Một trong những điểm sáng trong hoạt động của hội phụ huynh là phối hợp với nhà trường tổ chức tốt các chuyến dã ngoại cho con em. Trong ảnh: một buổi dã ngoại, học tập ngoài nhà trường của Trường tiểu học song ngữ Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), do nhà trường phối hợp với hội phụ huynh tổ chức - Ảnh: M.N.
Trong hội thảo khoa học "Góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi)" mới đây, TS Thái Thị Tuyết Dung - trưởng bộ môn luật hành chính, khoa luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM - đề nghị cần bỏ quy định về việc ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh trong dự thảo luật này.
Bà Dung cho rằng hội phụ huynh nên là tổ chức tự nguyện của cha mẹ học sinh, việc thành lập hay không tùy thuộc vào nhu cầu của phụ huynh và cơ sở giáo dục, vì vậy pháp luật chỉ nên quy định khuyến khích hơn là quy định bắt buộc.
* Với tư cách cũng là một phụ huynh, theo bà, có nên thành lập hội phụ huynh học sinh?
- Con và cháu tôi đều học trường tư và các trường này đều không có ban đại diện cha mẹ học sinh. Hơn nữa, trong bối cảnh xã hội phát triển về công nghệ thông tin hiện nay, sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường rất thuận lợi, phụ huynh học sinh nên lắng nghe ý kiến và phản hồi con mình về tình hình ở lớp, chất lượng bữa ăn, nhà vệ sinh..., sau đó trao đổi trực tiếp đến giáo viên chủ nhiệm và nhà trường thì hiệu quả hơn.
Tôi ủng hộ quan điểm không cần thiết phải tồn tại ban đại diện cha mẹ học sinh. Chính vì thế, không nên ràng buộc "kết quả hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh là một trong những tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục" như thông tư 55 hiện nay.
Cũng đã có nhiều diễn đàn trao đổi về vấn đề này và đa số ý kiến phản ánh cho thấy hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh không phải luôn luôn cần thiết. Trước đây, một tờ báo từng công bố kết quả khảo sát: chỉ có 8% cho rằng nên giữ ban đại diện cha mẹ học sinh, 71% cho rằng không nên có và 21% cho rằng nên duy trì nhưng phải chấn chỉnh hoạt động.
Thực tế ban đại diện cha mẹ học sinh có những hỗ trợ tài chính và hoạt động khác cho trường, đặc biệt là trường công. Nhưng có bất cập rất lớn xảy ra khi ở nhiều trường ban đại diện lợi dụng quyền này để tạo ra các đặc quyền riêng, dẫn đến lạm thu.
Ví dụ lớp 30 học sinh nhưng chỉ 15 phụ huynh đồng ý đóng góp thì nửa còn lại phải gánh chịu điều này, nhất là các đóng góp về cơ sở vật chất.
TS Thái Thị Tuyết Dung - (Trưởng bộ môn luật hành chính, khoa luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM)
* Vậy cần có cơ quan quản lý và quy định như thế nào để hội phụ huynh hoạt động đúng chức năng?
- Cần lưu ý cơ sở giáo dục, học sinh thuộc đối tượng quản lý nhà nước chung của Bộ GD-ĐT, còn phụ huynh thuộc đối tượng quản lý của Bộ Nội vụ. Vì vậy theo tôi, nên để bộ này quy định điều lệ mẫu của hội phụ huynh, các cơ sở giáo dục nào có hội phụ huynh tự nguyện thành lập thì dựa vào điều lệ mẫu này chuẩn bị các điều kiện hoạt động.
Trước khi hoạt động cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. UBND các cấp có thẩm quyền sẽ kiểm tra việc tuân thủ điều lệ của hội phụ huynh và xử lý, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
* Ông HÀ HỮU THẠCH (hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM): Hội phụ huynh có đóng góp lớn
Ở trường tôi, hội phụ huynh tài trợ trực tiếp cho những hoạt động học tập, sinh hoạt ngoại khóa của con em mình. Nhưng cái lớn hơn và quan trọng hơn mà hội phụ huynh làm được chính là vai trò cầu nối giữa nhà trường và các phụ huynh.
Khi nghe phụ huynh hoặc học sinh có điều gì đó chưa hài lòng về cách thức tổ chức giáo dục của trường, về tác phong, phương pháp giảng dạy của giáo viên, hội phụ huynh nhanh chóng phản ánh ngay với ban giám hiệu nhà trường. Chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh ngay nếu thấy hợp lý.
Hội phụ huynh trường tôi còn lập ra một ban để đi khảo sát những vấn đề họ quan tâm như chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh và các hoạt động khác.
Hội phụ huynh còn là trợ thủ đắc lực của nhà trường trong quá trình giáo dục con em. Khi nhà trường cần tìm giáo sư, tiến sĩ để hỗ trợ học sinh trong những hoạt động liên quan đến nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM, không ai khác chính là hội phụ huynh đã giới thiệu ngay những giáo sư chuyên ngành.
Khi nhà trường cần tìm một võ sư để dạy võ cho học sinh, hội phụ huynh đã giới thiệu vị chủ tịch Hội Võ cổ truyền của TP. Khi nhà trường cần tìm một bác sĩ để khám và hướng dẫn học sinh cách cai nghiện game, cai nghiện điện thoại thì hội phụ huynh đã đưa đến một phụ huynh là bác sĩ chuyên ngành...
* Bà HỒ HẰNG (phụ huynh học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM): Trách nhiệm của ban giám hiệu
Đúng là bên cạnh nhiều yếu tố tích cực cũng tồn tại một số hội phụ huynh không tạo được niềm tin cho phụ huynh. Tôi cho rằng trách nhiệm của việc này một phần là do ban giám hiệu nhà trường. Không ai khác, chính ban giám hiệu cần đóng vai trò hướng dẫn hội phụ huynh làm tốt chức năng của mình.
Bởi phụ huynh có ai đi học để làm công tác hội phụ huynh bao giờ đâu mà rành rẽ hết mọi thứ? Ở những nơi hội phụ huynh kêu gọi đóng tiền tràn lan thì trách nhiệm một phần cũng do ban giám hiệu nhà trường, nếu nhà trường không cho phép thì làm sao hội dám thu?
* Bà NGUYỄN THỊ THU HUỆ (phó trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 5/2 Trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Tân Bình, TP.HCM): Lấy ai phản biện nhà trường?
Mấy hôm nay đọc báo, tôi đã đặt ra câu hỏi: nếu bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh thì ai sẽ là người đứng ra phản biện với nhà trường? Vì nhà trường không phải lúc nào cũng làm đúng.
Ban đại diện cha mẹ học sinh nếu tập hợp được những người hiểu biết, có bản lĩnh và lấy quyền lợi học sinh lên hàng đầu sẽ sâu sát với các hoạt động giáo dục, kịp thời phản biện với nhà trường về những điều chưa tốt, cần chỉnh sửa, làm cho công tác giáo dục hiệu quả hơn và tốt hơn.Hoàng Hương ghi
Các nước có hội phụ huynh không?
Mỹ, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và nhiều nước khác đều có ban đại diện cha mẹ học sinh giống như ở Việt Nam.
Ở Mỹ, hầu hết trường tiểu học, trung học công và tư đều có hội phụ huynh (PTA). Ngoài ra, còn có cả hội phụ huynh giáo viên quốc gia (National PTA), đây là tổ chức tình nguyện lớn nhất và lâu đời nhất hoạt động đại diện cho trẻ em và học sinh.
Những ai tham gia PTA ở địa phương sẽ tự động trở thành thành viên PTA của bang và National PTA.
Tại Philippines, các hội phụ huynh hoạt động tương tự nhiều nước khác. Chẳng hạn theo trang web của Brent International School Manila, cứ vào tháng 5 hằng năm, trường sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt để chọn ra thành viên ban điều hành của hội phụ huynh như chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký, thủ quỹ...
Hội phụ huynh sẽ đóng vai trò là một kênh liên lạc giữa cha mẹ và học sinh về một loạt vấn đề như chương trình học, giải đáp thắc mắc...
Tại Hàn Quốc, nhiều trường cũng tổ chức hội phụ huynh nhưng trên tinh thần tự nguyện. Chẳng hạn, Taejon Christian International School cho biết hội phụ huynh ở trường này là một tổ chức tự nguyện giúp cha mẹ và thầy cô tương tác với nhau.
PTA sẽ tổ chức các đợt gây quỹ tự nguyện để cải thiện cơ sở vật chất của trường và chương trình học tập của học sinh.
Trong khi đó, đối với một số nước không có hội phụ huynh như Singapore, nhà trường thường liên lạc với cha mẹ học sinh qua thư, email, điện thoại...
Nếu phụ huynh muốn biết cụ thể về tình hình học tập của con em, họ sẽ được bộ phận hành chính của nhà trường tiếp đón và cung cấp thông tin. Theo trang The New Paper, vừa qua Singapore còn cho ra một ứng dụng điện thoại mang tên Parents Gateway giúp kết nối phụ huynh với nhà trường.
BÌNH AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận