học này.
Ông Phan Hồng Hải, chủ tịch hội đồng trường, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cho biết năm học 2023 - 2024 trường vẫn áp dụng mức học phí của năm học trước, chưa tăng học phí.
Theo ông Hải, học phí đã được thông báo cho sinh viên từ đầu khóa và trường chưa áp dụng mức học phí của nghị định 97 cho năm học này.
"Dĩ nhiên việc chưa tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và các hoạt động khác của trường. Tuy nhiên, trường đã cố gắng sắp xếp tài chính ổn thỏa", ông Hải nói thêm.
Tương tự, ông Thái Doãn Thanh, phó hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM, cho hay trường cũng chưa áp dụng học phí nghị định 97 trong năm học này.
"Thời điểm này việc đăng ký học phần, thu học phí học kỳ 2 cũng đã thực hiện. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh tăng học phí nào cũng ảnh hưởng đến sinh viên. Hơn nữa, thời điểm cận Tết, việc tăng học phí có thể gia tăng gánh nặng cho gia đình sinh viên.
Hơn nữa, ba năm qua trường không tăng học phí nên cũng đã tìm cách cân đối tài chính cho cả năm. Do đó, năm học 2024 - 2025 trường mới tính toán mức tăng học phí và thông báo sớm để sinh viên có sự chuẩn bị", ông Thanh cho biết.
Bà Nguyễn Đoan Trang (hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM):
Miễn học phí ở bậc THCS sẽ tác động tốt đến các vấn đề phát triển học tập
Năm học vừa qua và năm học này, TP.HCM có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên và bậc mầm non. Trong đó, bậc THCS được hỗ trợ 100% học phí.
Là người quản lý nhà trường, tôi thấy việc hỗ trợ học phí có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống học sinh và các gia đình.
Hai năm nay, sau dịch COVID-19, nhiều người dân bị ảnh hưởng vì các doanh nghiệp giải thể, bệnh hoặc do kinh tế khó khăn mà mất việc làm... đời sống người dân khó khăn.
Học tập ở bậc mầm non, phổ thông là nhu cầu thiết yếu của các gia đình có con, cháu ở lứa tuổi này.
Vì thế, tôi đánh giá việc Chính phủ ra nghị định 97 để giữ nguyên mức học phí ở bậc phổ thông, mầm non không chỉ thiết thực với chính học sinh, gia đình các em mà còn thúc đẩy sự ổn định tâm lý của các gia đình có con đang theo học các bậc học phổ thông.
Thực tế, nếu Chính phủ cho tăng học phí có thể xáo trộn nhiều vấn đề vì theo học phí, các loại giá khác trong học tập sẽ nương theo mà tăng lên.
Chính sách học phí của chúng ta nên cân nhắc miễn học phí cho học sinh bậc THCS. Vì khi học xong bậc học này, học sinh đã có thể lựa chọn học nghề hoặc học lên bậc THPT để thi cao đẳng, đại học.
Chính sách học phí theo hướng miễn học phí ở bậc THCS cần được tính đến vì sẽ có tác động tốt đến các vấn đề phát triển học tập trong xã hội và thúc đẩy những giá trị tri thức ngày càng sâu rộng trong xã hội.
Trường đại học có khó khăn
Dù gặp nhiều khó khăn sau ba năm không tăng học phí nhưng Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết sẽ không tăng học phí trong năm học này.
Ông Đinh Đức Anh Vũ, phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay nghị định ban hành khá trễ nhưng có còn hơn không. Đây là cơ sở để trường xây dựng đề án tuyển sinh cũng như công bố học phí cho năm học tới.
"Khóa cũ trường đã thông báo học phí rồi nên không thể tăng. Ba năm không tăng học phí, trường chịu rất nhiều ảnh hưởng. Nhiều cán bộ giảng viên của trường cho rằng lạm phát tăng nhưng lương và thù lao giảng dạy không tăng. Trường cũng mất nhiều giảng viên trẻ", ông Vũ cho biết.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Phương Lan, hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết học phí của trường thực hiện theo quy định của Chính phủ, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Nghị định 97 mới ban hành nên trường cần có thời gian xem xét áp dụng thế nào, khi nào. Thực tế không ít sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn, trường phải tìm kiếm các nguồn tài chính từ bên ngoài hỗ trợ các bạn.
Nếu không có nghị định 97, học phí đại học sẽ tăng cao
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết nghị định 81 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2021, trong đó quy định mức học phí năm học 2021 - 2022 bằng mức học phí năm học 2020 - 2021, từ năm học 2022 - 2023, mức trần học phí tăng theo lộ trình hằng năm.
Năm 2022, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 165/2022/NQ-CP đề nghị các cơ sở giáo dục công lập giữ ổn định mức học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức học phí năm học 2021 - 2022.
Như vậy, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định qua ba năm học (2020 - 2021, 2021 - 2022 và 2022 - 2023).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu năm 2023 không có quy định khác, mức học phí năm học 2023 - 2024 sẽ áp dụng theo quy định tại nghị định 81. Theo đó, học phí sẽ tăng cao so với năm 2022 - 2023.
Cụ thể, mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học 2023 - 2024 sẽ tăng trung bình trên 45,7% so với năm trước. Đặc biệt, khối ngành y dược tăng 93%. Khối ngành nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, qua phản ánh và thảo luận, góp ý của các cơ quan trung ương, địa phương, học phí năm học 2023 - 2024 cần tăng để đảm bảo nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.
Đặc biệt, với các cơ sở giáo dục đại học công lập, thu từ học phí chiếm tỉ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn rất hạn chế.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đề nghị cần được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại nghị định 81 để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu học phí năm 2023 - 2024 thực hiện theo mức quy định tại nghị định sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh. Theo đó, hầu hết ý kiến thống nhất đề nghị cần tăng học phí so với năm học 2022 - 2023 nhưng có thể chậm lại một năm so với lộ trình tăng học phí theo nghị định 81.
Từ những lý do trên, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 81 để điều chỉnh lộ trình học phí phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận