Từng là cựu tù chính trị Côn Đảo, là phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, sau khi về hưu, bà Lê Tú Cẩm chuyên tâm về công tác bảo tồn di sản của TP.HCM. Bà chia sẻ với Tuổi Trẻ những trăn trở về giữ lại hồn cốt của di tích.
Bảo tàng không phải là to hay nhỏ
* Việc xin giấy phép hoạt động cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định của bà bắt đầu như thế nào?
- Khi còn làm phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, tôi có tiếp xúc với ông Trần Văn Lai.
Sau này ông Lai mất, tôi nghỉ hưu và làm ở Hội Di sản văn hóa TP.HCM, tôi biết con của ông Lai là Trần Vũ Bình đang đi tìm di tích mà ba mình từng sống và hoạt động trong nội thành thời chiến tranh.
Do thời thế nên những di tích này qua tay nhiều người, có nguy cơ bị mất. Trong khả năng của mình, Bình đã cố gắng giữ lại cái nào hay cái đó.
Tôi thấy quý nên tìm cách gặp Bình và nhận lời giúp đỡ khi bạn ấy bày tỏ ý định làm bảo tàng nhưng chưa biết phải làm sao.
* Nhiều người nói Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định có "sản phẩm" rất đặc biệt...
- Hội Di sản văn hóa TP.HCM có giúp một vài nơi xin thành lập bảo tàng. Các bảo tàng tư nhân thường của những nhà sưu tập yêu thích một loại cổ vật nào đó, nên hiện vật cùng thuộc một chủng loại. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định rất nhiều chủng loại, rất khó làm hồ sơ.
Với kinh nghiệm làm việc, tôi phát hiện ở ngôi nhà 145 Trần Quang Khải có một bộ sưu tập vô cùng quý giá và là "đặc sản riêng" của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, đó là hầm.
Đây là hầm trong lòng nội thành nên không to bằng hầm ở Bến Dược (Củ Chi).
Ở đây là cái hầm nhỏ trong những nhà nhỏ, tưởng là nhà dân nhưng có hầm trong đó. Nhìn từ ngoài vào không thấy, hiếm nơi nào có được.
* Nhưng người ta thường thấy bảo tàng là nơi có không gian lớn và tập hợp các hiện vật lại một chỗ?
- Lúc đầu khi đến ngôi nhà số 145 Trần Quang Khải, tôi đã giật mình và nghĩ: "Mình giúp rồi không biết người ta có chịu cho làm không vì để làm bảo tàng phải có cơ sở vật chất nhất định".
Tuy nhiên, vì tôi đã từng làm nhiều hồ sơ và hiểu hết quy trình nên tôi cho là có thể thuyết phục được để cấp phép.
Tôi muốn mọi người thấy giá trị không nằm ở cái nhà to hay nhỏ mà nằm ở chỗ di sản để lại, cả di sản vật thể là những di vật còn giữ được và những di sản phi vật thể như các câu chuyện chiến đấu của lực lượng biệt động Sài Gòn.
Là người làm trong ngành di sản nên tôi "thấm" được khái niệm bảo tàng. Một ngôi nhà dù lớn hay nhỏ thì cũng là nơi gìn giữ di sản và phát huy được giá trị di sản.
Xã hội hóa để chăm lo bảo tồn tốt hơn
* Bà thấy gì từ việc làm bảo tàng trong bức tranh di sản của thành phố?
- Mỗi nơi có biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa khác nhau. Gia đình của Trần Vũ Bình bỏ công phục hồi các di tích, nếu không nó cũng tàn lụi một cách không tên không tuổi.
Ở TP.HCM, nhiều ngôi đình xuống cấp nhưng người ta đã từng biết đến tên, chứ cái nhà ở 145 Trần Quang Khải mà mất đi thì chẳng ai biết gì.
Thành ra trường hợp trên nằm trong tổng thể rất lớn mà hiện nay ai cũng băn khoăn là nhiều di tích đang trong quá trình xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng rồi mất tiêu.
Đó là một thực trạng. Ra mắt Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định để thấy trong bức tranh tối còn có điểm sáng.
* Những công trình xuống cấp như đình Tân Quy Đông, Tân Hội, Tân Túc, Phú Lạc... có phải do việc quản lý còn nhiều bất cập?
- Tất nhiên vì mình quản lý chưa tốt nên chưa thể phát huy những giá trị của di sản văn hóa. Tuy mỗi nơi mỗi khác nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Nếu xuống cấp nhỏ kiếm cách làm dần dần thì đã không có tình trạng xuống cấp qua từng năm.
Thứ hai là chuyện tiền nong. Để bảo tồn di tích thì đầu tư rất lớn chứ không phải như nhà mình hư đâu sửa đó.
Ngân sách nhà nước không đủ để chi cho tất cả những cơ sở có dấu hiệu xuống cấp. Còn đối với các cơ sở mang tính chất tín ngưỡng thì dùng tiền nhân dân đóng góp để trùng tu. Nếu nơi nào không làm được việc đó thì tự nhiên nó xuống cấp thôi.
* Còn chủ trương của Hội Di sản văn hóa TP.HCM thì sao?
- Hội chỉ là nơi tập hợp những con người cùng niềm đam mê, sở thích yêu di sản, trong tay không có gì hết. Cho nên hội chỉ lấy sức mạnh tập hợp đó để góp thêm tiếng nói cho những nơi xuống cấp rồi đưa lên chính quyền.
Thông qua hội như một mái nhà chung, các hội viên có thể kết hợp làm nên sức mạnh hơn là đứng riêng lẻ mỗi đơn vị. Có những nơi phát huy được chuyện thu hút du khách đến thường xuyên, có những nơi không ai đến.
Hội sẽ ở trung gian kết nối những người cùng làm di sản để họ cùng trao đổi, kết hợp và những đình, đền chưa thu hút dần dần thay đổi. Từ đó nhiều người quan tâm sẽ cùng chung sức với mình, chủ trương là xã hội hóa để cùng chăm lo cho chuyện bảo tồn ngày càng tốt hơn.
Để di tích kể chuyện
* Bà thường xuyên nhắc đến di tích Hỏa Lò, điều gì khiến bà tâm đắc?
- Thật ra lúc làm di tích nhà tù Hỏa Lò, những người làm di sản theo cách cũ rất phản đối, trong đó có tôi. Tôi nghĩ di tích về nhà tù như vậy không nên đập đi. Một bên đau thương, anh dũng, một bên xây khách sạn cho khách vào ở.
Nhưng thực tiễn dạy cho tôi rằng "giữ" không phải là giữ nguyên vẹn. Lúc trước tinh thần nổi bật nhất của Luật Di sản là giữ nguyên trạng, nhưng cách giữ y nguyên về mặt vật chất chưa chắc đã đúng. Quan trọng phải giữ cái phi vật thể.
Bây giờ phần vật thể ở di tích Hỏa Lò chỉ là một góc nhưng du khách hiểu hết những người tù ngày xưa đã sống và chiến đấu như thế nào. Người trẻ ngày hôm nay hay ở chỗ giữ di sản nhưng biết sáng tạo để phát huy giá trị di sản.
Vấn đề giữ di tích là rủ người ta tới để có cơ hội kể câu chuyện về di tích đó chứ không phải quét bụi để nó đừng dơ, đừng sụp, đừng đổ. Trọng về câu chuyện chứ không phải là cái nhà, cái nhà là cớ để kể những câu chuyện.
* Nhưng nhiều người nói giới trẻ bây giờ hiếm ai yêu di sản văn hóa dân tộc.
- Giới trẻ hay giới già thì cũng có người này người kia. Nhưng hãy nhìn số đông, đừng nói giới trẻ quên quá khứ, quên di sản.
Người trẻ tuổi có nhiều cách giữ di sản rất mới và sáng tạo. Giữ một chút cũng là giữ, còn hơn giữ nguyên vẹn cuối cùng lại như chẳng giữ được gì.
* 76 tuổi rồi, bà nghỉ đi! Có ai nói thế với bà chưa?
- Dường như đã mang lấy nghiệp vào thân, rồi cứ vậy nó lôi tôi đi hoài, buông ra không được.
Đến tuổi này rồi mà vẫn còn làm di sản thì cái đầu phải trẻ hóa để chấp nhận những điều mới, không nên ôm khư khư cái cũ.
Giống ông bà hay cằn nhằn tụi con nít là "phải quét dọn bàn thờ mỗi ngày, rồi đốt đúng ba cây nhang".
Xong nó nói không phải, khi nào tới đám giỗ hay lễ lộc gì đó rồi con dọn dẹp. Mà đốt ba cây cũng vậy, một cây cũng vậy, miễn ăn thua tấm lòng luôn nhớ đến.
Mình cũng biết chấp nhận điều đó. Giữ là giữ cái hồn cốt. Như việc thờ cúng là giữ đạo lý làm người, luôn nhớ ơn ông bà, cha mẹ chứ không phải giữ những lễ nghi y chang.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải, Q.1) đặc biệt khi gắn mô hình bảo tàng với di tích lịch sử, Nhà nước và chính quyền địa phương quản lý, sở hữu thuộc về gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (người từng hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỉ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán dinh Độc Lập).
Căn nhà của bảo tàng được xây dựng từ năm 1963, trước kia là tài sản của ông Ngọc Quế - một doanh nhân có trụ sở đóng xích lô quy mô lớn.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà là nơi hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu...
Sau năm 1975, ông Ngọc Quế xây tường chia tòa nhà 145 Trần Quang Khải ra làm ba căn để bán cho những người dân khác. Hiện tại gia đình ông Trần Văn Lai đã mua lại một phần tầng trệt, tầng hai và tầng ba để làm bảo tàng.
Tại đây có bảy bộ sưu tập hiện vật lịch sử quý giá gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng biệt động Sài Gòn, bao gồm bộ sưu tập hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân, chứa thư từ, tài liệu, tiền vàng; bộ sưu tập vũ khí...
Bảo tàng sẽ tổ chức lễ khánh thành vào ngày 27-8.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận