Người tiêu dùng ủng hộ bỏ . Trong ảnh: khách hàng đổ xăng tại một cây xăng ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc quỹ bình ổn xăng dầu thực chất chỉ thu tiền của người mua xăng để "bình ổn" cho người mua xăng, trong khi giá xăng dầu đã gánh rất nhiều loại thuế phí khác.
Chưa kể, việc trích lập và chi quỹ này là động thái can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khi Nhà nước vẫn đang kiểm soát và điều hành giá xăng dầu, không thể bỏ quỹ này.
Nên bỏ quỹ bình ổn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại TP.HCM cho rằng việc bỏ lẽ ra nên làm từ lâu.
Theo ông L.Đ.V. - chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa (huyện Bình Chánh, TP.HCM), mỗi lít xăng cõng nhiều thuế phí, trong đó có quỹ bình ổn, trong khi chi phí cho nhiên liệu trên một chuyến đi thường chiếm 30-40% tổng chi phí, thậm chí có thể vượt mốc 40%.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian vừa qua theo hướng tăng mạnh nhưng giảm nhỏ giọt, gây bức xúc nơi doanh nghiệp.
"Thực chất quỹ này lấy tiền của chính người mua xăng dầu để "bình ổn" giá cho người mua xăng dầu. Nhưng dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, chúng tôi cho rằng hoạt động của quỹ bình ổn này không ổn chút nào. Mỗi lần xăng dầu có điều chỉnh tăng, doanh nghiệp phải cập rập tính toán lại chi phí kinh doanh tránh lỗ" - ông V. nói.
Ông V. cũng đề nghị nên bỏ quỹ này để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới sẽ hợp lý hơn.
Ông Tạ Long Hỷ - phó giám đốc Vinasun - cũng đồng tình nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, bởi bản chất của quỹ này là đang lấy tiền của chính người mua xăng dầu để "bình ổn" giá cho người mua xăng dầu.
Trong khi đó, với quy mô hàng ngàn xe, mỗi khi biến động giá xăng dầu là doanh nghiệp khổ sở bởi liên quan đến quyền lợi của khách hàng cũng như tài xế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tương tự, ông N.H.C. - giám đốc một công ty kinh doanh xăng dầu phía Nam - ủng hộ phương án bỏ quỹ bình ổn khi cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu mang đậm tính can thiệp hành chính.
Trong khi đó, cơ quan chức năng liệu có kiểm soát chặt chẽ quỹ này, vì việc sử dụng quỹ này trong thực tế chưa được công khai, minh bạch.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cho rằng trước năm 2009, khi chưa có quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu vẫn bình thường. Khi có quỹ bình ổn, việc điều hành giá xăng dầu có những mặt hay nhưng cũng tồn tại những mặt hạn chế.
Chẳng hạn, việc điều hành quỹ chưa minh bạch do chưa có quy định rõ ràng để lý giải khi giá xăng tăng bao nhiêu phần trăm sẽ trích quỹ bao nhiêu, khi nào sử dụng, khi nào không sử dụng quỹ...
"Đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường, các doanh nghiệp không muốn Nhà nước can thiệp nhiều quá vào hoạt động của mình, tôi cũng ủng hộ việc đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu và đây là việc tích cực" - vị này nói.
Chỉ nên trích quỹ khi giá xuống?
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng mục tiêu của việc điều hành giá xăng dầu là để hạn chế, không để tác động của giá thế giới tạo ra những biến động, những cơn sốt giá ở trong nước tác động bất lợi đến thị trường, đến sản xuất kinh doanh trong nước.
Điều hành quỹ nhưng vẫn phải để giá phản ánh giá thị trường ở mức độ nhất định, chứ không phải như một số kỳ điều chỉnh vừa qua mang tính "triệt tiêu" sự biến động của thị trường là không phù hợp.
"Trước mắt, khi vẫn phải phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, vẫn nên giữ quỹ nhưng vẫn phải cải tiến" - ông Thỏa nói.
Cụ thể, chỉ nên trích lập quỹ khi kinh doanh xăng dầu có lãi, tức là khi giá xăng dầu hạ, doanh nghiệp có lãi và không trích lập khi giá tăng cao. Ngay cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kinh doanh có lãi cũng phải trích ra lập quỹ chứ không chỉ người tiêu dùng đóng góp để tạo sự công bằng.
Còn về chi quỹ bình ổn giá, theo ông Thỏa, chỉ chi khi giá biến động bất thường và phải định lượng rõ sự bất thường, xóa bỏ cách điều hành theo kiểu xem giá xăng dầu luôn bị biến động bất thường. Về lâu dài, khi không còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu xăng dầu thế giới, tức là không phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới, sẽ có thể không cần quỹ này.
Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cũng cho rằng khi Nhà nước điều hành giá xăng dầu, vẫn phải giữ lại quỹ bình ổn giá xăng dầu chứ chưa thể bỏ được.
Bởi khi giá thế giới có biến động, nếu không có quỹ này, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng cao, gây áp lực rất lớn lên lạm phát.
"Mục tiêu số 1 của Chính phủ trong mấy năm qua và những năm tới vẫn là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, cần thiết phải duy trì quỹ bình ổn này để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hạn chế cú sốc từ bên ngoài" - ông Long kiến nghị. Đồng thời cho rằng chỉ đến khi giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường một cách thực sự, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì sẽ bãi bỏ quỹ này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cũng khẳng định trong bối cảnh Nhà nước vẫn điều hành giá xăng dầu, tức là quy định giá cơ sở đối với mặt hàng này thì nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu.
"Còn giá cơ sở xăng dầu, quỹ bình ổn giá vẫn còn tồn tại, đây là công cụ điều tiết giá xăng dầu mỗi khi thị trường có biến động" - ông Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Tài chính chỉ giám sát việc trích lập và sử dụng quỹ này của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có đúng, đầy đủ hay không.
Trong khi đó, việc điều hành quỹ, tức là mức trích lập và sử dụng là bao nhiêu... do Bộ Công thương - cơ quan chủ trì và điều hành giá xăng dầu - chịu trách nhiệm. Ngoài ra, mức trích lập và sử dụng từ quỹ này bao nhiêu là phụ thuộc vào điều hành giá cơ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận