Gan là cơ quan chính để thanh lọc các chất độc hại. Gan tham gia tích cực vào việc chuyển hóa thức ăn đưa vào và dự trữ năng lượng cho cơ thể dưới nhiều dạng khác nhau. Gan cũng là nơi bào chế một số chất đạm, acid mật, chất béo… có lợi cho cơ thể.
Kẻ thù của gan
Gan là nơi rất dễ bị tổn thương, người ta có thể kể ra hàng loạt kẻ thù của gan bao gồm: rượu bia, vi-rút, vi khuẩn, các chất độc trong thực phẩm…
Đối với gan, bia rượu đúng là chất độc, gan phải làm việc cật lực để chuyển hóa chúng, rồi loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Khi uống bia rượu lâu dài, gan phải làm việc quá sức rồi bị nhiễm độc. Biểu hiện thường gặp là tăng nồng độ men gan, thể hiện chức năng gan bị rối loạn, tế bào gan bị tổn thương.
Bia rượu làm giảm glutathion là chất bảo vệ nhu mô gan, mặt khác lại làm tăng tổng hợp acid béo trong tế bào gan đưa đến gan nhiễm mỡ. Nếu uống rượu bia kéo dài, gan dễ bị viêm, dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Viêm gan vi-rút cấp là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp do các vi-rút viêm gan (HAV, HBV, HCV, HDV, HEV,...) gây ra. Bệnh có đặc điểm là tình trạng nhiễm độc nặng làm bệnh nhân mệt lả, gan to, vàng da, đặc biệt nước tiểu vàng sậm. Vì có tình trạng hoại tử tế bào gan nên khi xét nghiệm thường thấy tăng các men SGOT và SGPT (hay AST và ALT) trong huyết thanh...
Nếu là viêm gan A thường diễn biến lành tính, nhưng khả năng lây lan nhanh, nhất là đối với người chung sống trong nhà.
Để phát hiện bệnh
Viêm gan mạn có thể do viêm gan cấp chuyển sang hoặc do mẹ lây truyền sang con. Tuy nhiên, một tỉ lệ ngày càng cao viêm gan mạn do vi-rút lây truyền qua đường tình dục. Viêm gan mạn trên thực tế tại Việt Nam hiện nay thường có thể do vi-rút viêm gan B hoặc vi-rút viêm gan C gây ra. Điều hết sức nan giải là cả hai loại bệnh này đều ít có biểu hiện ra bên ngoài, thành thử, chỉ khi xét nghiệm máu đặc hiệu mới tìm ra những dấu hiệu của sự nhiễm bệnh.
Cách tốt nhất để phát hiện bệnh là bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Xét nghiệm anti-HCV dương tính chứng tỏ bạn bị nhiễm vi-rút viêm gan C.
Còn đối với bệnh viêm gan B, xét nghiệm HBsAg dương tính nói lên một điều là bạn có kháng nguyên này trong cơ thể.
Để biết bạn có bị viêm gan thật sự do vi-rút viêm gan B hay không, bạn cần làm thêm xét nghiệm HBeAg để xem có hiện diện kháng nguyên này trong huyết thanh của bạn hay không.
Nếu HBeAg dương tính, đi kèm với men gan tăng hơn 1,5 lần so với mức bình thường, chứng tỏ bạn bị viêm gan B mạn. Nhưng nếu HBeAg dương tính và men gan không tăng hoặc tăng ít, hoặc HBeAg âm tính và men gan lại tăng rõ rệt, bạn cần làm một xét nghiệm cao cấp hơn, đó là xét nghiệm HBV-DNA. Với xét nghiệm định lượng HBV-DNA, bạn có thể được biết rõ hơn về khả năng nhân lên của vi-rút này trong cơ thể và bác sĩ sẽ quyết định xem bạn nên điều trị như thế nào.
Phòng bệnh
Xuất phát từ thực tiễn đó, chúng ta hiểu ngay rằng vấn đề phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Đối với trẻ sơ sinh, chủng ngừa viêm gan B rất quan trọng. Kế đó, nếu ba mẹ có vấn đề về gan, đặc biệt là viêm gan B hoặc C, trẻ cần được xét nghiệm máu, chủ yếu là HBsAg và Anti-HCV. Khi có những vấn đề không thật sáng tỏ, bạn nên gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến các phòng tư vấn sức khỏe để trao đổi với bác sĩ.
Để giữ gìn lá gan của bạn, sau đây là những việc khác mà bạn nên quan tâm thực hiện:
- Bạn cần thực hiện tình dục an toàn.
- Bạn không nên uống nhiều bia rượu.
- Bạn không nên sử dụng các dụng cụ cạo râu tóc, dụng cụ làm móng tay, móng chân chung với người khác.
- Khi phải làm việc trong môi trường độc hại, bạn cần xin ý kiến của các phòng tư vấn sức khỏe để có biện pháp giảm nhẹ tác hại.
- Đối với các thực phẩm ôi, thiu, cháy khét, thực phẩm dự trữ lâu ngày, thực phẩm mốc và các loại nấm lạ, bạn cũng phải nên loại bỏ cẩn thận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận