Cái Mơn là tên quen thuộc của vùng đất cây lành trái ngọt, trăm năm nghề sản xuất nhân giống cây, hoa kiểng ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre.
"Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn, nghêu sò cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày". Khi nhắc đến miệt vườn cây trái này, người ta hay nhớ đến câu nói trên, ý nhắc đến trái sầu riêng và trái măng cụt ở Cái Mơn không đâu ngon bằng. Hai đặc sản còn lại cũng vậy.
Nay nhiều người bán sầu riêng, cây giống hay lấy thương hiệu "sầu riêng Cái Mơn", "cây giống Cái Mơn", "hoa kiểng Cái Mơn" với mong muốn hàng hóa của mình được nhiều người mua.
Hệ lụy của việc lấy thương hiệu Cái Mơn mà mình không phải "chính chủ" đã gây thiệt hại cho nhiều người mua. Cây giống trồng 3-4 năm cho trái nhưng không ngon.
Trái sầu riêng giống cây ở Cái Mơn nhưng được trồng tại một vùng thổ nhưỡng khác có thể có hương vị khác. Những người sành ăn có thể phân biệt hương vị không giống như trái cây trồng ở Cái Mơn.
Ngày nay, nghề nhân ghép cây giống ở Cái Mơn đã có ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Bến Tre. Có người vì muốn thuyết phục người mua đã lấy nhãn in thương hiệu Cái Mơn gắn vào cây giống do mình sản xuất mặc dù không phải cây "ra đời" ở Cái Mơn. Họ không có cây đầu dòng, cây đúng giống.
Một trường hợp khác: cũng là cây sản xuất ngay trên xã Vĩnh Thành (Cái Mơn), "nhãn hiệu" là mảnh giấy in dòng chữ "Vườn ươm cây giống Cái Mơn, giống sầu riêng Ri 6, địa chỉ Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre" nhưng không ghi tên cơ sở sản xuất để nhà vườn, cơ quan chức năng có thể truy nguồn gốc.
Đã có không ít chuyện trồng cây này cho trái cây kia như trồng sầu riêng hạt lép lại ra trái không phải hạt lép, trồng bưởi da xanh cho trái bưởi long cổ cò, trồng vú sữa hoàng kim cho trái lê ki ma... Người mua cây giống nếu chỉ nhìn lá khó phân biệt là cây giống gì.
Ngoài những người sản xuất cây giống cố tình làm sai, trên thị trường tiêu thụ trái cây, cây giống, hoa kiểng còn có những người thu mua trái sầu riêng và cây giống ở địa phương khác cũng tiếp thị là "sầu riêng Cái Mơn", cây giống cũng mượn danh "cây giống Cái Mơn", "hoa kiểng Cái Mơn"...
Một cư dân ở xã Vĩnh Thành cho biết ngay cả sầu riêng bày bán trên đất Cái Mơn, được giới thiệu là trái cây Cái Mơn nhưng lắm khi là mua ở tận nơi xa đem về. Người mua cây giống không biết đâu là thật đâu là giả, trồng cây 3-4 năm cho trái mới té ngửa là nhầm, dẫn đến mất niềm tin vào thương hiệu Cái Mơn thật.
Những người có nghề sản xuất cây giống ở Vĩnh Thành (Cái Mơn) mong muốn nhãn hiệu cây giống nên ghi rõ tên chủ cơ sở sản xuất như cách ông Chín Hóa có cây sầu riêng hạt lép, khi nhân giống ông ghi nhãn hiệu là "sầu riêng hạt lép Chín Hóa".
Có như vậy mới thấy trách nhiệm của người sản xuất cây giống và người trồng cây nếu không đúng giống, có thể truy nguồn gốc sản xuất.
Cây và trái sẽ phải có nguồn gốc. Danh tiếng hoa trái và cây giống từ vùng đất Cái Mơn càng cần được bảo vệ. Trách nhiệm này không chỉ ở các hợp tác xã sản xuất cây giống, hoa kiểng mà còn ở cơ quan quản lý.
Việc này đảm bảo truy xuất nguồn gốc trái cây và giống cây, người mua không nhầm và người Cái Mơn cũng được lợi hơn nhiều khi cây trái được đảm bảo uy tín.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận